(HNM) - Với quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, TP Hà Nội phấn đấu Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 xếp trong nhóm trung bình của cả nước.
Công trình Nhà văn hóa thôn Vực (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) thường xuyên được giám sát trong quá trình thi công. |
Thực hiện “công khai, minh bạch”
Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, ngày 14-3-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND “Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội năm 2018”. Trong đó, nêu rõ mục tiêu: “Phấn đấu Chỉ số PAPI của thành phố năm 2018 xếp trong nhóm trung bình của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Kế hoạch được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền, đặc biệt là ở 100% xã, phường, thị trấn. Đây cũng là lần đầu tiên, UBND thành phố ban hành kế hoạch về Chỉ số PAPI có yêu cầu cụ thể về từng nội dung, như: Tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại cộng đồng; Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch đối với các nội dung quy định tại Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân...
Để triển khai Kế hoạch số 69/KH-UBND, Sở Nội vụ đã tổ chức hội nghị quán triệt cho các quận, huyện (đại diện theo khu vực), gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Sóc Sơn, Ba Vì, Thanh Trì, Thường Tín và 12 xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện nêu trên để bảo đảm sự thông suốt từ cấp trên đến cấp cơ sở. Từ đó, mỗi đơn vị về triển khai ở địa phương mình. Một trong những việc được các quận, huyện triển khai mạnh mẽ là tuyên truyền về Chỉ số PAPI.
Ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, huyện đã tập huấn cho toàn bộ lãnh đạo, công chức các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện; lãnh đạo, cán bộ, công chức bộ phận “một cửa”, chủ tịch ủy ban MTTQ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố các xã, thị trấn... Qua đó, cán bộ, công chức nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của Chỉ số PAPI gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị.
Điểm nổi bật nữa là, các đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt việc công khai hộ nghèo và chính sách xã hội cho người nghèo. Chính quyền cơ sở cũng công khai kịp thời những thông tin về chính sách xã hội cho người nghèo để nhân dân biết, nhân dân bàn, giám sát thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị hành chính đã thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về quản lý và sử dụng ngân sách, việc công khai tài chính trong cơ quan, đơn vị.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Một trong những nội dung được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm là, tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động tại cộng đồng. Theo đó, cấp chính quyền cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát các nội dung thuộc quyền của người dân theo Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các quy định khác của thành phố. Đặc biệt, đối với những khoản đóng góp (từ thiện, xây dựng, sửa chữa công trình công cộng, xây dựng nông thôn mới...), bảo đảm nguyên tắc dân chủ, do người dân quyết định thực hiện và quyết định mức đóng góp, có giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân.
Là một trong những đơn vị làm tốt nội dung này, thời gian qua, UBND xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) không có đơn, thư khiếu nại. Bà Đặng Thị Thu Hằng, Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho biết: “Năm 2018, xã Thanh Liệt có 3 công trình nâng cấp đường, xây mới trạm y tế xã và xây mới nhà văn hóa thôn Vực, thì chúng tôi đều được chính quyền mời tham gia bàn bạc, giám sát các khâu thực hiện”.
Tương tự, nội dung này cũng được thực hiện nghiêm túc tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa). Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trung Liệt, Trưởng ban Thanh tra nhân dân Hoàng Mạnh Tùng cho biết: “Với các công trình trên địa bàn như, nhà sinh hoạt cộng đồng tại Khu dân cư 12, Dự án cống hóa mương Tây Sơn T5A1..., chúng tôi đều tham gia giám sát từ đầu đến cuối; các ý kiến phản ánh đều được tiếp thu, mang lại sự tin tưởng cho nhân dân”.
Ngoài hai địa phương nêu trên, nội dung này cũng được thực hiện khá tốt ở nhiều xã, phường, thị trấn, qua đó người dân ghi nhận sự thay đổi tích cực từ chính quyền. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, trong nội dung của công tác cải cách hành chính và Chỉ số PAPI có những nội dung giao thoa nên thành phố đã kết hợp kiểm tra việc thực hiện các nội dung về cải thiện Chỉ số PAPI trong khi kiểm tra công tác cải cách hành chính. Từ đầu năm 2018 đến nay, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của thành phố đã kiểm tra 13 đơn vị trực thuộc (gồm 5 UBND quận, huyện; 1 sở; 7 đơn vị sự nghiệp) và 10 xã, phường, thị trấn. Tại thời điểm kiểm tra, 100% đơn vị không có đơn, thư tố cáo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về thái độ làm việc, chất lượng phục vụ, đạo đức, lối sống, kỷ cương hành chính.
Theo kế hoạch, tháng 4-2019, Chỉ số PAPI năm 2018 sẽ được công bố. Hy vọng rằng từ nay tới thời điểm đó, với quyết tâm và nỗ lực thực hiện ở từng nội dung, TP Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu: Chỉ số PAPI năm 2018 xếp trong nhóm trung bình của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.