(HNM) - Khi tham gia vào một thị trường mở, bất kỳ doanh nghiệp nào dù muốn hay không vẫn phải thay đổi để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, để có thể đứng vững và phát triển, các doanh nghiệp (DN) cần đầu tư ứng dụng về khoa học công nghệ cao để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Một mô hình nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt |
Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ DN về vốn, lãi suất; có chính sách riêng về liên kết chuỗi; tạo môi trường thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức liên kết chuỗi là hai giải pháp quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của chăn nuôi Việt Nam thời kỳ hội nhập. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao được coi là khâu then chốt nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi (15-20%), từ đó giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Hà Nội so với các sản phẩm nhập khẩu.
Để việc hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ đạt hiệu quả, đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho DN có cơ hội tìm hiểu và tiếp cận các công nghệ mới trong và ngoài nước; hỗ trợ các trang trại chăn nuôi đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trang bị máng ăn tự động… Cùng với đó là việc tổ chức lại ngành chăn nuôi theo chuỗi giá trị với các hình thức liên kết sản xuất từ con giống đến tiêu thụ.
Trước những lo lắng của các DN cũng như người chăn nuôi, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, tham gia TPP cũng là thời cơ "vàng" cho các DN chăn nuôi trong nước mở rộng thị trường nếu biết dựa vào lợi thế "sân nhà". Hiện nay giá thành sản xuất của Việt Nam cao hơn so với nước ngoài là do chăn nuôi nhỏ lẻ, phương thức chăn nuôi chủ yếu là kinh nghiệm, truyền thống... Nếu chăn nuôi được đầu tư ứng dụng công nghệ cao và chọn nhập con giống chất lượng như nước ngoài thì năng suất chăn nuôi của Việt Nam sẽ cao như họ.
Khi gia nhập TPP, nguyên liệu nhập khẩu sẽ rẻ hơn, tạo điều kiện cho các DN hạ giá thành sản xuất. Mặc dù khó có thể cạnh tranh với thực phẩm, nông sản các nước như thịt gà, lợn, bò… nhưng thực tế hiện nay trên thị trường, người tiêu dùng trong nước vẫn sử dụng các sản phẩm như: Gà thả vườn, lợn rừng, lợn sinh học… Đây chính là "cửa thoát hiểm" cho ngành chăn nuôi Việt Nam khi vào TPP. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách đầu tư phát triển các loại con giống đặc trưng này để tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng. Các DN cũng cần thay đổi tư duy sản xuất, nghiên cứu đánh giá dự báo tác động của hội nhập để có phương án kinh doanh phù hợp, tránh tình trạng ngồi chờ chịu rủi ro.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, để giúp các DN đứng vững trước xu hướng hội nhập, một trong những nhiệm vụ quan trọng từ nay đến hết năm 2015 của ngành Nông nghiệp là tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong WTO và các Hiệp định Tự do thương mại (FTA) khu vực. Đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết tới khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các tác động của việc gia nhập TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Theo đó, sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin và hỗ trợ DN, nông dân tìm kiếm cũng như mở rộng thị trường để có phương án chủ động trong bối cảnh hội nhập sâu. Đồng thời phổ biến cho DN để chủ động nắm bắt cơ hội, xác định hướng đầu tư, hình thành chiến lược kinh doanh phù hợp với các FTA; phổ biến cho các vùng, địa phương để hoàn chỉnh quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển nhằm nắm bắt được cơ hội thương mại và đầu tư do các FTA mang lại.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang: Khi tham gia TPP, Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo: nới rộng cơ chế hỗ trợ lãi suất, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN nông nghiệp; đồng thời tăng mức đầu tư cho DN nông nghiệp để đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới sản xuất các sản phẩm tinh phục vụ xuất khẩu và tăng giá bán. Tuy nhiên, các DN cũng cần phải liên kết lại với nhau để thành lập các tổ chức và có sự chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa nhà sản xuất thức ăn, con giống, giết mổ… để nâng cao sức cạnh tranh; cùng với đó là đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại trong sản xuất cũng như bảo quản sau thu hoạch để giảm tổn thất trong nông nghiệp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.