(HNM) - Văn hóa là gốc. Văn hóa công chức, văn hóa công sở của Hà Nội gắn bó mật thiết với tinh thần người Hà Nội và góp phần lan tỏa những giá trị Hà Nội. Để xây dựng “chính quyền phục vụ”, thì một chiến lược xây dựng văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý cũng như người thực thi công vụ trên địa bàn Hà Nội, nhằm tìm ra giải pháp phát huy văn hóa, nét đẹp người Hà Nội trong môi trường công sở, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Coi trọng yếu tố con người văn hóa
- Nhiều người cho rằng, văn hóa công sở, văn hóa công vụ là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ông nhìn nhận thế nào về nhận định này?
- Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa: Văn hóa công sở xuất phát từ chính vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước trong đời sống xã hội và trong hoạt động của bộ máy hành chính, góp phần hình thành nét đẹp văn hóa của những con người cũng như động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Một công sở chỉ làm tròn nhiệm vụ và chức năng khi tạo dựng được mối quan hệ tốt giữa cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc; các chuẩn mực ứng xử, giao tiếp hành chính; ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân; hành vi ứng xử trong và ngoài cơ quan..., từ đó khơi dậy trong mỗi người tiềm năng sáng tạo và nỗ lực cống hiến, vì sự phát triển của xã hội.
- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Văn hóa cơ quan, công sở, công vụ, hành chính… là nơi tựu trung giá trị của văn hóa xã hội nói riêng, mẫu mực cho sự phát triển văn hóa nói chung. Nó là động lực không chỉ cho một tổ chức, mà còn là động lực cho cả xã hội.
- Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương: Trong các cơ quan nhà nước, môi trường văn hóa góp phần tạo dựng phẩm chất đạo đức công vụ, trách nhiệm chính trị - xã hội, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân và ý thức kỷ luật, kỷ cương trong lao động. Môi trường văn hóa tốt đẹp sẽ tương thích và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của đời sống văn hóa tinh thần, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững.
- Phó Chủ tịch UBND thị trấn, Trưởng bộ phận “một cửa” thị trấn Quốc Oai Trần Văn Luật: Yếu tố con người văn hóa trong sự phát triển của cơ quan, công sở là đặc biệt quan trọng. Thiếu đi yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất, chất lượng công việc, ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế - xã hội.
- Không phải đến thời điểm này, Hà Nội mới quan tâm đến văn hóa công sở, nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ công chức, vậy cần làm gì để bồi đắp nếp văn hóa này trong mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, công chức?
- Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa: Tôi nghĩ rằng, không ai muốn bản thân mình là người hành xử “thiếu văn hóa”. Xảy ra hiện tượng này, hiện tượng kia phần lớn do thói quen “thả lỏng” bản thân trong một thời gian dài hoặc thiếu quan tâm tới việc “xây nền văn hóa”. Do vậy, phải thường xuyên, quan tâm, giám sát, chỉ đạo, đôn đốc việc tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định trong thực hiện công vụ, quy tắc ứng xử.
- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Chúng ta thiếu sự “đào tạo tư cách công vụ” cho mỗi thành viên. Khi trở thành thành viên của một tổ chức, hình như không ai còn được tập huấn tư cách công vụ. Thường là anh em, chị em nhắc nhau, mỗi người mỗi ý. Quy chế, giải pháp là cần thiết với tư cách một tổ chức xã hội và quy chế hay giải pháp đó phải rất cụ thể và khả thi. Còn thực hiện thì lại cần có tư cách cá nhân. Tôn trọng những giá trị chung là rất cần thiết để tạo nên sức mạnh chung, lớn hơn cố gắng từng người nhiều lần. Con người sống thành xã hội là vì như vậy.
- Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương: Dù thành phố đã có những quy định, quy chế cho việc định hình văn hóa công sở, nhưng việc thực thi ở không ít nơi còn chưa nghiêm túc, vẫn còn hiện tượng xuề xòa, cả nể hoặc hình thức trong triển khai thực hiện, kiểm tra, nhắc nhở, phê bình... Đây là điều cần phải sớm được khắc phục để xây dựng, đắp bồi văn hóa công sở.
- Phó Chủ tịch UBND thị trấn, Trưởng bộ phận “một cửa” thị trấn Quốc Oai Trần Văn Luật: Nhìn sâu xa, hành vi, lối ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thể hiện nền tảng văn hóa, môi trường giáo dục của gia đình, xã hội và cả nơi họ sinh sống, làm việc. Điều này tác động đáng kể tới nhận thức, ý thức công vụ của mỗi người cũng như ảnh hưởng nhất định đến việc hình thành, vun đắp giá trị văn hóa công sở trong môi trường làm việc.
Tạo động lực cho sự phát triển
- Văn hóa công sở có quan hệ thế nào với văn hóa người Hà Nội? Làm thế nào để văn hóa Thăng Long - Hà Nội lan tỏa trong mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn? Văn hóa công sở trở thành một nét đẹp của người Hà Nội và văn hóa công vụ trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, công chức?
- Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa: Về cơ bản, văn hóa công sở phản chiếu chiều sâu văn hóa tinh thần của con người. Ở đây chính là chất Hà Nội, phong cách người Hà Nội, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nói như vậy để thấy, Hà Nội đã ban hành những quy định, quy chế để điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn, để văn hóa công sở trở thành một nét đẹp của người Hà Nội. Thế nhưng, như chúng ta đều biết, để văn hóa công sở trở thành nhu cầu tự thân của công chức, viên chức, không phải là câu chuyện ngày một ngày hai.
Giải pháp đã và đang được thành phố triển khai, đó là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp đối với hiệu quả, chất lượng nhiệm vụ tại cơ sở mình; tăng cường kỷ luật hành chính gắn với thực hiện tốt các quy tắc ứng xử; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp… Bên cạnh đó, thành phố kêu gọi người dân đồng hành, ủng hộ trong việc giám sát, lên tiếng trước những hành vi, việc làm không đúng với văn hóa công sở, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.
- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Nếu văn hóa công sở, tư cách công vụ ở Thủ đô được xây dựng tốt đẹp, nó sẽ có một sức lan tỏa rộng lớn. Bởi vậy, mỗi tổ chức cần có những nghiên cứu, tìm hiểu, bàn bạc đồng thuận để đưa ra những quy ước cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế.
- Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương: Để văn hóa công sở ngấm và thấm trong mỗi cơ quan, đơn vị, trước hết là mỗi người đứng đầu phải đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế phát triển và phải thật sự gương mẫu trong tư duy, phong cách, lối sống...
Lãnh đạo phải là người đánh giá công tâm năng lực thực tế của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dưới quyền, phải là hạt nhân đoàn kết và có giải pháp giảm tải, đẩy các áp lực không đáng có để mỗi người trong “guồng máy” có thể phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm. Khi chuẩn mực văn hóa được phát huy thì những tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, giá trị nhân văn trong mỗi con người sẽ trở thành động lực phát triển cho toàn xã hội.
- Phó Chủ tịch UBND thị trấn, Trưởng bộ phận “một cửa” thị trấn Quốc Oai Trần Văn Luật: Ứng xử có văn hóa là kết quả của sự rèn luyện và tu dưỡng của mỗi cá nhân. Theo tôi, giải pháp không thể thiếu là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục. Nhiệm vụ này, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Có thể chọn ra một số nội dung để làm chủ điểm phát động thi đua từng tháng, từng quý ở từng đơn vị, có hình thức thưởng phạt xứng đáng, kịp thời… Đồng thời khuyến khích người dân góp ý xây dựng bằng nhiều hình thức: Hòm thư góp ý, sổ ý kiến, đường dây nóng…
- Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.