Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 7: Từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông

Tuấn Lương| 18/04/2017 06:33

(HNM) - Năm năm qua, giao thông Thủ đô có những bước phát triển vượt bậc, với hàng loạt công trình trọng điểm được đưa vào khai thác, góp phần hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông khung.


Những thành quả to lớn

Nghị quyết số 11/NQ-TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020" và Luật Thủ đô đã thực sự trở thành động lực quan trọng nhằm từng bước hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông khung cho Thủ đô, theo hướng ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Xe buýt nhanh BRT đã góp phần hình thành thói quen đi lại mới, văn minh, hiện đại. Ảnh: Anh Tuấn


Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, những năm qua, TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương, đầu tư phát triển các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; các tuyến đường, trục chính đô thị... Nhiều công trình, dự án hiện đại đã góp phần nâng tầm vóc của Thủ đô, như: Nhà ga quốc tế T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đường Nhật Tân - Nội Bài, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy... Bên cạnh đó, dự án xe buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa, tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội, chỉ sau hơn 3 tháng khai thác đã khẳng định tính cấp thiết và vai trò quan trọng của loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, tuyến BRT ngày càng được người dân Thủ đô ủng hộ, góp phần hình thành thói quen đi lại mới, văn minh, hiện đại. Dù chỉ là bước đầu, nhưng những tín hiệu tích cực từ tuyến BRT này sẽ là kinh nghiệm quan trọng để thành phố tiếp tục phát triển các dự án BRT theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Về vận tải hành khách công cộng, thành phố cũng đang tích cực phối hợp với Bộ GT-VT đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự kiến khai thác vào đầu năm 2018; đồng thời tập trung thi công tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị khác.

Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học... TP Hà Nội đã cùng các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ GT-VT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các địa phương liên quan, tập trung hoàn thành các dự án giao thông có tính chất liên vùng, liên tỉnh, như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, cải tạo và nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...

Cần cơ chế đặc thù tạo "đòn bẩy" phát triển

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hạ tầng giao thông Hà Nội vẫn còn những mặt tồn tại đòi hỏi tiếp tục phải có giải pháp quyết liệt và mang tính đặc thù để hướng tới việc hoàn thiện mạng lưới giao thông. Đó là kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải, gây bức xúc cho nhân dân. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học. Năng lực vận tải hành khách công cộng và chất lượng dịch vụ chưa cao. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông của thành phố mới chỉ đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị, trong khi theo yêu cầu phải đạt 20 - 26%. Việc mở rộng các tuyến giao thông trong khu vực nội đô rất khó khăn, chi phí đền bù, giải tỏa tốn kém, gây sức ép lên ngân sách thành phố.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường, không gian Thủ đô Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính tăng 3 lần, nhưng 5 năm qua, sự phát triển về hạ tầng chưa tương xứng. Do đó, cần có sự đột phá về nguồn vốn phục vụ cho cải tạo không gian đô thị, nhất là lĩnh vực giao thông, với các giải pháp cụ thể, khoa học.

Để khắc phục những “điểm nghẽn” nói trên, giai đoạn từ nay đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị; phát triển giao thông công cộng; xây dựng lộ trình từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân sau năm 2020 nhằm giảm ùn tắc giao thông. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội; triển khai tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và nghiên cứu, kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại. Cơ bản hoàn thành các tuyến đường vành đai: 1; 2; 2,5; 3 và 3,5. Triển khai các đoạn đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội. Nâng cấp mở rộng các trục chính hướng tâm. Tiếp tục hiện đại hóa hệ thống quản lý giao thông và mạng lưới giao thông tĩnh. Quy hoạch, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ngoại thành để di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và bệnh viện theo quy hoạch.

Mục tiêu rất lớn, trong khi nguồn lực có hạn, cơ chế chính sách còn không ít vướng mắc, nên ngoài quyết tâm của thành phố và các sở, ngành, địa phương, Hà Nội rất cần sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ, với các cơ chế đặc thù, để giao thông Thủ đô ngày càng hoàn thiện và đi trước một bước. Theo đó, với các dự án lớn do Trung ương giao TP Hà Nội làm chủ đầu tư, thành phố đề nghị được hỗ trợ vốn từ nguồn ODA và trái phiếu chính phủ, để đẩy nhanh tiến độ một số công trình quan trọng, như các tuyến đường sắt đô thị, cầu qua sông Hồng, một số tuyến đường vành đai và trục giao thông xuyên tâm lớn...

Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề cho phép thành phố được chủ động lựa chọn nhà đầu tư ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết để việc triển khai dự án bảo đảm nhất quán, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ. Đối với các dự án đầu tư công nhóm A vốn ngân sách thành phố, để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phân cấp, ủy quyền cho thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư. Với các dự án có sử dụng đất, nhất là các dự án quy mô diện tích và vốn đầu tư lớn, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phân cấp cho UBND TP Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc chủ động xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 7: Từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.