(HNM) - Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một bước triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa trong thời đại kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế; qua đó, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Với ý nghĩa quan trọng này, sự kiện mang tinh thần của một “hội nghị Diên Hồng” từ tính chất mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, đến vai trò quy tụ những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững với trí tuệ - bản sắc - bản lĩnh Việt Nam.
Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức
Xuyên suốt từng giai đoạn lịch sử cách mạng, những chính sách về văn hóa của Đảng ta luôn có những phát triển phù hợp, thống nhất trên cơ sở phát huy những giá trị tư tưởng của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại. 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này tiếp tục đặt dấu mốc quan trọng, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước thời cơ và thách thức lớn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ quốc gia Việt Nam, văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng, cần phải được thực hiện một cách kiên trì, thận trọng. Chính vì thế, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một “hội nghị Diên Hồng” để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hóa, cũng như là cơ hội huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, văn nghệ sĩ, những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, vì mục tiêu khơi nguồn lực nội sinh, động lực phát triển đất nước.
Gửi gắm nhiều kỳ vọng tới sự kiện lần này, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Nguyễn Viết Chức cho rằng, vấn đề then chốt là phải xây dựng cho được hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người phù hợp với tình hình mới, là cơ sở để căn chỉnh lối sống, cung cách ứng xử; “lằn ranh” giúp con người không còn chơi vơi giữa xã hội, hủ hóa với những tiêu cực, tệ nạn xã hội cũng như góp phần củng cố “sức đề kháng” về văn hóa trước những va đập, xung đột về giá trị, quan niệm, lối sống.
Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Bính cũng cho rằng, để những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam tỏa sáng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước, trước hết, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để nâng cao nhận thức và nhận diện những giá trị truyền thống tốt đẹp, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn, chuyển hóa thành ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân...
Khơi dậy khát vọng phát triển
Nhận định văn hóa là linh khí khó nắm bắt, nhưng lại chính là linh vật hiện hữu khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, khí phách quốc gia, dân tộc, Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, văn hóa cần được đối xử ngang tầm với vị thế, vai trò và chức năng vốn có, tuyệt đối không phải “lĩnh vực thứ yếu” có tính chất như “phụ gia” hay “ăn theo”... Đặc biệt, nếu xác định, những hoạt động trên lĩnh vực văn hóa mang tính đặc thù, trực tiếp liên quan đến đời sống thể chất và tinh thần của con người…, thì cần thiết phải có một sự đối đãi đặc thù với đội ngũ làm công tác văn hóa, những nhà văn hóa quốc gia, thông qua một hệ thể chế bao gồm các chính sách phù hợp và định chế thỏa đáng.
Cụ thể hơn, theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, cần tăng nguồn đầu tư, ngân sách cho văn hóa, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa với những cơ chế, chính sách rõ ràng. Về công tác cán bộ, cần có tiêu chí đối với cán bộ quản lý về văn hóa, phải là người có am hiểu văn hóa, tránh tình trạng đề bạt, bổ nhiệm, sắp xếp trái ngành nghề, thiếu kiến thức, am hiểu về văn hóa như đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), ngành Văn hóa cần xây dựng và phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa đa dạng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các vùng, miền, các tộc người ở Việt Nam...
Đối với việc quản lý, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay, cùng với quá trình “chống”, chúng ta phải tích cực “xây”. “Khuyến khích các văn nghệ sĩ lưu hành rộng rãi trên mạng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa, hướng con người tới các giá trị chân - thiện - mỹ”, bà Từ Thị Loan đề xuất.
Trước thời cơ và thách thức mới, Đảng ta đã xác định: “Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Trên nền tảng kế thừa, phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và từ thực tế vận động phát triển, xác lập một hệ giá trị mới, có đủ năng lực đón nhận những thách thức cũng như cơ hội do toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Kỳ vọng lớn vào ánh sáng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, tin chắc văn hóa sẽ trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.