Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Bài toán khó

Lê - Diễm - Thành| 19/01/2015 06:16

(HNM) - Theo đánh giá của cơ quan chức năng, lao động nhập cư đã đóng góp cho TP Hồ Chí Minh khoảng 30% GDP mỗi năm. Chính vì vậy, vấn đề lao động di cư tự do cần có cái nhìn đúng đắn và có chính sách quản lý phù hợp.


Tha hương, thuê đất trồng rau

Dọc hai bên con đường nhỏ gần Khu di tích Ngã Ba Giồng thuộc xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) có hơn trăm chòi lá chỉ rộng chừng 30m2 nằm giữa những ruộng rau. Đây chính là "nhà" của 150 hộ dân từ các tỉnh phía Bắc vào thành phố thuê đất canh tác gần chục năm nay. Những căn chòi lá giống nhau về… độ xập xệ. Nhiều tàu lá dừa lợp trên mái đã mục bởi nắng mưa bất chợt của đất phương Nam. Chúng tôi dừng lại ở căn chòi thứ 3 của anh Vũ Ngọc Đỉnh, đến từ xã Nam Dương - Nam Trực - Nam Định. 

Những người dân kiếm sống trên vỉa hè TP Hồ Chí Minh.


Vừa sửa lại cái chòi lợp lá dừa đã mục, anh Vũ Ngọc Đỉnh chậm rãi cho biết: Trước đây, toàn bộ khu này là đồng hoang. Trước năm 2005, có vài nông dân từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình rời quê vào TP Hồ Chí Minh làm ăn. "Đã làm ăn ở nhiều nơi, rồi chúng tôi rủ nhau đến đây chứ không thể về quê. Ở nhà cả hộ chỉ có 1 sào ruộng. Không có đất canh tác, không có nghề phụ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ban đầu, chỉ có vài hộ dân, thuê khoảng 2.000m2 đất trồng rau, cung cấp rau xanh cho thành phố. Sau đó, người này rủ người kia và hình thành nên xóm trồng rau. Dân buôn rau cũng như người địa phương quen gọi xóm này là "khu tái định cư".

Ở cuối đường lộ, căn chòi của chị Đoàn Ngọc Thu chỉ rộng 30m2, là nơi cư ngụ của 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ. Ngày nắng còn đỡ, cứ đến ngày mưa thì nhà lá này chưa khi nào hết dột. Mình thuê đất chỉ được cất chòi tạm để sinh hoạt chứ không được làm nhà kiên cố. Hợp đồng làm theo từng năm, cũng không dám lợp mái tôn cho chắc chắn - Chị Thu nói. Theo chị Thu, điều kiện sống khó khăn, vất vả không phải là nỗi lo lớn nhất. Mưu sinh ở một thành phố "tấc đất tấc vàng" như TP Hồ Chí Minh thì chuyện thuê đất để làm ăn chưa bao giờ dễ dàng. Cần cù, họ đã vượt qua hàng loạt khó khăn ban đầu. Họ tập trung trồng rau muống, mồng tơi, rau cải, rau dền, trong khi đó nông dân miền Nam lại có tập tính sản xuất các loại rau, củ, quả như khổ qua, dưa leo, bầu, bí. Nhờ đặc điểm này mà họ đã góp phần bổ sung cho thành phố nguồn rau rất lớn.

Theo bà Cao Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng, đến nay, số lượng nông dân từ khu vực phía Bắc vào xã Xuân Thới Thượng đã lên tới 150 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Tổng diện tích đất họ thuê để trồng rau rộng trên 30ha. "Hơn 400 lao động tại làng rau này góp phần không nhỏ trong việc phát triển ngành nông nghiệp địa phương. Ước tính mỗi ngày, họ cung cấp ra thị trường 18 tấn rau ăn lá, gồm nhiều chủng loại. Trước 2005, toàn bộ diện tích họ thuê để canh tác là những cánh đồng bỏ hoang. 10 năm sau, qua bàn tay cần cù, chịu khó của những người dân nhập cư, khu đồng đất hoang đã thành những khu nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp" - Bà Hòa nhận xét.

Đóng góp và hệ hụy


Cuộc sống sau nhiều năm của những người tha hương dù có khá hơn về kinh tế nhưng suy cho cùng họ vẫn là những người nghèo khi không nhà cửa và không có chuyên môn để tìm công việc khác. Vì thế, cuộc sống của họ không ổn định.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, có đến 44% lao động mưu sinh trên các phương tiện giao thông 2 - 3 bánh, 43% mưu sinh trên vỉa hè và có tới 55% người buôn bán lưu động thuộc đối tượng dân nhập cư. Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ những hình thức mưu sinh trên thu hút dân nhập cư vì lĩnh vực này không yêu cầu về tay nghề, không cần vốn lớn và dễ kiếm tiền. Trong khi đó, những lao động tại địa phương không mặn mà hoặc thậm chí không tham gia một số công việc giản đơn, việc nặng nhọc hoặc không có thu nhập cao.

Có người cho rằng, dân nhập cư đã góp phần làm tăng số lượng người nghèo của thành phố (nơi đến). Tuy nhiên, theo các cuộc điều tra mới đây cho thấy, dân nhập cư đã đóng góp rất đặc biệt vào việc xóa đói, giảm nghèo tại quê hương của họ. Còn tại nơi họ đến, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cũng công nhận, dân nhập cư đã đóng góp cho thành phố khoảng 30% GDP mỗi năm. Dù vậy, ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, rất nhiều người nhập cư vào thành phố đã không khai báo, không đăng ký tạm trú khiến cơ quan chức năng của thành phố không thể quản lý được. TP Hồ Chí Minh đã dành một khoản ngân sách nhất định để hỗ trợ đối tượng hộ nghèo. Tuy nhiên, chính bởi những người lao động nghèo di cư từ nơi khác tới và không đăng ký chỗ ở, không có tạm trú… do đó thành phố không thể thực hiện chính sách này.

Khi tìm hiểu về đời sống của những người làm nghề tự do tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy rằng, bên cạnh những người mong mỏi được hỗ trợ để được sinh sống ổn định, lâu dài, cũng có không ít chưa đăng ký tạm trú vì nhiều nguyên nhân. Với một "siêu đô thị" như TP Hồ Chí Minh, lại có một nỗi lo khác: Với dân số khoảng 8 triệu người, bên cạnh những đóng góp tích cực của lao động di cư, hàng loạt vấn đề đang nảy sinh như mật độ dân số cao, tập trung quá đông ở khu vực nội thành, bên cạnh đó là hàng loạt hệ lụy như thất nghiệp, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường... Và nếu TP Hồ Chí Minh không có một chiến lược dài hơi trong quản lý cũng như chính sách tận dụng lực lượng lao động này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.

Giải quyết vấn đề lao động di cư tự do, với không riêng TP Hồ Chí Minh, đang thực sự là "bài toán" khó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Bài toán khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.