Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Khắc phục những “lỗ hổng”

Thu Trang| 05/04/2017 06:38

(HNM) - Khám chữa bệnh theo phương pháp đông y hiện được nhiều người lựa chọn. Trên nhiều trang báo mạng, facebook... không ít cơ sở đông y,

Không thể kiểm tra trên... giấy

Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội cho biết, theo quy định, khi lương y muốn được chữa bệnh phải bảo đảm đủ chứng chỉ hành nghề (được công nhận là lương y) và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề (về cơ sở vật chất, trang thiết bị…). Còn với những lương y gia truyền phải bảo đảm 3 đời làm nghề, có uy tín, đã chữa bệnh cho 200 người. Thế nhưng, với lương y gia truyền cũng chỉ được cấp phép duy nhất cho một bài thuốc (chứ không phải bài thuốc nào cũng được cấp phép). Có những lương y giỏi, không đủ điều kiện trên cũng không được hành nghề. Vậy mà, có lương y dù chưa đủ điều kiện hành nghề, chưa có giấy phép vẫn hoạt động. Cùng với đó, nhiều người không có trình độ chuyên môn vẫn tự nhận mình là “lương y”. Điều này dẫn đến thực trạng “loạn” phòng khám đông y, không biết đâu là lương y thật, lương y rởm.

Bốc thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông. Ảnh: Mạnh Hà


Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, trên địa bàn thành phố hiện có gần 600 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Qua thanh tra, kiểm tra, chủ yếu lỗi vi phạm là hành nghề khi chưa được cơ quan quản lý cấp phép; không niêm yết giá hoặc thu tiền khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết; hành nghề quá phạm vi chuyên môn, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không bảo đảm chất lượng; quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn, không đúng nội dung đã được ngành Y tế phê duyệt…

Về công tác quản lý cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền gặp khó khăn - ông Nguyễn Việt Cường chia sẻ: Nhiều “lang băm” hoạt động lén lút, không treo biển hiệu, không mở phòng khám. Người dân đến đây bắt bệnh, bốc thuốc giống như người quen đến nhà thăm hỏi nhau khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi. Hơn nữa, khó có thể phạt được các cơ sở hành nghề “chui”. Bởi lẽ, với mánh khóe lợi dụng mạng xã hội như facebook, zalo, viber để quảng cáo, khi cơ quan chức năng tiếp cận thì chủ cơ sở đều chối nên rất khó xử phạt.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trên website của Sở (soyte.hanoi.vn) có đăng tải danh sách những phòng chẩn trị y học cổ truyền được cấp phép hoạt động để người dân được rõ. Khi phát hiện cơ sở đông y hành nghề không phép, người dân cần phản ánh kịp thời, chính xác đến đường dây nóng (04.39985765), giúp cơ quan chức năng hoàn thành tốt hơn vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình.

Một hội viên Hội Đông y TP Hà Nội cũng cho rằng, hạn chế nhất trong công tác quản lý của cơ quan chức năng hiện nay là, nguồn nhân lực phụ trách về y học cổ truyền rất mỏng. Ngay như Phòng Quản lý hành nghề (Sở Y tế Hà Nội) cũng chỉ có 1-2 người phụ trách đủ thứ, từ phòng khám tư nhân, đến hiệu thuốc, rồi kiêm cả y học cổ truyền. Thiếu người dẫn đến người không có chuyên môn về đông y lại đi cấp phép hoạt động cho cơ sở y học cổ truyền...

“Có những đoàn kiểm tra chỉ có duy nhất một cán bộ chuyên môn đông y, song trình độ lại hạn chế. Vì vậy, khi được hỏi về vị thuốc này, thuốc kia, thanh tra cũng không biết thì kiểm tra cái gì? May chăng, việc kiểm tra chỉ trên giấy tờ, thủ tục...” - vị hội viên Hội Đông y TP Hà Nội chia sẻ. Rõ ràng tình trạng này phải sớm chấm dứt.

Về việc quản lý chất lượng dược liệu, theo thống kê của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), mỗi năm, nước ta sử dụng từ 60.000 đến 80.000 tấn dược liệu các loại, trong đó hơn 80% nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ có thể kiểm soát về số lượng, trọng lượng hàng mà không thể kiểm tra được chất lượng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) lo ngại, những hóa chất dùng trong quá trình bảo quản, chế biến thuốc đông y là lưu huỳnh, phốt pho, thủy ngân - để chống ẩm mốc. Nếu không biết sao tẩm khi chế biến, thuốc đông y có thể gây độc. Thậm chí, có những loại độc tố không bị diệt ở nhiệt độ cao (ngay cả khi đun lên tới 200 độ C). Nguy hại hơn, nhiều loại dược liệu giả, trộn với hóa chất độc hại xảy ra tràn lan, ảnh hưởng hiệu quả điều trị và sức khỏe người bệnh.

Giao trách nhiệm cụ thể

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, hội nghề nghiệp chính là hội có chuyên môn, là hội được giao nhiệm vụ cấp chứng chỉ hành nghề. Hơn ai hết, Hội Đông y chính là cơ quan thẩm định được lương y và "lang băm", giữa bài thuốc thật và bài thuốc rởm. Khi không cấp chứng chỉ đúng người, đúng việc, Hội Đông y phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do Sở Y tế phụ trách và quản lý.

Sở Y tế và Hội Đông y Hà Nội đã ký kết kế hoạch hợp tác về công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền trong năm 2017. Ông Nguyễn Hồng Siêm khẳng định, nếu được giao trách nhiệm thẩm định về chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực cũng như nguồn dược liệu sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền, Hội Đông y sẽ cố gắng làm thật tốt.

Không chỉ cơ sở hành nghề “chui” mà ngay cả việc quảng cáo các bài thuốc gia truyền của các “lang vườn” trên mạng xã hội cũng cần được siết chặt. Nếu cơ quan chức năng phát hiện những trang mạng quảng cáo sai, không đúng sự thật, phải xử lý thật nghiêm. Để tránh tiền mất tật mang, người dân không nên tin tưởng hay đặt mua thuốc của những “thầy thuốc facebook”.

Việt Nam sở hữu nguồn dược liệu quý, nhưng chưa được phát triển xứng tầm. Hiện trong số hơn 12.000 loài thực vật ở nước ta, có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc. Những năm gần đây, Hội Đông y Hà Nội nghiên cứu mô hình trồng một số cây thuốc chữa: Sỏi thận, đau dạ dày, tiểu đường… tại huyện Mỹ Đức, Đông Anh và Sóc Sơn. Các mô hình này đều thành công, cho năng suất gấp 5-8 lần so với trồng lúa.

Để phát triển được nguồn dược liệu trong nước, theo ông Nguyễn Hồng Siêm, Sở Y tế phải xây dựng một đề án tổng thể, từ lượng dược liệu tiêu thụ, đến làm thuốc cung cấp cho bệnh viện, sau đó, giao cho Hội Đông y tổ chức trồng, các doanh nghiệp thu mua để phân phối. “Làm được như vậy sẽ giúp hạn chế nguồn dược liệu nhập khẩu không bảo đảm chất lượng, đưa nền y học cổ truyền trong nước đi đúng hướng” - ông Nguyễn Hồng Siêm đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Khắc phục những “lỗ hổng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.