Xã hội

Chuyên gia hiến kế phát triển nhà ở xã hội

Dạ Khánh 01/07/2023 - 06:43

Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3-4-2023 thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Các chuyên gia đã chỉ ra những nút thắt và hiến kế tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai đề án...

nha-o.jpg
Khu nhà ở xã hội Ecohome 2 (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Trọng Hiếu

Mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn

Đề án xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Tổng hợp đến ngày 18-5-2023, Bộ Xây dựng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã hoàn thành 41 dự án, quy mô 19.516 căn, đang tiếp tục triển khai 294 dự án, quy mô 288.500 căn. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu ngắn hạn đến năm 2025, bên cạnh việc hoàn thành 288.500 căn hộ đang triển khai, phải xây mới khoảng 120.000 căn.

Mặc dù công tác phát triển nhà ở xã hội gần đây đã được đặc biệt quan tâm nhưng theo các chuyên gia bất động sản, tài chính, quá trình triển khai đề án còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt là, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng, dài hơi; thủ tục làm nhà ở xã hội còn phức tạp, thường mất 3-5 năm mới hoàn thành cấp phép...

Ngoài ra, lãi suất của gói 120.000 tỷ đồng chưa hấp dẫn. PGS.TS Vũ Sỹ Cường - chuyên gia Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, với lãi suất 8,2% (cho chủ đầu tư) và 8,7% (cho người mua nhà) của gói 120.000 tỷ đồng hiện nay sẽ không ai mua được.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, đã có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cấp phép đầu tư xây dựng; song chưa có dự án nào được vay từ gói 120.000 tỷ đồng vì nhiều địa phương chưa thể công bố công khai danh mục dự án được hưởng ưu đãi, khi nhiều dự án chưa đáp ứng được các tiêu chí về tính pháp lý.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV chia sẻ, không chỉ từ nguồn vốn, với cách làm hiện nay, nếu không có giải pháp đột phá sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Để đề án đi vào thực tiễn

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho rằng, cần nhanh chóng thể chế hóa và bảo đảm hiệu lực thực thi bằng văn bản quy phạm pháp luật với những định hướng, điều kiện ưu đãi đã được xác định trong đề án về hạ tầng, đất đai, tài chính… cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Cần tính đến mức thu nhập phổ biến của người lao động và khả năng có thể mua nhà ở xã hội để điều hành chính sách tài chính phù hợp, nhất là lãi suất... Trước mắt, chính quyền địa phương sớm duyệt dự án 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại cho xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời bố trí quỹ đất tập trung để đầu tư nhà ở xã hội...

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, cần phải chia sẻ lợi ích của ba bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Trong đó, Nhà nước cần hỗ trợ chính sách, miễn giảm thuế, phí; mở rộng quy định cho phép người có mức thu nhập trung bình được mua nhà, song không được hưởng ưu đãi như đối tượng thu nhập thấp.

Đa số các dự án nhà ở xã hội tính đến thời điểm này được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện; cùng với đó là việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách. Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, để giải quyết điều này, có thể thành lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội gồm: Nguồn tiền thu từ quỹ đất cho nhà ở xã hội; vốn góp từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; phát hành trái phiếu chính phủ, chính quyền địa phương; vốn đối ứng, nguồn vốn ODA... Đồng thời, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê...

Liên quan việc triển khai các nhiệm vụ tại đề án, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết, Bộ đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm khóa XV. Trong đó chính sách về nhà ở xã hội được đề xuất cho phép có hiệu lực sớm (dự kiến từ ngày 1-1-2024), bao gồm nhóm chính sách về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế ưu đãi của Nhà nước… Đồng thời, có chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân, nhà ở dành cho lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, thực hiện rà soát các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, lập danh mục các dự án, công bố công khai để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhằm giải phóng các nguồn lực còn đang vướng mắc, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để thực hiện rà soát tháo gỡ những nút thắt pháp lý, tài chính; đặc biệt đối với các dự án đã có đất sạch, tạo nguồn cung cho thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia hiến kế phát triển nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.