Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Bảo vệ trẻ em tại cộng đồng

Minh Ngọc| 13/06/2017 06:51

(HNM) - Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Do đó, những mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng phát huy hiệu quả trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được duy trì, nhân rộng.


Mô hình gia đình không bạo lực

So với cả nước, số vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra ở Hà Nội không nhiều. Năm 2016, toàn thành phố xảy ra 12 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, 6 tháng đầu năm nay chỉ xảy ra một vụ, trong khi cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ/năm. Vấn đề bạo lực trẻ em ở Hà Nội chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng cũng ít xảy ra các vụ nghiêm trọng.

Gian trưng bày của học sinh quận Long Biên tại lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em cấp quốc gia


Theo đánh giá của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), TP Hà Nội có được kết quả này là nhờ luôn quan tâm tới việc xây dựng gia đình văn hóa và văn hóa gia đình. TP Hà Nội đã xây dựng, phát triển mạng lưới câu lạc bộ “Gia đình văn minh hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Gia đình phát triển bền vững”… rộng khắp ở các địa bàn dân cư. Thông qua chương trình sinh hoạt câu lạc bộ, chính quyền cơ sở nắm bắt được thông tin đa chiều về đời sống của người dân để có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp. Những "địa chỉ tin cậy”, “ngôi nhà bình yên” đã hình thành ở nhiều nơi, góp phần tạo ra môi trường an toàn cho trẻ nhỏ.

Đồng tình với nhận định trên, bà Phạm Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) cho biết: Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình phường Yết Kiêu thành lập từ năm 2009 đến nay đã trở thành “sợi dây” gắn kết yêu thương cho nhiều gia đình, giúp không ít con trẻ tránh được hành vi bạo lực từ bố mẹ khi “cơm không lành, canh không ngọt”. Thấy rõ vai trò quan trọng của gia đình đối với việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, bà Phạm Thị Ngọc Lan đã lấy nhà của gia đình làm “địa chỉ tin cậy” cho phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, đồng thời vận động một số gia đình khác cùng tham gia. Nhờ sự hỗ trợ trực tiếp, tình trạng bạo lực gia đình ở phường Yết Kiêu hầu như không còn.

Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2016 - 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở”. Đề án hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa. Điều đó cũng có nghĩa là tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ được quan tâm, ngăn chặn từ gốc.

Thiết lập hệ thống “phòng thủ”

Cùng với sự êm ấm trong gia đình, môi trường an toàn ngoài cộng đồng, xã hội được ví như hệ thống “phòng thủ” vững chắc chống lại hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 22-5-2017, UBND TP Hà Nội yêu cầu một số địa phương duy trì, nhân rộng mô hình điểm về phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em. Đó là mô hình “Phát động toàn dân tham gia giúp đỡ, quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng” đã thí điểm thành công ở phường Yên Phụ (quận Tây Hồ); mô hình “Phòng chống tệ nạn sử dụng ma túy trong lứa tuổi chưa thành niên” đã mang lại “luồng gió” mới cho phường Phúc Xá (quận Ba Đình); mô hình “Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” triển khai hiệu quả ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)…

Cũng tại Kế hoạch này, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, tổ chức đoàn thể từ thành phố tới cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật Trẻ em, phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em; đồng thời trang bị cho trẻ em các kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại… Theo đó, từ cuối tháng 5 đến nay, Đoàn Thanh niên các cấp đã lồng ghép nội dung sinh hoạt hè với chương trình truyền thông giáo dục giới tính và phổ biến Luật Trẻ em đến đông đảo đoàn viên, đội viên. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên với lực lượng nòng cốt là cán bộ tổ dân phố, khu dân cư, cán bộ hưu trí tâm huyết, nhiệt tình. Mỗi cộng tác viên phụ trách từ 50 đến 250 hộ gia đình nên mọi vấn đề, vụ việc phát sinh dễ dàng được phát hiện, giải quyết ngay từ cơ sở. Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức “Diễn đàn trẻ em các cấp”, lắng nghe trẻ em nói để thấu hiểu trẻ em…

Thực hiện đa dạng các giải pháp kể trên, Hà Nội hiện có 540/584 xã, phường, thị trấn đạt “Xã, phường phù hợp với trẻ em”. Được sự quan tâm từ nhiều phía, được sống trong môi trường xã hội an toàn với khung pháp lý về trẻ em đủ mạnh, trẻ em trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện.

Theo Luật Trẻ em, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn thương về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Phát hiện thấy nguy cơ, hành vi vi phạm, các tổ chức, cá nhân nên thông báo, tố giác về Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em theo số 18001567.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Bảo vệ trẻ em tại cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.