(HNM) - Mặc dù lâu nay các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội vẫn luôn khẳng định quyết tâm xử lý nghiêm, dứt điểm hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, tuy nhiên hiệu quả và hiệu lực xử lý còn nhiều hạn chế, nguyên nhân bởi công tác quản lý còn nhiều kẽ hở...
Giấy phép được cấp sai (?)
Theo thống kê của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 149 tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Qua kiểm tra 34 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong diện được cấp phép, cơ quan chức năng đã phát hiện 12 tổ chức, hộ gia đình được cấp phép bến thủy nội địa trên cơ sở các hợp đồng cho thuê thầu trái phép hoặc sử dụng đất sai mục đích. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Hùng, việc cấp phép không căn cứ vào hợp đồng thuê đất cũng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý, do đó cần rà soát để thu hồi toàn bộ giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đã cấp, kể cả giấy phép còn hiệu lực. Tuy nhiên, ông Đoàn Công Hoán, Tổ trưởng Cảng vụ Chèm (thuộc Cảng vụ Hà Nội) cho rằng, muốn xử lý triệt để cần sự thống nhất của các ngành và có lộ trình thực hiện. Một mình Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II không thể thực hiện được bởi các bãi chứa VLXD đã tồn tại từ lâu. Đơn vị cũng không có chế tài cưỡng chế xử lý mà chỉ dừng ở việc thông báo cho chính quyền địa phương giải quyết.
Một vấn đề nan giải nữa là việc xử lý hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản (cát đen) không rõ nguồn gốc. Ông Nghiêm Đức Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không rõ nguồn gốc bị xử phạt theo Luật Khoáng sản cũ rất thấp, không đủ sức răn đe; còn từ ngày 1-7-2011 (ngày Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực thi hành) đến nay lại chưa có nghị định hướng dẫn xử phạt trong lĩnh vực này. Các cơ quan quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) và Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an thành phố Hà Nội) cũng cho biết chưa có chế tài xử lý đối với những việc này (?).
Thủ tục rườm rà,tốn thời gian
Để chấn chỉnh trật tự trong việc khai thác, tận thu, tiết kiệm tài nguyên và đáp ứng nhu cầu thị trường về VLXD hiện tại và tương lai, ngày 1-2-2013, UBND TP Hà Nội đã có quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với 44 điểm mỏ khai thác cát, sỏi làm VLXD thông thường và 91 bãi chứa trung chuyển VLXD được công bố chi tiết. Đây là cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh theo quy định. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. Ông Phan Văn Bưởi, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho rằng: Để làm thủ tục cấp phép một bãi chứa trung chuyển VLXD bất kể lớn hoặc nhỏ, tổ chức, cá nhân phải thực hiện từ khâu khảo sát đến lập dự án đầu tư, làm thủ tục thuê đất, xin ý kiến khoảng chục sở, ngành liên quan không khác gì một dự án đầu tư. Thực tế, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, hầu hết bãi chứa VLXD quy mô nhỏ, trung bình khoảng 1.000m2, năng lực tài chính của các chủ bãi eo hẹp... nên thực hiện đủ các quy định này vô cùng khó khăn. Vì vậy, mặc dù huyện nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở nhưng vi phạm đâu lại hoàn đấy. Để tháo gỡ khó khăn, huyện đã đề nghị các hộ tập hợp lại thành lập một công ty đứng ra lo thủ tục về bến bãi nhưng chưa tìm được tiếng nói chung vì thủ tục quá rườm rà, phức tạp, tốn kém thời gian.
Về vấn đề trên, các doanh nghiệp kinh doanh VLXD ven sông đều chung ý kiến là chưa được hướng dẫn cụ thể. Ông Nguyễn Văn Nhất, Giám đốc Công ty TNHH Phú Quý, chủ bến bãi VLXD trên địa bàn xã Phương Độ (huyện Phúc Thọ) cho biết đã đầu tư nhiều tiền của vào bến bãi nên rất mong các cấp, ngành có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục cấp phép bến bãi để kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Còn trên địa bàn huyện Ba Vì có 2 doanh nghiệp, 3 năm qua đã "gõ" hết các "cửa" nhưng vẫn chưa làm xong thủ tục cấp phép mở bến bãi. Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ba Vì, không thể để tồn tại tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" mãi được; tuy nhiên muốn tháo gỡ vướng mắc này thì trên cơ sở quy hoạch, địa điểm nào phù hợp thành phố nên có quy trình đơn giản, thuận tiện nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức thuê đất, cấp phép bến bãi, cùng với đó phải có sự thống nhất chung giữa các ngành.
Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy Hà Nội, khẳng định mỗi năm Nhà nước chi hàng tỷ đồng để khơi thông dòng trên các tuyến sông qua Hà Nội. Nếu được cấp phép, doanh nghiệp khai thác cát ở những vị trí nằm trong quy hoạch không những khơi thông dòng chảy còn tận thu được nguồn tài nguyên phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ông Cương cho rằng, việc xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép cần sự vào cuộc của các lực lượng chức năng nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trước mắt, UBND cấp xã phải khẩn trương thanh lý, hủy bỏ các hợp đồng cho thuê đất trái pháp luật; thực hiện ngay việc giải tỏa bãi tập kết cát không rõ nguồn gốc. Các đơn vị liên quan cần tăng cường phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II trong việc xử lý nghiêm bến bãi không có giấy phép. Tuy nhiên, không thể bỏ qua vai trò giám sát, tố giác tội phạm của nhân dân trong cuộc chiến dẹp bỏ nạn "cát tặc", trả lại sự bình yên vốn có của các con sông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.