Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bãi bỏ việc trợ giá nông sản

Vân An| 03/11/2011 16:39

(HNMO) – Ngày 3/11, trong dự án Luật giá trình lên Quốc hội, Chính phủ đã quy định rõ hơn các nội dung về việc bình ổn giá và đề nghị bãi bỏ biện pháp trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất, bởi có thể dẫn đến việc trợ giá cho cả hàng nông sản xuất khẩu.


Bãi bỏ việc trợ giá nông sản

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ đã trình lên Quốc hội dự án Luật giá gồm 5 Chương và 51 Điều với những nội dung cơ bản sau:

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh của Luật là về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; cơ chế quản lý và hoạt động điều tiết giá của Nhà nước. Đối tượng áp dụng của luật là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực giá.

Về nguyên tắc quản lý giá, dự thảo Luật đưa ra 2 nguyên tắc: Một là, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Hai là, Nhà nước thực hiện điều tiết giá thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính theo quy định của Luật này để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Dự thảo Luật cũng quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng.

Về thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, dự luật quy định 3 cấp có thẩm quyền là Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.

Về quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dự thảo Luật đã quy định để khẳng định rõ hơn, cụ thể hơn và mở rộng hơn quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực giá theo hướng được tự định giá, điều chỉnh giá mua bán hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh (trừ hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá); được cạnh tranh về giá thông qua các cơ chế: đấu thầu, đấu giá, thoả thuận giá, hiệp thương giá và các hình thức cạnh tranh về giá khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó dự thảo Luật cũng quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh được quyền kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá; được quyền tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách giá, các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước và các thông tin công khai khác, cũng như có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về giá làm thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải thực hiện các nghĩa vụ như: Chấp hành các quyết định giá, các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; giải quyết khiếu nại về giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh. Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.

Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, dự luật quy định các quyền cơ bản của người tiêu dùng là: được lựa chọn, thỏa thuận về giá khi mua hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về giá cả, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ; có quyền thông qua tổ chức xã hội kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Về định giá của Nhà nước, Dự thảo Luật quy định Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau: (i) Hàng hóa, dịch vụ được sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước; (ii) Hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất kinh doanh; (iii) Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh; (iv) Tài nguyên quan trọng; (v) Sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch.

Về nguyên tắc định giá của Nhà nước, dự thảo quy định 2 nguyên tắc chung nhằm bảo đảm việc định giá của Nhà nước vừa tuân theo cơ chế giá thị trường, vừa góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, cũng như thể hiện tính linh hoạt trong hoạt động điều hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp, đó là: Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Trường hợp vì lý do đặc biệt Nhà nước định giá thấp hơn chi phí sản xuất kinh doanh thực tế hợp lý thì Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ thích hợp; Kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Về thẩm định giá, dự thảo Luật quy định chỉ có những tổ chức có đủ điều kiện, năng lực theo quy định thì mới được hoạt động thẩm định giá; cá nhân không được hoạt động thẩm định giá độc lập nhằm bảo đảm chất lượng của công tác thẩm định giá; tránh tình trạng cung cấp báo cáo kết quả và chứng thư thẩm định giá một cách tùy tiện.

Về tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá, dự thảo Luật quy định tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá được thành lập theo quy định của pháp luật về Hội, có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm định giá. Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá được tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về thẩm định giá và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Về Thẩm định viên về giá, dự luật đưa ra tiêu chuẩn quan trọng nhất đối với thẩm định viên về giá là phải có Thẻ thẩm định viên về giá và phải có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm về nghiệp vụ chuyên môn.

Về doanh nghiệp thẩm định giá, các doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nhưng có sự quản lý về điều kiện hoạt động của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp thẩm định giá có quyền thẩm định giá tất cả các loại tài sản theo quy định tại pháp luật dân sự và tài sản nhà nước phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân hoặc cơ quan nhà nước; được thu tiền dịch vụ theo sự thỏa thuận đã cam kết trong hợp đồng với khách hàng.

Về thẩm định giá của Nhà nước, dự thảo Luật quy định hoạt động thẩm định giá của Nhà nước do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện trong các trường hợp sau: Các trường hợp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Trường hợp mua sắm hoặc bán tài sản nhà nước mà doanh nghiệp thẩm định giá không đáp ứng được những điều kiện theo quy định của Chính phủ; Mua sắm hoặc bán tài sản bí mật nhà nước; Mua sắm hoặc bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá chưa đủ làm căn cứ để cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt giá mua hoặc bán tài sản nhà nước; Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.


Đặc biệt, về bình ổn giá thị trường, dự thảo Luật quy định khi giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống không thuộc danh mục Nhà nước định giá được quy định theo các tiêu chí là (i) nguyên, nhiên, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông (ii) hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản của con người như: ăn, mặc, ở, học tập, đi lại, chữa bệnh có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá có biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế xã hội thì Nhà nước sẽ thực hiện bình ổn giá bằng việc áp dụng có thời hạn một hoặc một số biện pháp phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại thời điểm đó sao cho có hiệu quả nhất.

Các biện pháp bình ổn giá gồm: (i) Điều hoà cung cầu hàng hoá, mua vào bán ra hàng dự trữ, kiểm soát hàng hoá tồn kho; (ii) Kiểm tra các yếu tố hình thành giá; (iii) Quy định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá.

Đồng thời, dự thảo Luật bãi bỏ biện pháp “Trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp gây thiệt hại cho người sản xuất; trợ giá hàng hoá, dịch vụ quan trọng thiết yếu khác” vì quy định như vậy có thể dẫn đến việc trợ giá cho cả hàng nông sản xuất khẩu. Điều đó sẽ trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thay vào đó dự thảo Luật quy định “Áp dụng các biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với pháp luật và các cam kết quốc tế”.

Bổ sung biện pháp kiểm soát, cơ chế xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện bình ổn giá

Thẩm tra dự án Luật giá của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản tán thành với tên gọi cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Tuy nhiên, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các quy định về thẩm định giá của Nhà nước, doanh nghiệp thẩm định giá, việc xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc quyền định giá của Nhà nước…

Đáng chú ý, về biện pháp bình ổn giá, Ủy ban đề nghị nên quy định theo hướng đảm bảo công bằng khi triển khai thực hiện; bổ sung biện pháp kiểm soát, cơ chế xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện; có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá.

Về tiêu chí xác định và danh mục hàng hóa bình ổn, Ủy ban đề nghị, cùng với việc xác định tiêu chí cụ thể hơn nữa, cần quy định kèm theo mỗi tiêu chí là loại hàng hóa tương ứng thuộc diện bình ổn giá. Cụ thể là các nhóm sau: (1) Là nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống: xăng, dầu, điện, khí hóa lỏng; (2) Là sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp: phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; (3) Là lương thực, thực phẩm thiết yếu: Gạo, thịt, sữa; (4) Là đồ dùng học tập phổ biến: Sách giáo khoa, vở viết; (5) Là thuốc thiết yếu chữa bệnh cho người, vật nuôi: thuốc phòng, chữa bệnh thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định; (6) Giá dịch vụ giao thông phổ biến: Vé tàu, vé xe buýt, vé máy bay.

Ủy ban cũng đề nghị xác định lại các tiêu chí hàng hóa thuộc quyền quyết định giá của Nhà nước cho hợp lý, kèm theo mỗi tiêu chí là loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng. Ủy ban đề nghị, danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá gồm: Tài nguyên quan trọng (đất đai, mặt nước và các tài nguyên quan trọng khác); Tài sản Nhà nước được bán, cho thuê không qua hình thức đấu thầu, đấu giá (hàng hóa dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước); Hàng hóa dịch vụ Nhà nước độc quyền (điện, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng máy bay tuyến đường chuẩn trong nước, một số dịch vụ bưu chính, viễn thông); Hàng hóa dịch vụ quan trọng đối với quốc kế dân sinh (Nước sạch cho sinh hoạt, vận chuyển hành khách bằng tàu hỏa, xe buýt, một số loại thuốc thiết yếu phòng và chữa bệnh cho người). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bãi bỏ việc trợ giá nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.