(HNM) - Thực trạng thiếu điểm đỗ so với nhu cầu đang khiến 90% số xe phải tìm nơi đỗ ở các điểm không được cấp phép, tại sân các cơ quan, trường học hay đỗ trái phép tràn lan ở vỉa hè, lòng đường... Trong khi quỹ đất dành cho xây dựng bãi đỗ xe mới như
Giải pháp nhân 4…
Trong khi phương tiện cá nhân ngày càng nhiều, nhu cầu tìm chỗ gửi xe ngày càng cao thì việc tìm lời giải cho bài toán giao thông tĩnh đang là lối thoát. Thời gian qua, đã có thời điểm Hà Nội cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm bãi đỗ xe như một giải pháp tình thế. Song nhiều bất cập nảy sinh đòi hỏi cần có một giải pháp dài hơi hơn. Trong đó, việc nghiên cứu nhân rộng mô hình bãi đỗ xe giàn thép trên cao được thành phố chỉ đạo thực hiện. Mô hình này được đánh giá là giải pháp thông minh, có nhiều ưu điểm: tận dụng diện tích đất xen kẹt trong nội đô, dễ dàng tháo lắp, đặc biệt là nhân gấp 4 lần sức chứa xe trên cùng mặt bằng. Tuy nhiên cho đến nay, ngoài dự án xây dựng thí điểm bãi đỗ xe cao tầng giàn thép tại phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) có sức chứa tổng cộng 30 xe đã đi vào hoạt động năm 2012, thì trong các dự án còn lại, mới có hai dự án đang tiến triển là dự án bãi đỗ xe cao tầng tại phố Trần Nhật Duật và phố Nguyễn Công Hoan.
Thiếu các điểm đỗ, ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè. |
Nói về hai dự án này, ông Phạm Văn Đức - Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, đơn vị được giao triển khai dự án, cho biết: Theo quyết định phê duyệt của UBND thành phố, hai dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Về quy mô, sau khi hoàn thành dự án bãi đỗ xe Trần Nhật Duật có diện tích lắp dựng 422m2, sức chứa 91 xe; bãi đỗ xe Nguyễn Công Hoan có diện tích lắp dựng 1.000m2, sức chứa 221 xe. Về công nghệ, hai dự án sử dụng công nghệ nâng hạ tự động của Hàn Quốc và Nhật Bản, hoạt động theo nguyên lý xếp hình nâng hạ dịch chuyển ngang, phù hợp với điều kiện đất xen kẹt, mặt bằng nhỏ hẹp thực tế hiện nay. Theo đó, các giàn đỗ xe với kết cấu thép được chia nhỏ thành các block, một block có 4 hàng, 4 tầng, chứa được 13 ô tô. Chủ phương tiện chỉ cần lái xe vào vị trí tấm Palet, sau đó xe sẽ được tự động nâng lên và đưa vào vị trí trống của block. Điều đặc biệt thuận lợi khi triển khai dự án là đã có mặt bằng sạch do cả hai khu đất này đều do Công ty Khai thác điểm đỗ đang quản lý nên không phải GPMB như các dự án thông thường mà chỉ thực hiện di dời cây xanh, cột điện và công trình ngầm cho phù hợp với tổng mặt bằng đã được các sở, ngành chấp thuận.
… và vấn đề thủ tục,cơ chế
Được cho là đáp áp thích hợp để giải bài toán về giao thông trên địa bàn Hà Nội trong điều kiện "đất chật, xe đông", việc xây dựng bãi đỗ xe giàn thép với ưu điểm dễ dàng lắp đặt trên mọi địa hình, nhất là tận dụng được những khu đất xen kẹt dù đã được thành phố chỉ đạo, song vì sao cho đến nay việc triển khai vẫn ì ạch, còn phía doanh nghiệp lại không mấy mặn mà?
Có lẽ gây trở ngại lớn nhất vẫn là vốn, thủ tục đầu tư, cơ chế thu phí và mặt bằng sạch. Nói theo một cán bộ quản lý thuộc Sở GTVT Hà Nội: Doanh nghiệp nào cũng vậy, khi bỏ vốn làm ăn thì đều mong thu lại lợi nhuận. Tuy nhiên, với việc làm bãi đỗ xe trên cao, vốn bỏ ra rất lớn nhưng với cơ chế thu phí như hiện nay, tiền về nhỏ giọt như kiểu bán hàng xén thì chắc chắn phải 50-70 năm sau doanh nghiệp mới thu hồi được vốn. Trong khi đó, tuổi thọ của một giàn thép cao tầng ít nhất là 20 năm về máy móc, 40 năm về khung thép và cần thường xuyên duy tu, bảo dưỡng. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính rườm rà, mỗi dự án bãi đỗ xe phải mất 1-2 năm để thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư như các dự án kinh doanh khác; rồi vấn đề GPMB… dẫn đến có thể phải mất đến vài năm mới ra được một dự án. Như vậy, thử hỏi doanh nghiệp "mặn mà" sao nổi?
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có động thái khơi thông sự bế tắc này khi quyết định cho phép Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được sử dụng 100% vốn từ ngân sách nhà nước để triển khai hai dự án xây dựng bãi đỗ xe cao tầng. Ông Phạm Văn Đức nói thêm: Công ty lại phải làm lại thủ tục chuẩn bị đầu tư từ đầu theo quy định nên kế hoạch triển khai bị chậm hơn so với dự kiến. Song với mục tiêu phục vụ lợi ích công cộng nên thành phố và các sở, ngành thường xuyên quan tâm chỉ đạo, cùng với việc khơi thông về nguồn vốn, dự kiến đến cuối năm nay, công ty sẽ đưa hai bãi đỗ xe này vào hoạt động.
Nhu cầu về điểm đỗ đã, đang và sẽ còn "nóng" nếu chúng ta chưa giải được bài toán về giao thông tĩnh. Mạng lưới điểm đỗ công cộng thiếu về số lượng, kém về chất lượng dịch vụ đã gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến trật tự đô thị, ATGT. Việc xây dựng quy hoạch mạng lưới bãi đỗ xe, tạo ra những cơ chế thông thoáng là những điều kiện cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh bãi đỗ xe. Ngoài ra, cơ chế thu phí cũng rất cần được điều chỉnh, đặc biệt đối với các công trình có đầu tư (không phải chăng dây trên vỉa hè, dưới lòng đường thu tiền), nhằm bảo đảm cho nhà đầu tư thu hồi vốn theo quy định của nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.