Nghị quyết và Cuộc sống

Cuộc họp triệu người và câu chuyện “chuyển đổi số” trong Đảng

Nhóm phóng viên 29/10/2023 22:33

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sinh hoạt Đảng giờ đây đã có nhiều đổi mới, nơi khoảng cách không gian bị xóa nhòa, thời gian và kinh phí được tiết giảm.

cover-fn.jpg

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sinh hoạt Đảng giờ đây đã có nhiều đổi mới, nơi khoảng cách không gian bị xóa nhòa, thời gian và kinh phí được tiết giảm. Cuộc họp thu hút tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người không còn xa lạ. Đặc biệt, hiệu quả, chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo được nâng lên, đẩy nhanh được “tốc độ” đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá về chuyển đổi số trong công tác Đảng, cần có những giải pháp đồng bộ mà thực tiễn tại Đảng bộ thành phố Hà Nội đã phần nào gợi mở, hiến kế.

line-cds.jpg

BÀI 1: CUỘC HỌP CỦA 1 TRIỆU 89 NGHÌN ĐẠI BIỂU

Tháng 7-2022, từ điểm cầu chính Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã được kết nối với 11.661 điểm cầu trên cả nước. Tổng số đại biểu tham dự được ghi nhận là 1.089.000 người. Đây là con số kỷ lục, có thể coi là một “kỳ tích” tổ chức các hội nghị triển khai nghị quyết của Đảng từ trước đến nay.

hoinghitw.jpg
Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) từ điểm cầu chính tại Tòa nhà Quốc hội.

-

line-tit.jpg

KHI CHI BỘ LẮP "CAM"

Điều đáng nói là con số kỷ lục nêu trên có sự tham gia đóng góp không nhỏ của các cán bộ, đảng viên, các chi bộ tại cơ sở.

Những cuộc họp trực tuyến toàn quốc đã được triển khai thường xuyên từ những năm 2014-2015, nhưng phải đến khi dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, hình thức hội họp này mới được sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt chính trị. Quãng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 cũng chính là “chất xúc tác” thúc đẩy cấp ủy, chính quyền cơ sở trang bị phương tiện để có thể kết nối với Trung ương và thành phố.

Tại Hà Nội, hệ thống họp trực tuyến hiện nay đã được kết nối xuống 579/579 phường, xã, thị trấn. Nhiều nơi, hệ thống còn được kết nối xuống tận chi bộ, tổ dân phố. Phường Bồ Đề, quận Long Biên là ví dụ. Đến nay, 23/23 chi bộ thuộc Đảng bộ phường đã được trang bị máy tính, gắn camera (mà như cán bộ, đảng viên hay gọi vui là “cam”) để kết nối trực tuyến với các cuộc họp của Trung ương, thành phố và quận, phường. Điều đáng nói là các trang bị này đều được chính các cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đóng góp, tổ chức mua sắm và lắp đặt. Chi phí mỗi bộ bao gồm máy tính, máy chiếu và camera kèm micro từ 25-30 triệu đồng.

Hệ thống máy chiếu, camera lắp đặt tại Tổ dân phố số 7 phường Bồ Đề sẵn sàng kết nối trực tuyến với các hội nghị của trung ương và thành phố; hằng tháng được sử dụng phục vụ sinh hoạt chi bộ.

Bí thư Đảng ủy phường Bồ Đề Nguyễn Thị Thanh Hằng chia sẻ: “Ban đầu vận động xã hội hóa để lắp đặt những thiết bị này, có một vài ý kiến cho rằng chưa cần thiết, có người còn lo đảng viên ở tổ dân phố thường nhiều tuổi nên không biết sử dụng. Nhưng sau khi Đảng ủy phường tổ chức làm điểm ở chi bộ tổ dân phố 19 và chi bộ tổ dân phố số 4, mời cán bộ các chi bộ khác đến dự, chứng kiến thì tất cả đều đồng thuận”.

Còn Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 7, phường Bồ Đề Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Khi có hệ thống họp trực tuyến này rồi, chúng tôi không còn sợ Covid-19, không còn lo các chỉ đạo từ Trung ương, thành phố, quận, phường bị gián đoạn, chậm trễ nắm bắt, triển khai nữa”.

Là nơi đầu tiên phát hiện ca Covid-19 của thành phố, quận Ba Đình là một trong những địa phương đi đầu chỉ đạo hoàn thiện hệ thống họp trực tuyến xuống tận cơ sở, chủ động, tích cực kết nối các cuộc họp của Trung ương và thành phố.

img_3763.jpeg
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 4 (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) Nguyễn Thị Minh Trang.

Sinh sống tại phố Trúc Bạch - khu vực cách ly phòng, chống dịch Covid-19 đầu tiên của thành phố Hà Nội thời điểm tháng 3-2020, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 4 (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) Nguyễn Thị Minh Trang bộc bạch: “Được tham gia các hội nghị trực tuyến từ Trung ương quả thực rất xúc động. Chúng tôi thấy lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rất gần gũi, trước chỉ thấy các đồng chí qua tivi, nay được nghe trực tiếp các đồng chí truyền đạt, nên nhận thức vấn đề dễ dàng và sâu sắc hơn”.

Đánh giá về hệ thống họp trực tuyến kết nối từ Trung ương đến cấp quận, phường, Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm khẳng định, đây là bước tiến to lớn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Nếu như trước đây chưa có hệ thống này, Trung ương họp xong, chờ một thời gian rồi quán triệt. Sau đó đến Thành ủy, Quận ủy quán triệt. Cuối cùng mới đến Đảng ủy phường. Do vậy, có những thời điểm nghị quyết khi được phổ biến, quán triệt tới phường cũng phải mất vài tháng, mất đi tính kịp thời, thời sự. Nay tất cả đã thay đổi”, đồng chí Phạm Thị Diễm nói.

-

line-tit.jpg

TRỞ THÀNH
"CHUYỆN THƯỜNG NGÀY"

Thuật ngữ “chuyển đổi số” (tiếng Anh là Digital Transformation) đã phổ biến trên thế giới nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chung nào mang tính phổ quát, chính xác áp dụng thống nhất cho tất cả. Nên thực tế tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, có thể nắm bắt những nội dung cơ bản của “chuyển đổi số” thông qua một số định nghĩa phổ biến.

Tech Republic, một tạp chí trực tuyến, một cộng đồng dành cho các chuyên gia công nghệ thông tin từng đưa ra định nghĩa: Chuyển đổi số là cách sử dụng công nghệ để thực hiện lại quy trình sao cho hiệu quả hơn. Tập đoàn công nghệ toàn cầu Microsoft thì định nghĩa: Chuyển đổi số là tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới.

Tại Việt Nam, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

img_3759.png
Chuyển đổi số mở ra cơ hội đổi mới phương thức, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.

Xét trên những quan niệm nêu trên, có thể hiểu khái niệm “chuyển đổi số” cơ bản là cách các tập thể hay cá nhân trong cộng đồng chuyển từ cách làm việc cũ sang cách làm việc mới nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ của kỷ nguyên số. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức những cuộc họp trực tuyến như trên thay vì cách hội họp truyền thống chính là “chuyển đổi số”.

Còn nhớ cách đây 10 năm, vào năm 2013, một hội nghị toàn quốc học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) diễn ra tại Hà Nội chỉ có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu. Mặc dù đã là con số lớn, nhưng so với ngày nay, với cuộc họp có tới 1 triệu 89 nghìn đại biểu tham gia cùng lúc, gấp hơn 1.800 lần thì chính xác là một cuộc cách mạng.

Từ sự quyết liệt, chủ động của Trung ương, đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các cuộc họp trực tuyến. Cách đây vài ngày, một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn như Cao Bằng cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với 186 điểm cầu và 4.610 đại biểu các cấp tham dự.

Trong khi đó, tại Hà Nội, các hội nghị quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đã thành nền nếp. Cùng với việc mở điểm cầu tiếp thu thông tin từ Hội nghị trực tuyến do Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4,5,6 (khóa XIII), thành phố đã tiến hành kết nối từ 226 đến hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các xã, phường, thị trấn với sự tham gia học tập của trên 45.000 cán bộ, đảng viên.

b1-ghep.jpg
Hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với sự tham dự của 23.000 đại biểu từ thành phố đến cơ sở.

Vừa qua, 23.000 cán bộ các cấp đã tham dự hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Ngay sau đó, hơn 10.000 cán bộ các cấp đã tham gia hội nghị giao ban quý III-2023 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND với các quận, huyện, thị xã, đồng thời triển khai một chỉ thị cấp thiết, cấp bách là Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới”.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học, việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền thực hiện nghị quyết bằng hình thức trực tuyến đem lại hiệu quả cao. Đây là xu thế khách quan vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại, mở rộng đến nhiều cấp, nhiều đối tượng. Đặc biệt, cấp cơ sở được trực tiếp tiếp thu các bài giảng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, báo cáo viên Trung ương với việc phân tích cụ thể các nội dung của chỉ thị, nghị quyết...

Đồng chí Phạm Thanh Học cho biết, Hà Nội còn là địa phương duy nhất trong cả nước đã từng thực hiện sáng kiến tổ chức học tập, quán triệt 10 Chương trình công tác Thành ủy (khóa XVII) bằng hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến từ điểm cầu thành phố kết hợp với truyền hình, phát thanh trực tiếp trên 2 kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội để đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng lúc theo dõi, lĩnh hội.

b1-co-so.jpg
Đại biểu cán bộ, đảng viên phường Phúc Xá, quận Ba Đình theo dõi hội nghị thành phố từ điểm cầu tại trụ sở phường.

Lượt theo dõi trực tiếp từ sự kiện như vậy chưa được thống kê, nhưng hoàn toàn có thể lên tới hàng triệu người. Sáng kiến của Thành ủy Hà Nội trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 đã mở ra tiềm năng to lớn của hệ thống họp trực tuyến được kết hợp với truyền hình, phát thanh trực tiếp. Điều này cho thấy, “chuyển đổi số” có thể phá vỡ mọi giới hạn để đem lại những giá trị mới.

line-end(1).jpg

⇩ XEM TIẾP ⇩

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc họp triệu người và câu chuyện “chuyển đổi số” trong Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.