Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Niềm tin son sắt

Linh Nhi - Đặng Loan| 01/06/2013 07:26

(HNM) - Sinh sống ở những nơi rất xa Tổ quốc, nhiều người con xa xứ của đất mẹ Việt Nam đã có chuyến đi đến vùng biển đảo thiêng liêng Trường Sa.

Đã quá tuổi "cổ lai hy", ông Nguyễn Xuân Nhung là người cao tuổi nhất tham gia chuyến đi thăm Trường Sa vừa qua trên tàu HQ 571. Sang Ba Lan học tập, làm việc rồi định cư đã 49 năm, những năm gần đây, năm nào cũng về Việt Nam nhưng với ông Nhung đây là lần đặc biệt nhất vì được tham gia đoàn công tác thăm Trường Sa. Khi được hỏi có ngại ngần khi tham gia chuyến đi mà ngay cả những người trẻ khỏe cũng đều phải lo lắng trước sóng gió của biển khơi, ông cho rằng, được đi Trường Sa là mơ ước rất lâu giờ mới thành hiện thực. Ông khẳng định: "Tôi không sợ gì cả, háo hức lắm nên thấy mình khỏe lên". Ông cho biết, qua nhiều kênh thông tin cũng đã mường tượng ra Trường Sa nhưng khi đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng, tận mắt thấy Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca… cảm xúc đã vỡ òa thành những vần thơ…

Bà Trần Thị Giáp, 70 tuổi, sinh sống ở Cộng hòa Séc cho biết, khi đăng ký tham gia chuyến đi cũng hơi lo ngại về sức khỏe nhưng niềm vinh dự, tự hào được đến thăm "Tổ quốc nơi đầu sóng" đã giúp bà thêm vững tâm, vì "mọi người đi được thì mình đi được"! Trong một lần lên xuống ca nô, chân bà bị trật khớp, sưng tấy nhưng bà không chịu nghỉ ngơi, vẫn quyết tâm thăm tất cả các đảo trong hành trình, bởi "được đặt chân lên mảnh đất Trường Sa là niềm vinh dự lớn lao".

Tất cả mọi người trong đoàn đại biểu Đảng bộ ngoài nước đều có chung cảm xúc vinh dự, tự hào khi đặt chân đến Trường Sa. Anh Đỗ Xuân Sơn, du học sinh tại Pháp bồn chồn mong sớm được lên đảo để gặp gỡ những cán bộ, chiến sĩ, người dân đang chung sức giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Còn với anh Đỗ Cao Sơn (sinh năm 1983), nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, chuyến đi Trường Sa có ý nghĩa thật đặc biệt, không chỉ vì rất nhiều chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương là lớp thanh niên đồng trang lứa mà còn bởi bố anh cũng là một người lính đóng quân giữ gìn biển đảo hồi những năm 1990-1995…

Vun đắp Trường Sa

Suốt chuyến đi, anh Đào Ngọc Quỳnh (Cộng hòa Séc) luôn nâng niu những hộp xốp đựng rong biển, món quà đặc biệt dành tặng Trường Sa. Đây là dự án anh ấp ủ để phát triển kinh tế biển lâu dài ở vùng biển Trường Sa. Hiện những hộp rong biển đầu tiên đã được trao cho đảo Đá Nam trồng thử nghiệm. Rong biển là sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhưng chỉ phù hợp với vùng nước sạch, và chỉ chịu được sóng cấp 4 trở xuống. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Quỳnh cho rằng nhiều đảo ở quần đảo Trường Sa sẽ trồng được rong biển. Nếu thử nghiệm thành công, công ty của anh và các cộng sự (hiện đang trồng rong biển ở Vũng Me - Phú Yên, Vân Phong - Khánh Hòa và Ninh Thuận) sẽ cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và bảo đảm luôn cả khâu tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều món quà thiết thực cũng nói thay tấm lòng của những người con xa Tổ quốc đến với Trường Sa. Anh Nguyễn Văn Thanh, đang sinh sống tại Đức, mang theo 2.000 euro do Hội Cựu chiến binh TP Leipzig (Cộng hòa Liên bang Đức) ủng hộ; bà Trần Thị Giáp tặng chiếc máy vi tính xách tay để các chiến sĩ có thêm phương tiện kết nối thông tin, góp phần đưa đảo xa gần hơn với đất liền, anh Phạm Văn Mích tặng những bóng đèn Led - sản phẩm của công ty mình… Chàng trai Đỗ Cao Sơn thì luôn trăn trở chuyện khi quay lại Hàn Quốc sẽ tìm hiểu đề tài diệt ruồi, ve trên vật nuôi (lợn, chó, vịt…), rất thiết thực với cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo.

Niềm tin sắt son

Những dòng ghi lại cảm xúc của ông Nhung và những thành viên trong đoàn cứ dày lên theo hải trình. Ông Nhung cho biết, sẽ truyền đạt lại cho những người ở nước ngoài không có điều kiện được ra Trường Sa để bà con hiểu nhiều hơn về vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời vững tin vào lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do rào cản ngôn ngữ, thế hệ trẻ ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu, học tập và nhận biết lịch sử đất nước cũng như quá trình phát triển của Việt Nam nhưng cộng đồng kiều bào sẽ cố gắng để các cháu mỗi ngày một chút hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình.

Bà Trần Thị Giáp cho hay, trước đây chỉ hình dung Trường Sa nhỏ bé nhưng khi đặt chân lên tới vùng biển đảo thân yêu này thì cảm giác quần đảo là một "điểm tựa" rất vững chắc. Ấn tượng nhất đối với bà là tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trẻ, vẻ ngoài hiền lành, chất phác nhưng toát lên lòng quả cảm, kiên trung, dù khó khăn vẫn một lòng quyết tâm bảo vệ biển đảo. "Cô, bác cứ yên tâm, chúng cháu quyết tâm bảo vệ hải đảo của mình" - Nhắc lại lời các chiến sĩ lúc chia tay, giọng bà Giáp vẫn nghẹn ngào.

Du học sinh Đỗ Cao Sơn cho biết, khi đi thực tế ở Trường Sa rất tin tưởng vào chiến lược, sách lược về biển đảo của Đảng, Nhà nước. Với tư cách Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, anh sẽ chuyển tải những thông tin bổ ích từ chuyến đi để các bạn du học sinh thêm tin tưởng vào khả năng bảo vệ chủ quyền đất nước của quân đội và nhân dân ta. Ông Nguyễn Xuân Nhung cho biết, khi nói chuyện với nhiều cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ mới ra đảo và cả những người dân thì cả trăm người như một đều khẳng định ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước. Ông Nhung phấn khởi nói: "Chúng tôi về đây mang theo tình cảm của bà con kiều bào và mang đi niềm tin tưởng tuyệt đối về đường lối, chính sách của Nhà nước ta đối với vấn đề biển đảo của Tổ quốc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Niềm tin son sắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.