Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Không để luật nằm trên giấy!

Hà Phong| 24/09/2015 06:45

(HNM) - Việc thống nhất đăng ký, quản lý hộ tịch toàn quốc trên cơ sở tích hợp, số hóa hàng chục loại giấy tờ, thông tin cá nhân đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao chất lượng cán bộ tư pháp, hộ tịch.

Văn bản hướng dẫn phải hoàn thành

Thống nhất việc đăng ký, quản lý hộ tịch trong toàn quốc trên cơ sở tích hợp, số hóa hàng chục loại giấy tờ, thông tin cá nhân; hạn chế phỏng vấn khi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; phân cấp mạnh việc giải quyết hộ tịch cho cấp cơ sở; rút ngắn cả thời gian và giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính là các cam kết của Bộ Tư pháp. Đây là bước cải cách mạnh mẽ, hướng tới bảo đảm quyền công dân, quyền con người - một trong những quyền nhân thân quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình. Dù hiểu "sứ mệnh" của luật là cải cách hành chính một cách triệt để, thế nhưng, thực hiện như thế nào, phân cấp công việc chi tiết ra sao, nhiều cán bộ tư pháp chưa nắm chắc.

Luật Hộ tịch có hiệu lực sẽ giúp việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực này thuận lợi hơn. Ảnh: Thái Hiền


Nhiều ý kiến phản ánh, nếu cán bộ tư pháp chỉ học tinh thần luật thì hiệu quả không cao. Luật Hộ tịch khá đặc biệt khi Quốc hội cho phép dành 1 năm, tính từ thời điểm được thông qua để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhưng đến nay các dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn thường xuyên có sự thay đổi. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh nói: Bộ Tư pháp hứa sẽ cố gắng hết khả năng để hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ trong tháng 9 này; phấn đấu nghị định và thông tư hướng dẫn cùng có hiệu lực vào 1-1-2016. Qua rà soát các văn bản liên quan đến hộ tịch, còn cho thấy, có 31 văn bản còn hiệu lực, 15 văn bản đề xuất bãi bỏ; 13 văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới gồm Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức HĐND và UBND…

Bộ Tư pháp cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính soạn thảo thông tư hướng dẫn lệ phí hộ tịch; phối hợp với Bộ Ngoại giao để xây dựng thông tư liên quan đến đăng ký hộ tịch với bà con ở nước ngoài. Riêng việc cấp số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh theo quy định Luật Hộ tịch sẽ được nêu chi tiết trong dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Căn cước công dân do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Những băn khoăn cần giải tỏa

Theo Trưởng phòng Tư pháp quận Cầu Giấy (Hà Nội) Phan Thị Thu Hà: "Điểm cốt lõi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa Luật Hộ tịch là phải quy định thật rõ quy trình thực hiện, cơ chế phối hợp trên cơ sở phân định rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan trong giải quyết hộ tịch, bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ này của cấp quận không lúng túng và không phải thực hiện dưới dạng xin - cho trong quan hệ với cơ quan khác". Theo tìm hiểu, có nhiều điều khiến một số cán bộ tư pháp, hộ tịch lo lắng, ví dụ trong trường hợp khai tử, tách khẩu… người dân quên hoặc cố tình không khai báo để cập nhật vào sổ hộ tịch điện tử thì giải quyết như thế nào. Thực tế, nhiều trường hợp bố hoặc mẹ qua đời, bệnh viện đã cấp giấy chứng tử, gia đình đã tổ chức lễ viếng nhưng người thân không mang giấy chứng tử về xã ghi vào sổ hộ tịch. "Do vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch phải có chế tài khắc phục, thẩm định chi tiết, tránh "vết xe đổ" như việc ghi tên bố mẹ vào giấy chứng minh nhân dân rồi lại thôi" - luật sư Nguyễn Cao Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận xét.

Ở góc nhìn khác, Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp, Sở Tư pháp Hậu Giang Lê Thanh Phong cho rằng, để tổ chức triển khai thi hành Luật Hộ tịch có hiệu quả, cần có sự nhập cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền. Luật mới giao việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho UBND cấp huyện thực hiện thay vì cấp tỉnh như hiện nay. Hơn ai hết, chính UBND tỉnh phải chủ động xây dựng kế hoạch chuyển giao thẩm quyền đăng ký quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho UBND cấp huyện.

Một vấn đề nữa có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định luật đi vào đời sống ra sao là việc xây dựng đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, trong đó thông tin về khai sinh là thông tin gốc. Đây chính là dữ liệu đầu vào, cùng với các thông tin "động" khác về kết hôn, ly hôn, thay đổi cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, khai tử... được cập nhật vào hệ thống dữ liệu sẽ làm cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an xây dựng, phục vụ công tác quản lý luôn "sống". Khẳng định nếu không triển khai sớm thì lãng phí xã hội sẽ càng lớn, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nêu dẫn chứng: BHXH đang nắm thông tin của khoảng 72% dân số, gần 30% dân số còn lại nếu không quản lý nữa thì dữ liệu cứ lặp đi lặp lại ở các đơn vị. Đơn cử, mỗi năm có 1 triệu trẻ em sinh ra, cơ quan bảo hiểm mất 10 tỷ đồng để làm các giấy tờ, thủ tục cấp thẻ BHYT. Nếu có cơ sở dữ liệu, mã số định danh cá nhân thì ngành BHXH chỉ lấy số đó để cấp luôn thẻ BHYT, giúp các cơ quan, cán bộ, công chức khắc phục cách làm thủ công hiện nay, giảm tối đa thời gian đi lại của công dân và các giấy tờ phát sinh.

Những vấn đề nêu trên cho thấy, việc triển khai Luật Hộ tịch không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của Bộ Tư pháp mà còn liên quan đến rất nhiều bộ, ngành. Chỉ cần một khâu, một ngành chậm, việc triển khai Luật Hộ tịch sẽ chậm... Với vai trò là cơ quan "gác cổng" pháp luật, hơn ai hết Bộ Tư pháp phải là chủ trì, kết nối với các bộ, ngành địa phương từ việc làm thế nào để luật có hiệu lực phải được triển khai thi hành ngay đến việc theo dõi, nâng cao chất lượng cán bộ tư pháp - hộ tịch...

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh:

Trong giai đoạn chuyển tiếp, khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được xây dựng, vận hành thống nhất trên cả nước, ngoài việc phải nộp tờ khai người dân vẫn cần xuất trình chứng minh thư và một số giấy tờ cần thiết để chứng minh về nơi cư trú nếu có nhu cầu đăng ký hộ tịch. Khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành thống nhất, người dân chỉ cần xuất trình duy nhất chứng minh thư bởi các thông tin cơ bản của cá nhân đã được lưu trên hệ thống dữ liệu điện tử.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Không để luật nằm trên giấy!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.