Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm!

Ngọc Quỳnh| 23/12/2015 06:40

(HNM) - Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sử dụng


Tăng cường kiểm tra, giám sát

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Để chấn chỉnh việc sử dụng "chất cấm" trong chăn nuôi, các ngành chức năng cần tăng cường lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn bao gồm các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, tiêu chuẩn mà cơ sở sản xuất đã công bố in trên nhãn mác. Đồng thời, xác định hàm lượng "chất cấm" có trong sản phẩm thức ăn ở mức độ nào để có biện pháp xử lý theo quy định.

Trong quá trình kiểm tra, nếu nhắc nhở nhiều lần không sửa lỗi vi phạm, cần tịch thu giấy phép kinh doanh, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, lựa chọn thức ăn bảo đảm chất lượng. Hàng năm, ngoài các đợt kiểm tra định kỳ theo chương trình, các cơ quan chức năng cần kiểm tra đột xuất khi có phản ánh của người dân về tình trạng sử dụng chất cấm hoặc thông tin tới lực lượng công an để phát hiện, xử lý vi phạm.

Cần chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng vi phạm về quản lý, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ảnh: Đức Nghiêm


Hà Nội đang triển khai thí điểm xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu dùng, trước hết là 6 cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Trong quá trình triển khai nếu cửa hàng nào vi phạm về chất lượng sẽ thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thông, để làm gương cho những cửa hàng khác. Sau một thời gian triển khai nếu làm tốt, Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình này để nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm sạch và tạo lòng tin cho người tiêu dùng bằng chất lượng…

Bên cạnh đó, ngoài việc kiểm tra các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất lớn phải tiến hành kiểm tra tất cả các đại lý cấp 2, 3, cửa hàng buôn bán nhỏ giao cho cấp huyện quản lý vì đây mới là các cửa hàng buôn bán lộn xộn và khó quản lý nhất ở địa phương. Việc lấy mẫu phân tích kiểm tra dư lượng "chất cấm" trong chăn nuôi cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ở các địa phương việc dành kinh phí cho việc này chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, nhà nước cần hỗ trợ cho các địa phương kinh phí để duy trì việc lấy mẫu giám sát kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Đối với TĂCN trôi nổi trên thị trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra việc xuất bán ở các DN, cơ sở sản xuất.

Xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm

Giới chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng, các bộ, ban, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hại, cũng như tình hình kiểm soát "chất cấm" trong chăn nuôi. Nghiên cứu, tập hợp kinh nghiệm kiểm soát của các nước tương đồng và thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ về kiểm tra giám sát "chất cấm" cho các cấp các ngành và chính quyền địa phương. Đồng thời tăng cuờng sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong kiểm soát "chất cấm" ngay từ gốc và chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng các phương án kiểm soát trong tất các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong các trại chăn nuôi, lò giết mổ và trên các phản thịt ngoài thị trường. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực phân tích "chất cấm" của các phòng thử nghiệm giúp các địa phương thuận tiện hơn trong việc gửi mẫu phân tích.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, cuộc đấu tranh với việc sử dụng "chất cấm" trong chăn nuôi đang ngày càng gay go và phức tạp. Do đó, các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ, xử phạt thật nặng những cơ sở làm ăn bất chính, tránh tình trạng "con sâu bỏ rầu nồi canh". Hiện Bộ NN&PTNT đã công bố "đường dây nóng" để người dân phát hiện cơ sở sử dụng "chất cấm". Các địa phương đang thực hiện đợt cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ nay đến tết Nguyên đán Bính Thân, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân sẽ tăng cao nên các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường lấy mẫu giám sát để phát hiện vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.