(HNM) - Theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2015 và những năm tiếp theo (2016-2020) của thành phố, thời gian qua, Hà Nội đã thu hút nguồn lực đầu tư, tạo lập nhiều khu nhà ở hiện đại, đem đến môi trường sống và chất lượng sống tốt hơn cho người dân. Song, cũng có những dự án chỉ tập trung vào nhà ở để bán mà chưa phát triển đồng bộ hạ tầng...
Lực đẩy từ sức cầu và thanh khoản
Tại một hội nghị của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam mới diễn ra gần đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội tăng nhanh, diện mạo Thủ đô ngày càng thay đổi, văn minh, hiện đại. Gắn liền với sự phát triển mạnh của Hà Nội là sự tăng trưởng của thị trường bất động sản, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư, phát triển bất động sản.
Là một trong những doanh nghiệp đặt nền móng cho quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội với sự ra đời của Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm - quận Hoàng Mai (năm 1997), đến nay Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 4 triệu mét vuông sàn nhà ở. Hàng loạt các khu đô thị hiện đại, đồng bộ như:
Times City (quận Hai Bà Trưng), Royal City (quận Thanh Xuân), Gamuda City (quận Hoàng Mai), Vinhomes Riverside (quận Long Biên)... đã ra đời, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến, tốc độ đô thị hóa cao, sức cầu lớn và tính thanh khoản tốt là những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản và các dự án nhà ở của Hà Nội phát triển mạnh. Dự báo, sản phẩm nhà ở thương mại vẫn còn phát triển, bởi mức sống của người dân đang ngày một cao hơn.
Thông tin về kết quả công tác phát triển nhà ở thương mại của thành phố, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội Bùi Tiến Thành cho biết, Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 phát triển 20,4 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại. Từ năm 2016 đến nay, đã có 157 dự án hoàn thành với hơn 8 triệu mét vuông sàn xây dựng. Ngoài ra, có hơn 200 dự án đang triển khai, có tiến độ hoàn thành giai đoạn 2019-2020 với hơn 13 triệu mét vuông sàn nhà ở. Như vậy, theo chỉ tiêu đặt ra, dự kiến thành phố sẽ hoàn thành và vượt chỉ tiêu khoảng 800 nghìn mét vuông sàn nhà ở thương mại.
Có được kết quả trên, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng, Hà Nội đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư triển khai. Thành phố cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo cấp huyện chủ động phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng... Thành phố cũng tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng hạ tầng khung giúp chủ đầu tư kết nối tốt hạ tầng của dự án với hệ thống hạ tầng bên ngoài hàng rào.
Đầu tư đồng bộ để có môi trường sống tốt
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, bên cạnh những khu đô thị bảo đảm đồng bộ hạ tầng, tại nhiều dự án, chủ đầu tư mới tập trung xây nhà ở để bán, chưa phát triển đồng bộ hạ tầng. Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn lực, thì khâu quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch chưa tốt...
Kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội từ năm 2016 đến hết tháng 3-2019 cho thấy, trên địa bàn có 147 dự án nhà ở thương mại. Trong số này, nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, nhưng việc đầu tư chưa đồng bộ, chậm so với tiến độ xây dựng nhà ở. Điển hình, tại Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai), quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, song đến nay mới chỉ có một công trình trường tiểu học hoàn thành...
Theo ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Việt Nam, việc tạo dựng môi trường sống bền vững, có chất lượng sống tốt cho cư dân là đòi hỏi ngày càng cao. Do đó, cần phát triển nhà ở đồng bộ với quy hoạch các khu đô thị mới, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Muốn vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý, giám sát nghiêm việc thực hiện theo quy hoạch của dự án. Yêu cầu các công trình hạ tầng xã hội phải được đầu tư cùng với công trình nhà ở. Chủ đầu tư chỉ được phép kinh doanh nhà ở khi đã hoàn thành đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị vệ tinh nhằm giảm mật độ dân số nội đô.
Về phía Hà Nội, nhằm đánh giá việc chấp hành trong thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở thành phố, ngày 26-7-2019, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-HĐND thành lập Đoàn giám sát của Ban Đô thị - HĐND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở thành phố (giai đoạn 2016-2020). Trên cơ sở giám sát, Đoàn giám sát sẽ đề xuất, kiến nghị những giải pháp để thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về nhà ở trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Để hoàn thành bổ sung hơn 13 triệu mét vuông sàn xây dựng nhà ở thương mại theo mục tiêu chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đề ra, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư, báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo Luật Đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đang triển khai, nhất là các dự án đã xong giải phóng mặt bằng nhằm hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ.
Nói về công tác phát triển nhà ở của thành phố nói chung, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay thành phố đã "về đích" sớm đối với chỉ tiêu chất lượng công trình nhà ở khi đã hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà đơn sơ; tỷ lệ nhà ở kiên cố trên địa bàn Hà Nội đạt 99,1% (mục tiêu đề ra là 91,2%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người đến nay đạt 26,1m2/người (so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 là 26,3m2/người); trong đó khu vực đô thị đạt 26,3 m2/người; khu vực nông thôn 25,9 m2/người. Với kết quả đã đạt được, thành phố Hà Nội được Chính phủ biểu dương là một trong những địa phương luôn đi đầu cả nước về phát triển nhà ở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.