Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Làm gì để chặn đứng tội phạm?

Ngọc Hải - Đức Trường| 12/05/2013 05:25

(HNM) - Tiếp cận hồ sơ những vụ buôn bán người qua biên giới mà lực lượng biên phòng cung cấp, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước thủ đoạn hết sức tinh vi mà các đối tượng thực hiện.



Để chặn đứng loại tội phạm nguy hiểm này, theo lực lượng chức năng, ngoài việc tăng cường tuần tra an ninh đường biên, ngăn chặn nạn xuất nhập cảnh trái phép, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền thì mỗi người dân phải có ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn của đối tượng tội phạm...

Bộ đội Biên phòng Lào Cai thi hành lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng phạm tội buôn bán người.


Cảnh giác với các thủ đoạn

Trong câu chuyện kể, Thượng tá Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lào Cai lắc đầu ngao ngán: "Tội phạm bây giờ lắm chiêu nhiều trò lắm". Theo đó, đối tượng phạm tội vừa có thể dùng vũ lực, vừa dùng thủ đoạn tâm lý, tình cảm để dụ dỗ nạn nhân. Nhiều nạn nhân sau khi trở về cũng thú nhận rằng, đối tượng quá "tử tế" hoặc dùng "mác" sinh viên, thậm chí đảng viên nên rất nể và có phần yên tâm khi nhận lời mời đi chơi của đối tượng. Chính những cuộc hẹn hò, thăm viếng ấy đã khiến nạn nhân sập bẫy vào đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em (PNTE) mà không hề hay biết.

Một khía cạnh khác, Thiếu tá Nguyễn Hữu Hải, Đồn phó trinh sát Đồn Biên phòng cửa khẩu Lào Cai lại cho rằng, ngoài việc lợi dụng tình cảm, các đối tượng cũng "đánh" vào sở thích, tính tò mò hoặc lòng tham của nạn nhân. Chúng thường rủ nạn nhân sang Trung Quốc chơi, mua bán hàng hóa. Với những chiêu trò này, chúng đã đánh lừa được nhiều cô gái và thậm chí qua mặt được cả cơ quan chức năng. Bởi nạn nhân xuất cảnh theo giấy thông hành hợp pháp, cơ quan chức năng không có lý do gì để giữ hay ngăn chặn họ cả. Và như ở những bài trước chúng tôi đã nêu, thậm chí các đối tượng lừa cả người thân, người yêu, bạn bè của mình để đưa sang bên kia biên giới. Điển hình như vụ Tráng Seo Vàng, SN 1992, trú tại Si Ma Cai, sinh viên Trường Trung cấp Y Lào Cai, chỉ vì thiếu tiền ăn chơi đã lập kế hoạch lừa cả bạn gái mình là Hoàng Thị Hường để bán sang Trung Quốc. Hay như vụ án Phan Thị Thu Thủy, SN 1980, trú tại phường 4, quận 10, TP Hồ Chí Minh đã lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm, lừa bán 9 người sang Trung Quốc nhưng bị Công an Hà Nội phát hiện, bắt giữ tại quận Hoàng Mai. Rồi như vụ các đối tượng lừa Hoàng Minh Nguyệt, từ huyện Văn Bàn xuống TP Lào Cai chơi, thực chất để đưa sang Trung Quốc bán nhưng bất thành do lực lượng biên phòng Lào Cai ngăn chặn kịp thời.

Ở mỗi vụ án, mặc dù các đối tượng sử dụng thủ đoạn khác nhau nhưng theo Thượng tá Nguyễn Văn Thái vẫn có chung đặc điểm là chiếm lĩnh niềm tin, tình cảm của nạn nhân. Chỉ khi sang đến bên kia biên giới hoặc khu vực địa hình hiểm trở, các đối tượng mới lộ nguyên hình là những kẻ buôn người. Chính vì vậy, để ngăn chặn được các loại tội phạm, ngoài việc đấu tranh của lực lượng chức năng, việc cần thiết đó là thông tin, tuyên truyền để người dân, nhất là nhóm có nguy cơ cao như PNTE biết để phòng tránh. Cụ thể là Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai thường xuyên phối hợp với các trường, tổ chức các buổi lên lớp, giảng bài về thủ đoạn của đối tượng buôn người cho học sinh, sinh viên cũng như các hội, đoàn thể ở khu dân cư.

Nghe Thượng tá Nguyễn Văn Thái nói, chúng tôi nhớ đến vụ án Tẩn Thị Mai, học sinh lớp 10 của một trường thuộc TP Lào Cai bị lừa bán qua biên giới. Theo lời kể của Mai, khi các đối tượng rủ về thăm nhà, Mai đã nhận lời. Thế nhưng, sau quãng đường dài, nhận biết được dấu hiệu bị lừa, Mai đã kháng cự để quay trở lại. Nhưng khi đó đã quá muộn. Mai cho biết: "Các thầy cô dặn nếu đi vào địa hình hiểm trở hoặc đi qua con suối và nhìn thấy chữ Trung Quốc thì đó là dấu hiệu bị lừa bán".

Ngăn chặn từ gốc

Theo tài liệu của TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trên cả nước, lực lượng công an, biên phòng các cấp đã xác định có 54 tuyến trọng điểm về mua bán người, trong đó có 5 tuyến quốc tế, 18 tuyến liên tỉnh và 31 tuyến liên huyện. Các tuyến quốc tế trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chiếm tới hơn 60% tổng số vụ mua bán người, chủ yếu tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, Cao Bằng… Bọn tội phạm thường lừa gạt các cô gái dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm, rủ đi làm ăn, buôn bán, mang vác hàng hóa, đi du lịch, thăm thân, qua lại biên giới một vài lần tạo lòng tin, rồi dễ dàng chuyển giao họ cho các đối tượng đã chờ sẵn ở Quảng Tây, Vân Nam - Trung Quốc. Phần lớn các nạn nhân bị bán vào các động mại dâm dọc tuyến biên giới hoặc đưa sâu vào nội địa, vùng xa để bán làm vợ bất hợp pháp. Đáng chú ý, trên tuyến này thời gian qua đã phát hiện nhiều thủ đoạn, hình thức mua bán người rất dã tâm như: Chiếm đoạt bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh, bán trẻ còn trong bào thai, mua bán nội tạng, mua bán đàn ông… Ngoài ra, tại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia như Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... các đối tượng tội phạm lợi dụng địa bàn sông ngòi, kênh rạch, các đường hẻm dễ dàng lừa gạt đưa nạn nhân nữ sang Campuchia bán cho các nhà chứa, thậm chí bán sang nước thứ ba như Thái Lan, Malaysia.

Cũng theo TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đối tượng nạn nhân phổ biến nhất là PNTE nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi, trình độ học vấn và hiểu biết hạn chế, thất nghiệp. Có đối tượng tội phạm lợi dụng sơ hở trong tư vấn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, đi hợp tác lao động… để đưa người ra nước ngoài bán. Thậm chí, không ít đối tượng buôn người còn sử dụng công nghệ hiện đại như internet, điện thoại di động để lừa học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên ở khu vực thành thị ra nước ngoài bán, hoặc thiết lập các đường dây mua bán người, đường dây gái gọi qua mạng, tổ chức các chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia. Ở một số trường hợp khác, các đối tượng trong nước cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc, lợi dụng địa bàn miền núi vắng vẻ, tổ chức đột nhập vào nhà dân bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bắt cóc phụ nữ đi chợ đường biên để đưa vào nội địa Trung Quốc bán.

Để ngăn chặn tận gốc tình trạng mua bán người, ngoài việc hình thành và đẩy mạnh mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên của hội phụ nữ, cần phải tăng cường các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẳng định, cần phải lấy phòng làm chính. Theo đó, công tác tuyên truyền vận động phải kết hợp với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô cũng cho rằng, ngoài công tác chỉ đạo từ Chính phủ đối với các dự án phát triển kinh tế địa phương, Bộ luật Hình sự cũng như điều lệnh tổ chức điều tra hình sự cũng cần phải được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng biên phòng tổ chức điều tra, triệt phá các đường dây buôn bán người qua biên giới. Đặc biệt, Bộ Công an cần chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện tốt quy chế phối hợp điều tra, nhất là trong trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu điều tra xác minh, quản lý chặt chẽ di biến động của các đối tượng trở về từ bên kia biên giới. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, nạn buôn bán người qua biên giới mới được ngăn chặn triệt để.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Làm gì để chặn đứng tội phạm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.