Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cái mới cần sự đồng thuận

Quỳnh Phạm| 12/08/2014 06:03

(HNM) - Khi mục tiêu vào ĐH, CĐ vẫn là đích đến của hầu hết học sinh THPT thì việc thi cử không chỉ mang ý nghĩa kiểm tra, đánh giá đơn thuần mà còn mang tính xã hội sâu sắc.



Bởi thế, mọi cái mới liên quan đến kỳ thi quan trọng này rất cần sự đồng thuận của toàn xã hội, mọi thay đổi phải hợp lý, khả thi và đặc biệt là không gây "sốc" cho thí sinh. Đây là lý do mà Bộ GD-ĐT xây dựng 3 phương án, tuy không khác nhiều về bản chất nhưng có sự khác nhau về mức độ đổi mới. Những ý kiến thảo luận, đóng góp cho các phương án thi vẫn được Bộ GD-ĐT ghi nhận để hoàn thiện và dự kiến sẽ công bố chính thức vào đầu năm học mới để thí sinh có thời gian chuẩn bị.

Hướng dẫn các thí sinh làm thủ tục tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Viết Thành


Sự thay đổi đã được tập dượt

Nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ý e ngại rằng, việc tổ chức một kỳ thi như hiện nay là thiếu tính khả thi và thậm chí là "duy ý chí" bởi sự thay đổi vấn đề chuyên môn và học thuật không hề đơn giản, nhất là chỉ trong vòng một năm. Câu hỏi được đặt ra là liệu thí sinh có bị sốc trước những thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá mà Bộ GD-ĐT dự kiến trong 3 phương án thi chung. Theo đó, đề thi của các phương án này sẽ được xây dựng theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi vận dụng, câu hỏi mở. Các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó). Trao đổi với báo chí, GS Đào Trọng Thi, Chủ tịch UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc đổi mới tại thời điểm năm 2015 là hơi sớm, sự thay đổi đột ngột này gây khó khăn cho cả nhà quản lý lẫn thí sinh. Sự thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá năng lực lẽ ra phải song hành với chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với TS Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ngoài công lập), khi cho rằng việc triển khai trong năm nay hoặc năm sau nữa là hoàn toàn khả thi và khi đã quyết thì phải làm ngay với nguyên tắc thay đổi dần dần chứ không quá đột ngột, có lộ trình thực hiện với những việc khó. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cũng cho rằng, trên thực tế, sự đổi mới này đã được tập dượt qua những gì đã làm, nhất là qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua: Đề thi đã được đổi mới theo hướng tăng cường các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở, gắn liền với đời sống thực tiễn, với thực tế xã hội, với đời sống chính trị. Ở đó có sự khơi dậy kiến thức tổng hợp - kiến thức liên môn của thí sinh, chạm vào tâm tư tình cảm của học sinh - thể hiện qua bài làm. Cho nên, thay vì trả lời câu hỏi theo khuôn mẫu được soạn sẵn, "phao" đầy trong túi thì giờ đây các em giải quyết vấn đề trên cơ sở sáng tạo của mình và vì thế năng lực được đánh giá chân thực hơn. Đây là bước khởi đầu cho chúng ta định hướng đổi mới đánh giá kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh.

Chọn "mới" hay "đồng thuận"?

Trong 3 phương án dự kiến, những người e ngại sự thay đổi đột ngột có xu hướng chọn phương án một với hình thức thi theo môn, với 4 môn là tối thiểu để được xét công nhận tốt nghiệp. Ưu điểm của phương án này là ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh, nhất là đối với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước; việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng. Học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Với phương án hai, 8 môn học sẽ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi. Ở phương án 3, 11 môn học được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi. Nhìn chung, 2 phương án sau được đánh giá cao bởi mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1. Tuy nhiên, nếu thực hiện ngay từ năm 2015 thì sẽ có những khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị ở tất cả các khâu: Ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên.

Thuộc số những người ủng hộ phương án hai, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Minh cho rằng: Việc tiến hành thi theo bài tổng hợp có thể bắt đầu được trong năm 2015. Với mặt bằng chung của học sinh hiện nay, bài thi tổng hợp sẽ thích hợp hơn bài thi tích hợp, tránh được sự xáo trộn về tâm lý cũng như trong việc giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Chỉ khi việc giảng dạy ở bậc phổ thông đã tích hợp cao thì mới có thể tổ chức kỳ thi quốc gia với các bài thi tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn. Đây cũng là quan điểm mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi với báo giới ngay sau hội nghị xác định điểm sàn vừa qua.

Ngoài việc lựa chọn phương án thi phù hợp, tránh gây "sốc", để tìm kiếm sự đồng thuận của xã hội, Bộ GD-ĐT hiểu rất rõ cần phải có những giải pháp để kỳ thi này là một thước đo chung, công bằng. Vì thế, trong đề án một kỳ thi quốc gia, Bộ GD-ĐT đã dự kiến thành lập các hội đồng thi theo cụm ở từng tỉnh. Cán bộ trông thi, chấm thi gồm các giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên phổ thông. Chấm thi được tổ chức cụm liên tỉnh cho từng vùng nhằm bảo đảm cao nhất tính khách quan, nghiêm túc. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, với những giải pháp này, một kỳ thi sau THPT sẽ khả thi, đáng tin cậy, giảm áp lực và bớt tốn kém cho mỗi thí sinh cũng như toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cái mới cần sự đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.