(HNM) - Thực hiện phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân đô thị, đồng thời nâng cao mức sống người dân khu vực ngoại thành, hiện đại hóa nông thôn Thủ đô… là những nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính.
Trước yêu cầu ngày càng cao của công việc, khối lượng vấn đề cần giải quyết ngày càng lớn đòi hỏi phải nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của bộ máy lãnh đạo các cấp để đáp ứng tình hình thực tế.
Người dân xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt |
Giảm chồng chéo
Thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính, quỹ đất dồi dào, nguồn lao động phong phú là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội thực hiện CNH-HĐH Thủ đô. Tuy nhiên, tỷ trọng nông nghiệp của Hà Nội tăng cao, số hộ nghèo còn lớn, cơ sở vật chất về giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện ở khu vực nông thôn vừa thiếu, vừa yếu… Do đó, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đã lựa chọn những vấn đề trọng tâm để tập trung chỉ đạo.
Việc đầu tiên là thống nhất cơ chế, chính sách của 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội cũ, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình) để phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thủ đô trong tình hình mới. 1.482 văn bản quy phạm (trong đó Hà Nội có 1.304, Hà Tây có 178) đã được rà soát. Qua đó, thành phố đã ban hành 203 văn bản quy phạm pháp luật tạo sự thống nhất trong thực hiện, tiếp đến là ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho "tam nông". Có những địa bàn nông thôn mức đầu tư trong 5 năm qua gấp 10 - 30 lần so với mấy chục năm trước. Sự quan tâm của thành phố đã tạo "cú hích" thay đổi tư duy của người nông dân. Người dân ngoại thành đã tự nguyện đóng góp nhân lực, vật lực trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng (trong tổng số 9.965 tỷ đồng đã đầu tư), thể hiện vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Trong 5 năm, nhiều chính sách đã được thành phố ban hành tạo "cần câu" thay vì cho "con cá" để người nông dân tự vươn lên. Điển hình là chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn 2012-2016. Trong đó, người nông dân đánh giá rất cao chủ trương hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hỗ trợ kinh phí dồn ô đổi thửa, góp phần cải tiến phương thức sản xuất, nâng mức thu nhập của khu vực nông thôn lên 1,98 triệu đồng/người/tháng (năm 2012).
Trước quy mô dân số, đơn vị hành chính đều tăng, giải pháp tối ưu của Hà Nội là tăng cường phân cấp, tăng tính chủ động cho cấp dưới trong giải quyết công việc, là tạo sự thống nhất, giảm chồng chéo trong quản lý, có tác dụng tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Ví dụ, tại Chương Mỹ, được thành phố phân cấp quản lý công tác quản lý đầu tư (trước đây thẩm quyền của huyện chỉ phê duyệt dự án dưới 5 tỷ đồng, nay tối đa là dưới 50 tỷ đồng), huyện hoàn toàn chủ động khảo sát tình hình, xác định các hạng mục, công trình đầu tư cấp thiết, khắc phục cơ chế "xin - cho". Trong 5 năm, huyện Chương Mỹ đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn hơn 474 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và hơn 456 tỷ đồng phát triển văn hóa - xã hội, bộ mặt nông thôn đổi mới, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Hay tại huyện Phú Xuyên, phân cấp quản lý về ngân sách là động lực thúc đẩy huyện tích cực hơn trong việc tăng thu. Nhờ đó, thu ngân sách năm 2012 tăng 80 lần so với 2007. Sự chủ động trong quản lý các lĩnh vực theo phân cấp của thành phố còn giúp các quận, huyện xác lập tính kế hoạch, tính mục tiêu trong thực hiện công tác đầu tư, xây dựng cơ bản nói riêng và hoạch định chính sách phát triển địa phương nói chung nhằm bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.
Lấy hiệu quả làm thước đo
Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ Mai Ngọc Thích cho biết, sự thay đổi tư duy của cán bộ thể hiện ngay trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra đôn đốc. Nếu như trước đây, chỉnh trang đô thị chỉ đơn giản là quét vôi ve, vẽ khẩu hiệu thì nay phải làm việc lớn hơn là cải tạo hạ tầng, hệ thống chiếu sáng, cây xanh... Còn theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu, vượt qua khỏi bỡ ngỡ ban đầu, đảng bộ, chính quyền huyện đã thực hiện quá trình tự đổi mới, rõ nhất là đổi mới phương pháp nhận xét, đánh giá cán bộ. Thay vì "tự đánh giá, nhận xét, xếp loại", nay mở rộng đối tượng tham gia đánh giá: Cấp xã trực tiếp cho ý kiến nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện; các xã cũng được quyền "đánh giá chéo".
Ngoài yêu cầu "tự đổi mới" của cấp cơ sở, chủ trương luân chuyển trên 130 lượt cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý về làm bí thư, phó bí thư; giới thiệu để HĐND bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã đã thổi luồng gió mới cho địa phương. Số cán bộ này bằng kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành ở tầm vĩ mô (cấp thành phố) khi về địa phương đã hỗ trợ đắc lực cho cấp ủy, chính quyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, xây dựng đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy nội lực, dưới sự chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã lựa chọn những khâu, những việc trọng điểm, cần kíp, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tạo chuyển biến trên các lĩnh vực. Tiêu biểu là tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai đã được kiềm chế. Các huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu dồn ô đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Trước công việc, các cấp có trách nhiệm cũng tỏ rõ thái độ cầu thị, lắng nghe dư luận xã hội, cân nhắc thận trọng cách thức xử lý các vấn đề nhạy cảm, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của cộng đồng.
Một phong cách làm việc, một phong cách lãnh đạo mới đang ngày càng định hình rõ nét ở Thủ đô: Lấy hiệu quả và sự đồng thuận xã hội làm thước đo, tạo nên những chuyển biến rất đáng mừng trong đời sống xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.