(HNM) - Trong bối cảnh nguồn lực khó khăn như hiện nay, mục tiêu đến hết năm 2014, Hà Nội có thêm 62 xã về đích NTM là nhiệm vụ không đơn giản.
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, đời sống của người nông dân đã từng bước được nâng lên, song chưa đồng đều. Ở một số địa phương, việc huy động sức dân cho xây dựng NTM vô cùng khó khăn, vì thu nhập của người dân chưa cao. Để tăng cường nguồn này, cần tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Mỹ Đức đã cơ bản xong công tác dồn điền, đổi thửa, nhưng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất còn rất lúng túng. Do vậy, thay vì việc hỗ trợ dàn trải nhiều công trình, năm 2014, huyện Mỹ Đức tập trung vào 2 mô hình trọng điểm: Trồng cây có múi trên diện tích 20ha và chuyển chăn nuôi xa khu dân cư. Huyện Phúc Thọ, sau dồn điền, đổi thửa đã bước đầu áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất lúa đạt 64 tạ/ha, thuộc nhóm có năng suất cao của thành phố. Mục tiêu của huyện là nhân rộng các mô hình chuyển đổi, đem lại giá trị cao như mô hình trồng hoa ly ở xã Tam Thuấn đạt 5,4 tỷ đồng/ha/năm, gấp tới 60 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh đang đưa mô hình phân bón sạch, không dùng thuốc sâu vào sản xuất nông nghiệp...
Phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao đời sống cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới.Ảnh: Thái Hiền |
Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện còn khó khăn hiện nay, trước mắt thành phố cũng như các địa phương nên ưu tiên ngân sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển hệ thống nước sạch, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân; thường xuyên giao ban, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị; tăng cường phân cấp, tạo quyền chủ động cho cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình, đồng thời chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay trong phát triển sản xuất, huy động nguồn lực xây dựng NTM. Trong phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", cần huy động nội thành hỗ trợ ngoại thành và sự góp sức của cộng đồng cũng như kịp thời biểu dương, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, có cách làm sáng tạo, hiệu quả... Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách cho các dự án phát triển sản xuất, cho công tác dồn điền, đổi thửa, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa. Ngoài ra, cần vận động doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM (bằng ngày công, đất đai, vật tư, hiện vật và bằng tiền); các cấp, các ngành có liên quan phối hợp giúp cơ sở giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về xử lý đất xen kẹt, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất ở, tạo nguồn thu cho cơ sở.
Ngay trong vụ đông tới, tại các vùng có điều kiện sản xuất, nhưng người dân chưa mặn mà, có thể cho các hội, đoàn thể thuê lại, đưa máy gieo hạt vào sản xuất để tận dụng đất đai. Với nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu sau dồn điền, đổi thửa, UBND thành phố giao ngành nông nghiệp xây dựng hướng dẫn để các địa phương thực hiện. Trước thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều bất cập, nông dân học xong ít người sống được bằng nghề, Thường trực Thành ủy giao cho Hội Nông dân, Liên minh HTX thành phố và Sở NN&PTNT xây dựng đề án cụ thể về đào tạo nghề cho lao động, từng bước tăng thu nhập cho người dân.
Lựa chọn công trình, dự án đầu tư
Theo dự báo, nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM năm 2014 tiếp tục khó khăn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái phân tích, 6 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 7,2%, kế hoạch là 8,5%, bởi vậy, giao Sở NN&PTNT làm việc với các ngân hàng bàn biện pháp đẩy mạnh chương trình cho nông dân vay vốn. Lãnh đạo Sở KH&ĐT đề nghị, ngay cả đối với những công trình thuộc diện ưu tiên, các địa phương cũng phải rà soát, tính toán, bảo đảm tiết kiệm tối đa kinh phí đầu tư.
Về bổ sung nguồn, thành phố đang rà soát nguồn lực để bổ sung thêm cho các huyện, trước mắt giải quyết đầu tư giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư cần đa dạng hóa phương pháp và phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân. Việc huy động vốn từ doanh nghiệp cần phải có chính sách rất cụ thể trên tinh thần bảo đảm hiệu quả đồng vốn cho doanh nghiệp. Một số tiêu chí của Trung ương chưa sát với thực tế và cứng nhắc, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung dành nguồn vốn cho 62 xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM năm 2014. Đối với một số tiêu chí khó như nhà văn hóa, khu thể thao cần một nguồn vốn rất lớn, trong khi mỗi năm chỉ sử dụng vài lần, các địa phương nên "khoanh" quy hoạch lại để đầu tư sau. Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng núi, đường từ nhà đến trường mầm non trung tâm xã đến cả chục kilômét, các điểm trường ở các thôn tiện cho việc học tập của các cháu hơn, không nhất thiết phải xây trường trung tâm cho tốn kém. Với những tiêu chí chưa phù hợp nêu trên, thành phố sẽ có ý kiến đề nghị Trung ương nghiên cứu sửa đổi. Với những công trình xây dựng cơ bản còn dùng được, các địa phương cần tập trung sửa chữa, tránh phá đi làm lại lãng phí...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.