(HNM) - Khảo sát đường đi của phế liệu, chứng kiến ô nhiễm tại các làng nghề tái chế, sản xuất từ phế liệu, chúng tôi rất lo ngại khi nhìn thấy những hậu quả mà người dân làng nghề đang gánh chịu. Song cũng phải nhìn nhận, nghề thu gom, tái chế phế liệu đã và đang góp phần giảm lượng phế liệu thải ra môi trường. Để phát huy mặt được, "giải cứu" các làng nghề khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường, đã đến lúc các ngành chức năng và địa phương cần triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Chưa được quan tâm đúng mức
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường làng nghề tái chế phế liệu ở Hà Nội là do mặt bằng sản xuất chật hẹp; xưởng sản xuất chủ yếu được xây dựng tại gia đình, vừa sản xuất, vừa làm nơi ở. Ngoài ra, hạ tầng làng nghề thiếu đồng bộ, các địa phương, hộ sản xuất chưa chú trọng đến việc xây dựng hệ thống xử lý môi trường để bảo đảm phát triển bền vững. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa được quan tâm đúng mức, ý thức bảo vệ môi trường của người dân nhiều hạn chế...
Đồng quan điểm này, ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) khẳng định: Nguyên nhân khiến làng nghề thu gom, tái chế phế liệu Trung Văn ô nhiễm là do công nghệ sản xuất lạc hậu, thủ công, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý, giảm thiểu chất thải từ quá trình sản xuất ít được quan tâm. Hơn nữa, vốn sản xuất kinh doanh của các hộ chủ yếu là tự có, đất đai hạn hẹp nên không đủ kinh phí để đầu tư các hệ thống xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu.
Nơi chật hẹp bị ô nhiễm đã đành, có những địa phương tốn không ít tiền xây dựng cụm công nghiệp phục vụ nghề tái chế phế thải nhưng đến nay vẫn bỏ trống, không hiệu quả. Ông Triệu Đình Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) cho biết: Năm 2008, UBND huyện Thanh Trì đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề nhằm di dời các hộ có nghề truyền thống của xã ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, do có bất cập trong chính sách đấu giá, cùng với ô đất trong cụm công nghiệp làng nghề có diện tích lớn, vượt quá khả năng tham gia của các hộ sản xuất nhỏ lẻ, nên các hộ tái chế phế liệu vẫn sản xuất tại nhà, nước thải vẫn xả thẳng ra môi trường.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, gần đây, các làng nghề tái chế phế liệu đã quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường, nhưng vẫn chủ yếu dừng lại ở việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân làm nghề. Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết: Hằng năm, phường đều mở các lớp tuyên truyền về phòng, chống cháy nổ; vận động, nhắc nhở các hộ làm nghề chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường..., song ý thức người dân vẫn còn hạn chế.
Tương tự, UBND xã Tân Triều cũng liên tục nhắc nhở người dân không phơi phế liệu ra vỉa hè, lòng đường, đồng thời tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý các hộ xả chất thải gây ô nhiễm môi trường. Tại huyện Sóc Sơn, trước thực trạng ô nhiễm do các hộ làm nghề tái chế phế liệu gây ra tại xã Tiên Dược và Kim Lũ, hai năm gần đây, UBND huyện thường xuyên kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm, qua đó hạn chế phần nào ô nhiễm.
Trong khi đó, để bảo đảm việc sản xuất làng nghề phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, ông Lê Văn Dịu, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) đề nghị thành phố Hà Nội nghiên cứu, xem xét hỗ trợ xã trong việc mở rộng Cụm công nghiệp Xà Cầu với diện tích 10ha và xây dựng Cụm công nghiệp Cầu Bầu với diện tích 7,6ha để sớm di dời các hộ dân hoạt động sản xuất ngành nghề tái chế phế thải ra khỏi khu dân cư, để xử lý tập trung chất thải phát sinh.
Ngày 27-6-2019 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 144/KH-UBND, triển khai hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2019. Theo đó, thành phố quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong GRDP đạt 42%.
Thành phố sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, chống rác thải nhựa, như: Nghiên cứu, rà soát, đề xuất hoàn thiện và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu dùng bền vững, chống rác thải nhựa; hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường; thúc đẩy các dự án sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, bao bì thân thiện với môi trường; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ từ sản xuất nhựa khó phân hủy sang các chất liệu khác thân thiện với môi trường...
Về vấn đề này, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, giải pháp trước mắt có thể thực hiện ngay là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích cộng đồng tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý, khắc phục ô nhiễm; suy thoái về môi trường... Ngoài ra, khuyến khích các địa phương xây dựng các hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cụ thể hóa các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của thành phố, tiến tới triển khai thành quy định bắt buộc đối với các hộ, cơ sở sản xuất làng nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.