(HNM) - Đại hội XI của Đảng đã xác định:
5 năm qua, với tinh thần quyết liệt đổi mới, trách nhiệm cao, Đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý TP Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
1. Dấu ấn đổi mới phong cách lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ XI trước hết thể hiện qua việc lựa chọn chính xác những mục tiêu trọng điểm, những nhiệm vụ cấp bách để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bám sát các quan điểm, đường lối, cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng của Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, xây dựng chương trình làm việc toàn khóa và bổ sung kịp thời phù hợp với tình hình thực tiễn. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời, linh hoạt điều chỉnh trọng tâm chỉ đạo, điều hành theo hướng tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Nền kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển, tiềm lực kinh tế đất nước được nâng lên. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ khá, năm sau cao hơn năm trước. Lạm phát năm 2015 được kiểm soát ở mức thấp so với nhiều năm gần đây. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược đạt một số kết quả bước đầu. Giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Đời sống của nhân dân được cải thiện. Đặc biệt, trước những diễn biến mới, phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, nhất là tình hình căng thẳng trên Biển Đông, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý đúng đắn các tình huống với tầm cao trí tuệ, vừa kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội vừa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao… Những kết quả quan trọng này đã được thống nhất đánh giá và khẳng định tại Hội nghị Trung ương 13 vừa qua.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đồng thời, Nghị quyết là biểu hiện rõ nét nhất tinh thần đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã tạo động lực mới, từng bước giải quyết hàng loạt vấn đề nổi cộm, kéo dài, thậm chí gây bức xúc trong nhân dân nhiều năm qua.
2. Cán bộ là người trực tiếp tổ chức triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng nên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết phải đổi mới công tác cán bộ. Có thể nói, đây là dấu ấn đậm nét nhất, rõ ràng nhất về sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ qua. Trước hết, Đảng đổi mới quyết liệt công tác đánh giá cán bộ thông qua Nghị quyết Trung ương 4. Với 3 nhiệm vụ cấp bách và 4 nhóm giải pháp, việc đánh giá cán bộ theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 được yêu cầu nhấn mạnh hơn, quyết liệt hơn với các tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng và mang tính định lượng. Đây là cơ sở và điều kiện tiên quyết để đánh giá, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ cũng như cho việc chuẩn bị nhân sự của đại hội đảng bộ các cấp. Trung ương đã thể hiện tầm nhìn mới trong công tác cán bộ, không chỉ thông qua công tác đánh giá cán bộ mà còn thông qua quy hoạch cán bộ các cấp và quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Không lâu sau Đại hội XI, ngày 5-6-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 24-KL/TƯ về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, sau 3 năm triển khai thực hiện, công tác quy hoạch cán bộ nói chung, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng đã đi vào đời sống của Đảng như một lẽ tự nhiên. Cán bộ được quy hoạch phấn khởi, luôn nỗ lực trau dồi, rèn luyện cho xứng đáng với vị trí được quy hoạch. Cán bộ chưa được quy hoạch lấy các tiêu chuẩn cán bộ diện quy hoạch để phấn đấu. Hiện tượng so kè, đố kỵ, níu kéo, thiếu tinh thần xây dựng trong công tác quy hoạch đã không còn phổ biến. Công tác quy hoạch trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Công tác bổ nhiệm được tuân thủ nghiêm túc theo quy hoạch, hạn chế được tình trạng tùy tiện, vị thân, không đúng người, vì người bổ nhiệm chứ chưa vì công việc để chọn người phù hợp.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và yêu cầu mới đối với công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược; và cùng với việc triển khai công tác quy hoạch, Đảng ta đã rất chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức, phương pháp giảng dạy và học tập, nội dung chương trình, Trung ương đã chỉ đạo tổ chức thành công 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp với 511 học viên, trong đó có 231 đồng chí là cán bộ cấp tỉnh, 280 đồng chí là cán bộ khối ban, bộ, ngành trung ương. 100% số học viên các lớp dự nguồn cao cấp công tác tại các địa phương đều đã được bầu vào ban thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy. 45 trong tổng số 61 đồng chí đắc cử bí thư tỉnh, thành phố lần này đều là học viên của các khóa dự nguồn cao cấp nhiệm kỳ Đại hội XI. Trung ương chủ động thực hiện luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Rút kinh nghiệm các khóa trước, công tác luân chuyển nhiệm kỳ này được chuẩn bị khá sớm, luân chuyển dựa trên quy hoạch và gắn chặt chẽ với đào tạo dự nguồn, nhất là đối với các đồng chí quy hoạch cấp chiến lược. 54 cán bộ diện quy hoạch cấp chiến lược từ các cơ quan trung ương về địa phương đã phát huy được năng lực, sở trường công tác, đa số trúng cử cấp ủy, tham gia ban thường vụ và lãnh đạo chủ chốt của các địa phương. 6 cán bộ luân chuyển thuộc diện Trung ương quản lý đã đắc cử bí thư tỉnh ủy, chức danh cao hơn chức danh trước khi luân chuyển. Đặc biệt, chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TƯ và Quy chế bầu cử trong Đảng. Đây là hai văn bản thể hiện tinh thần đổi mới quyết liệt của Đảng, là những nhân tố quyết định thành công của đại hội đảng bộ các cấp vừa qua.
3. Tinh thần và quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với công tác cán bộ của Trung ương đã lan tỏa, thấm sâu vào hoạt động của các cấp ủy đảng trong nhiệm kỳ 2010-2015. Tại Hà Nội, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, trong bối cảnh công việc đặt ra rất nhiều, nhiều việc lớn, việc khó, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, thành phố đã chọn những việc quan trọng, cấp thiết nhất để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thành ủy đã ban hành 9 chương trình công tác toàn khóa. Mỗi năm thành phố chọn một chủ đề, hai năm 2014, 2015 chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị". Cùng với lựa chọn công việc đúng và trúng, thành phố đã tập trung đổi mới cách thức thực hiện trên tinh thần kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả. Nhờ đó, nhiều lĩnh vực quan trọng, vốn là những vấn đề nóng, bức xúc hoặc yếu kém đã có những chuyển biến tích cực. Đảng bộ Thủ đô đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Đại hội XV đề ra, đặc biệt là tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội XVI mở ra giai đoạn phát triển mới của Thủ đô.
Những kết quả tích cực trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhiệm kỳ qua không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước, mà còn là tiền đề để Đảng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.