Nghị quyết và Cuộc sống

Bài cuối: Từ Nghị quyết đến thực tiễn và thách thức của chuyển đổi số

Nhóm phóng viên 29/10/2023 22:42

Kết quả “chuyển đổi số” trong công tác Đảng tích cực hiện nay xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc, bài bản và có tầm nhìn chiến lược của Thành ủy Hà Nội.

cover-4.jpg

Kết quả “chuyển đổi số” trong công tác Đảng tích cực hiện nay xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc, bài bản và có tầm nhìn chiến lược của Thành ủy Hà Nội. Tuy nhiên, để “chuyển đổi số” thực sự tạo ra bước đột phá thì còn nhiều việc phải làm, trong đó, các địa phương, bao gồm cả Hà Nội, không thể một mình thực hiện thành công trọn vẹn.

Cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho thấy những giải pháp cần thiết để thúc đẩy “chuyển đổi số” trong công tác Đảng thời gian tới.

cds1.jpg

- Từ kết quả “chuyển đổi số” trong công tác Đảng thời gian qua, đồng chí cho biết, đâu là những yếu tố quan trọng để bắt tay vào thực hiện và đem lại hiệu quả trong “chuyển đổi số”?

- Trước tiên, chúng ta phải quán triệt sâu sắc tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Bộ Chính trị có Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ tính chất cấp thiết của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào mọi mặt đời sống xã hội. Cụ thể hóa tinh thần này, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-TƯ ngày 10-8-2021 về Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025.

Đối với Hà Nội, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu cụ thể yêu cầu phải tăng cường “chuyển đổi số” tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển mọi mặt, thực sự văn minh, hiện đại. Đặc biệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trước tiên, phải nói đến việc hiểu thế nào là “chuyển đổi số”, vì không ít người đến nay cũng chưa hiểu rõ bản chất thế nào là “chuyển đổi số”. Vì chưa hiểu rõ nên nói đến “chuyển đổi số” là sợ, không biết làm thế nào. Thế nên, muốn “chuyển đổi số” được thì đầu tiên là phải tuyên truyền nhận thức về “chuyển đổi số”. Vừa rồi, khi mở một số lớp cập nhật kiến thức cho cán bộ, chúng tôi đã mời đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giảng về “chuyển đổi số” cũng chính là để đả thông tư tưởng, thống nhất nhận thức của những người đứng đầu về vấn đề này.

Thực tế, khi đã thấu hiểu nội hàm của “chuyển đổi số” như một số nơi đã làm rồi thì không có gì khó khăn. Bởi vì “chuyển đổi số” là nhằm đem lại hiệu quả, chất lượng, tinh giản biên chế, công khai, minh bạch và tiết kiệm thời gian.

Trong khi thế giới ngày nay đều triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm, chuyển đổi số vào các lĩnh vực, mà mình không làm thì sẽ lạc hậu. Thực tế, khi chuyển đổi số, chúng ta giảm được biên chế, nhưng hiệu quả công việc được tăng lên, bảo đảm tính chính xác, kịp thời. Tác dụng thiết thực của “chuyển đổi số” là chuyển được những việc bình thường hằng ngày từ lao động thủ công sang bằng máy móc, thiết bị, công nghệ. Đơn giản thế thôi. Như giấy mời trước đây phải chuyển bằng tay thì bây giờ chuyển bằng email, phần mềm, chỉ 5 giây là tới. Đó là “chuyển đổi số” rồi. Nên đâu cũng có thể “chuyển đổi số” được, miễn là nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chính xác, kịp thời. Đánh giá cán bộ giờ không ai "trốn" được vì được quản lý bằng phần mềm, chính là hiệu quả, chất lượng mà “chuyển đổi số” mang lại.

Tóm lại, để “chuyển đổi số” thì phải có nhận thức đúng, tư duy đúng, bên cạnh đó, cần có dữ liệu, có phần mềm và có con người, có quyết tâm thực hiện.

- Như Ban Tổ chức Thành ủy khi thực hiện “chuyển đổi số” vừa qua, hiệu quả đạt được ra sao và số biên chế giảm là bao nhiêu, thưa đồng chí?

- Ban Tổ chức Thành ủy vừa rồi đầu tư 5 phần mềm phục vụ toàn bộ công tác quản lý như công tác phát triển đảng viên, chính sách cán bộ, nâng lương, nâng bậc, sức khỏe, di biến động của cán bộ quản lý; tất cả đều có thể đưa vào phần mềm được thay cho lao động thủ công.

b4-6.jpg
“Sổ tay đảng viên điện tử” có tác dụng rất tích cực.

Như chúng ta đã biết, “Sổ tay đảng viên điện tử” đang triển khai rất hiệu quả. Đây là kênh thông tin 2 chiều. Một là giúp đưa toàn bộ chủ trương, văn bản, thông tin mới xuống thẳng đảng viên. Trước đây, chỉ thị, nghị quyết phải qua cấp ủy cấp huyện, cấp xã, đến chi bộ, rồi mới đến đảng viên; bây giờ chuyển thẳng xuống đảng viên luôn, chỉ tính bằng giây, không phải chờ. Cho nên, những chủ trương mới, cấp bách là đảng viên có thể tiếp nhận và thực hiện được ngay, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm in ấn.

Thứ hai, qua “Sổ tay”, cấp ủy cấp trên hay Ban Tổ chức Thành ủy có thể thu nhận được thông tin ở bên dưới. Đảng viên muốn phản ánh với thành phố, quận, huyện về những vấn đề thực tế ở dưới thì phản ánh được ngay trên ứng dụng này nên thông tin là chính xác nhất.

Thứ ba là chúng tôi kiểm soát được toàn bộ sinh hoạt chi bộ, tháng này có sinh hoạt không, bao nhiêu đảng viên sinh hoạt, thời gian có đúng không, nội dung sinh hoạt là gì... Tất cả đều có thể theo dõi được. Chi bộ nào không sinh hoạt không được, sinh hoạt không có nội dung cũng không ổn. Đảng viên có 40 người mà chỉ có 15 đồng chí sinh hoạt là chúng tôi biết hết. Cho nên, “Sổ tay đảng viên điện tử” có tác dụng rất tích cực.

Việc sử dụng phần mềm còn đem lại tính chính xác, nhất là những nội dung liên quan đến cán bộ, đảng viên như Huy hiệu Đảng, thẻ Đảng, nâng lương, nâng bậc, chính sách khám sức khỏe, đối tượng chăm sóc người có công đều đòi hỏi yêu cầu rất cao về tính chính xác, kịp thời, không được nhầm lẫn. Trước có những trường hợp làm thủ công xảy ra nhầm lẫn, chậm trễ, rất phức tạp, khó xử lý. Nhưng nay, nhờ phần mềm, chúng tôi bảo đảm tốt tính chính xác, kịp thời.

b4-ongbao6.jpg

Nhờ hiệu quả từ ứng dụng phần mềm, mà hiện nay, Ban Tổ chức Thành ủy chỉ cần 50 biên chế vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà trước đây 160 người làm.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội
VŨ ĐỨC BẢO

- Thực tế, các phần mềm vẫn chưa được khai thác hết tính năng. Đâu là hạn chế và cách khắc phục là gì, thưa đồng chí?

- Đúng là như vậy, đơn cử như phần mềm quản lý điều hành tác nghiệp công tác đảng viên, đến nay mới có thể phục vụ cho 2 trong số khoảng 10 nghiệp vụ công tác đảng viên. Nếu khai thác hết, tác dụng, hiệu quả và năng suất lao động còn lớn hơn rất nhiều.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng các phần mềm này, đem lại những giá trị mới, góp phần nâng cao chất lượng công tác Đảng nói chung.

- Như đồng chí nói, dữ liệu công tác Đảng là một trong những thành tố chủ yếu để “chuyển đổi số” thành công. Nhưng hiện nay, việc nhập liệu ở cấp xã, nhất là cập nhật dữ liệu di biến động của đảng viên rất khó khăn do phải đi thuê. Các cấp ủy Đảng kiến nghị bổ sung biên chế Văn phòng Đảng ủy từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết. Ban Tổ chức Thành ủy dự định tham mưu giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

- Đúng là khó khăn nhất và quan trọng nhất trong “chuyển đổi số” trong Đảng hiện nay là nhập dữ liệu, nhất là cập nhật dữ liệu từ cơ sở. Phần mềm không quan trọng bằng nhập dữ liệu. Nhập dữ liệu phải bảo đảm thời gian và tính chính xác. Hiện nay, các cấp cơ sở thường phải thuê, nhưng theo thời gian thì không thể thuê mãi được khi nhập dữ liệu phát sinh di biến động... Chúng tôi đã kiến nghị đưa vấn đề này vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng thời, chúng tôi cùng với Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã tham mưu giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này. Nếu các điều kiện thuận lợi thì UBND thành phố sẽ sớm trình HĐND thành phố quyết định bổ sung cho mỗi địa phương 1 biên chế văn phòng cấp ủy chuyên trách được hưởng chế độ. Một số nơi đông đảng viên có thể có nhiều hơn 1 biên chế.

b4-1.jpg
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, chuyển đổi số trong Đảng cần được thực hiện đồng bộ từ Trung ương.

- Để tăng cường và phát huy hiệu quả cao hơn nữa của “chuyển đổi số” trong công tác Đảng, đồng chí có đề xuất những giải pháp gì với Trung ương?

- Hiện nay, Hà Nội cũng như đảng bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước cơ bản là triển khai “chuyển đổi số” vẫn còn mang tính địa phương, nội bộ là chính, mỗi tỉnh, thành phố làm một kiểu, chưa thống nhất. Nên “chuyển đổi số” hiện nay rất cần được triển khai đồng bộ từ Trung ương. Tính đồng bộ là rất cần thiết.

Hiện nay, tại Hà Nội, từ Thành ủy xuống các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn cơ bản là thông suốt, thuận lợi, nhưng các vấn đề báo cáo với các cơ quan Trung ương thì vẫn đang phải làm thủ công. Cho nên, giải pháp hiện nay là phải triển khai đồng bộ từ Trung ương. Chúng tôi cho rằng, Trung ương cần ban hành các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để các cấp ủy cấp dưới chuẩn hóa và đến lúc nào đó có thể khớp nối đồng bộ, vận hành liên thông, thông suốt.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

line-end(1).jpg

Bài viết: Hà Vũ - Tiến Thành
Ảnh-Video: Hà Vũ, Tiến Thành và CTV
Thiết kế: Nguyễn Phong

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Từ Nghị quyết đến thực tiễn và thách thức của chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.