Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Gỡ “rào cản” từ chính sách

Nhóm phóng viên NN-NT| 12/11/2014 06:48

(HNM) - Chỉ khi thực hiện được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất nhằm nâng cao thu nhập của hộ gia đình, đáp ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, câu chuyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang là vấn đề thời sự nóng hổi

Phát triển ồ ạt sẽ vỡ trận

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng một trong những khó khăn lớn trong việc chuyển đổi là lựa chọn cây, con phù hợp. Đây là vấn đề khiến nhiều địa phương đang lúng túng. Tuy nhiên, thực tế ở những nơi có vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả cao cho thấy, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi không nhất thiết là phải chọn được các cây, con mới đưa về địa phương mà có thể củng cố các giống cây, con cũ sang các giống mới chất lượng cao để nâng cao thu nhập. Ở huyện Gia Lâm, nhờ chọn được cơ cấu cây trồng phù hợp, nông nghiệp đã và đang có những bứt phá mạnh.


Một mô hình trồng cây cảnh ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín đạt hiệu quả cao. Ảnh: Bá hoạt


Đến nay, huyện đã chuyển đổi được 2.000ha từ lúa sang cây ăn quả, rau màu và từ cây rau màu hiệu quả thấp sang cây trồng hiệu quả cao. Điển hình như vùng trồng chuối ở bãi Đuống có diện tích 170ha tập trung tại các xã Cổ Bi, Phú Thị, Đặng Xá, Kim Sơn cho thu 200-300 triệu đồng/ha; vùng trồng rau an toàn, diện tích 412ha tập trung tại các xã Văn Đức 250ha, Đặng Xá 90ha, Yên Viên, Lệ Chi mỗi xã 40ha cho giá trị từ 300 đến 500 triệu đồng/ha… Theo Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Trần Xuân Điệu: "Để có kết quả chuyển đổi tốt, phải có cơ sở hạ tầng tốt. Điển hình như vùng trồng rau ở xã Văn Đức, đường giao thông ra ruộng được kiên cố để xe tải, xe container cũng có thể thu gom rau tận ruộng. Ngoài ra, điện, nước được cung cấp đầy đủ để người dân thuận tiện sản xuất. Huyện cũng đã triển khai xây dựng thương hiệu, gắn nhãn hiệu, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho một số loại nông sản như RAT Văn Đức, ổi Đông Dư…".

Xã Hồng Vân, huyện Thường Tín cũng là một trong những địa phương thành công trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cả xã có 120ha đất nông nghiệp đến nay đã chuyển sang các mô hình trồng hoa, cây cảnh được 40ha. Để đẩy mạnh công tác này, xã đã thành lập Ban chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để chỉ đạo, định hướng cho nhân dân thực hiện. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không ồ ạt mà có sự đầu tư "chất xám". Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Đăng: "Việc chuyển đổi phải được tính toán rất cặn kẽ chứ không ồ ạt bởi hoa là thứ không ăn được, cũng không bảo quản được lâu. Nếu cung vượt quá cầu sẽ "vỡ trận" và chính nông dân là người gánh hậu quả nặng nề". Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành được 3 vùng: Hoa, rau và chăn nuôi. Cả xã có 6 trang trại cây cảnh và đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục, dự kiến đến cuối năm có thêm 30 trang trại; ngoài ra còn có 118 hộ trồng hoa, cây cảnh quy mô nhỏ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc:

Chính quyền cơ sở cần tạo điều kiện cho các hộ dân tích tụ ruộng đất; có chính sách khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, thành phố cần có giải pháp tháo gỡ sớm.

Nhà nước phải cầm trịch

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Hà Nội hiện đã có nhiều thuận lợi vì đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa và có quy hoạch sản xuất được phê duyệt theo đề án xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng thì kết quả chuyển đổi ở Hà Nội còn rất khiêm tốn. Cá nhân ông Ngọc cho rằng, dù đã tích cực xây dựng được nhiều cơ chế chính sách quan tâm đến phát triển nông nghiệp song nhiều chính sách ban hành khó đi vào thực tế, một phần do những người "làm chính sách" chưa sát nông dân, sát doanh nghiệp; cũng xuất phát từ nguyên nhân khác là sợ rủi ro, sợ trách nhiệm nên phương thức hỗ trợ đòi hỏi sự chắc chắn cao. Chính vì vậy, hình thức hỗ trợ sau đầu tư cho cơ giới hóa, cho sản xuất giống, chế biến nông sản… đã không đi vào thực tế do ít mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Trước thực trạng trên, mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã trình lên HĐND thành phố sửa đổi Quyết định 16 và Nghị quyết 25 cho phù hợp với thực tiễn.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Chánh Văn phòng BCĐ Chương trình 02 Hà Nội Lê Thiết Cương, việc chuyển đổi không nên nhìn ở diện tích đạt được mà cần nhìn ở hiệu quả vùng chuyển đổi phải cho thu nhập cao. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Phục vụ chương trình xây dựng NTM, BCĐ Chương trình 02 Hà Nội đã chỉ đạo công tác quy hoạch sản xuất phải bám vào các quy hoạch ngành. Về cơ bản các quy hoạch này rất phù hợp, vấn đề đặt ra là việc quản lý sản xuất theo đúng quy hoạch, để tránh tình trạng khủng hoảng thừa khi phát triển ồ ạt một số loại cây trồng, vật nuôi. Để làm được điều này, Nhà nước phải giữ vai trò cầm trịch, có hệ thống các giải pháp, chính sách đồng bộ. Đặc biệt, cán bộ cơ sở, các HTX phải đổi mới để cung ứng các dịch vụ phục vụ người dân chuyển đổi; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Mới đây, sau những khó khăn của người dân phát triển kinh tế tại các vùng chuyển đổi, huyện Phúc Thọ cũng đã thống nhất "cởi trói" cho các hộ chuyển đổi sản xuất theo mô hình trang trại được phép xây kho chứa (dưới sự giám sát chặt của chính quyền cơ sở) để tiện trông nom sản xuất và bảo quản nông sản, vật tư nông nghiệp. Động thái này được người dân đón nhận, hy vọng cũng sẽ là cánh cửa mở, là tiền đề tạo động lực cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị kinh tế, làm đổi thay đời sống người dân, góp phần vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Gỡ “rào cản” từ chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.