(HNM) - Một trong những bước chuyển quyết liệt và mạnh mẽ của ngành Y tế thời gian qua là việc đổi mới phong cách, tinh thần phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Chấn chỉnh từ điều nhỏ nhất
Nếu như trước đây, nhiều bệnh viện chỉ có ghế đá, ghế nhựa và không đủ chỗ ngồi cho bệnh nhân, thì nay, không chỉ các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến huyện cũng “lột xác” với phòng ốc khang trang, sạch sẽ, phòng chờ có quạt mát, nước uống, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn... Đó là những điều tưởng chừng nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với người bệnh trong hành trình tìm lại sức khỏe.
Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế phường Phúc Đồng (quận Long Biên). |
Do tuổi cao, sức yếu nên với những người bệnh như bà Hoàng Thị Đặt (ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội), bệnh viện như là ngôi nhà thứ hai. Những năm trước, mỗi lần đặt chân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh với bà Đặt là cả một nỗi ám ảnh. Thế nhưng, từ tháng 6-2017, bệnh viện chuyển đến cơ sở mới khang trang, sạch đẹp tại xã Thạch Đà (huyện Mê Linh), bà Đặt cảm thấy rất hài lòng, không còn muốn chuyển lên tuyến trên.
Hiện tại, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh trung bình có từ 500 đến 700 lượt người khám/ngày. Để rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, bệnh viện đã đầu tư thêm các trang thiết bị mới cho ra kết quả nhanh, chính xác và có niêm yết bảng hẹn giờ trả kết quả. Trong quý I-2018, bệnh viện cũng đã đưa vào sử dụng 135 trang thiết bị hiện đại. Nhờ đó, bệnh viện đã làm chủ được 4.195 kỹ thuật, trong đó có 3.330 kỹ thuật trong tuyến và 865 kỹ thuật vượt tuyến.
Bác sĩ Khổng Minh Hiếu, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh) chia sẻ, bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới tiên tiến vào điều trị cho người bệnh như: Mổ kết hợp xương cẳng chân, xương cẳng tay, thay khớp háng, mổ nội soi dây chằng, tán sỏi nội soi ngược dòng... để người bệnh không phải lên tuyến trên điều trị tốn kém.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ từng là “điểm đen” của ngành Y tế Thủ đô, khi cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn nhân lực thiếu trầm trọng và là bệnh viện tuyến huyện duy nhất không có Khoa Sản.
Thế nhưng, nhờ Quyết định 1816/QĐ-BTY của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời thành phố cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nơi đây, đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ đã thực sự “thay da đổi thịt”. Nếu như trước tháng 7-2014, mỗi tháng bệnh viện chỉ đỡ từ 5 đến 7 ca sinh đẻ, thì nay đã tăng lên 180 đến 200 ca.
Đặc biệt, trước đây, bệnh viện không thể phẫu thuật được do thiếu bác sĩ gây mê, nay đã có thể phẫu thuật nội soi áp dụng thường quy cho các trường hợp chửa ngoài tử cung, thủng dạ dày, viêm ruột thừa, thoát vị bẹn...
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, sự hài lòng của người bệnh là thước đo quan trọng phản ánh quá trình đổi mới, phát triển của ngành Y tế và của từng cơ sở y tế. Thời gian qua, sự chuyển biến của ngành Y tế có thể nhận thấy rõ. Tuy nhiên, sự chuyển biến này chưa đồng đều ở tất cả các tuyến, các cơ sở khám, chữa bệnh.
Phát triển y tế cơ sở song hành cùng y tế chuyên sâu
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện ngành Y đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong đổi mới cơ chế tài chính và đổi mới chất lượng bệnh viện.
Nếu lãnh đạo các bệnh viện chỉ dựa vào năng lực chuyên môn, không đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý thì sẽ khó lòng giữ chân bệnh nhân, nhất là khi thực hiện lộ trình thông tuyến bảo hiểm y tế, bệnh nhân có quyền lựa chọn bệnh viện tốt hơn để khám, chữa bệnh. Do đó, không làm tốt công tác quản lý và đưa ra được những giải pháp thu hút người bệnh, không chỉ bệnh nhân, mà cả nhân viên y tế cũng bỏ đi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, bệnh viện công lập phải tự chủ tài chính, những người đứng đầu bệnh viện cần được đào tạo về công tác quản lý, từ chất lượng khám, chữa bệnh, nhân lực, tài chính bệnh viện và trang thiết bị y tế…
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ gắn kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện, sự hài lòng của người bệnh với việc thanh toán giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, tạo động lực, khuyến khích, thúc đẩy các bệnh viện tích cực cải tiến chất lượng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành Y tế Việt Nam phải phát triển theo mô hình “kiềng 3 chân” mới bền vững, trong đó tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển y tế cơ sở song hành với y tế chuyên sâu.
Một nền y tế tốt không thể để bệnh nhân chờ 4 tiếng để khám bệnh, không thể để mỗi ngày có bệnh viện phải khám từ 8.000 đến 10.000 bệnh nhân, mà phải làm cuộc cách mạng, chuyển bớt người bệnh nhẹ về tuyến dưới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.