5 năm qua, nông nghiệp, nông thôn Hà Nội có những bước phát triển toàn diện, từ một nền sản xuất nhỏ lẻ đã và đang hình thành những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Phát triển nền nông nghiệp hiện đại gắn với đô thị sinh thái, bền vững là mục tiêu của Hà Nội.
Bưởi Quế Dương (huyện Hoài Đức) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và Nhãn hiệu hàng hóa nên được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: Bá Hoạt |
Những cánh đồng tiền tỷ
Nông nghiệp Hà Nội đã thực sự có những bước đột phá: Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; năng suất cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản tăng cao. Đặc biệt, với việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện quy hoạch, đến nay trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn như vùng cam Canh, bưởi Diễn ở Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng; vùng trồng rau an toàn ở Thường Tín, Đông Anh; vùng chăn nuôi bò tập trung ở Ba Vì, Gia Lâm; vùng chăn nuôi gia cầm ở Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai; vùng chăn nuôi lợn ở Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa; vùng nuôi trồng thủy sản ở Thanh Trì, Ứng Hòa… Đặc biệt, những vùng sản xuất hoa, cây cảnh ở các huyện Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức… cho giá trị từ 2-3 tỷ đồng/ha; vùng chăn nuôi lợn rừng ở Phúc Thọ, Thạch Thất cho thu nhập 10-15 tỷ đồng/năm…
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hiến, là địa phương không còn nhiều diện tích đất nông nghiệp, nhưng trong quy hoạch phát triển của huyện, ở các vùng đất bãi sẽ trở thành vùng trồng rau và cây ăn quả giá trị cao. Do đó, cùng với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, sau dồn điền, đổi thửa, toàn huyện đã triển khai được 639ha trồng rau, hoa, cây ăn quả ở các xã Song Phương, Đông La, Tiền Yên, Vân Côn, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở… cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha canh tác như mô hình trồng nhãn chín muộn quy mô 97ha, rau an toàn 71ha, cây phật thủ 95ha, bưởi đường Quế Dương và La Tinh 40ha...
Ông Nguyễn Đình Dần - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, là huyện còn khó khăn của thành phố, người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, Ba Vì đã thực hiện quy hoạch và hình thành nhiều mô hình cánh đồng lớn như: Trồng lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao ở các xã Đồng Thái, Tản Hồng; trồng chuối tiêu hồng ở Thuần Mỹ, khoai lang ở Đồng Thái, thanh long ruột đỏ ở Cẩm Lĩnh, nhãn chín muộn ở Phú Sơn, chè an toàn ở Ba Trại... Đặc biệt, Ba Vì là vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm của thành phố với 8.000 con, tập trung ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài; nuôi lợn hướng nạc ở các xã Thụy An, Cẩm Lĩnh, Vật Lại; nuôi gà thả vườn ở xã Thụy An, Cẩm Lĩnh; nuôi cá tầm ở xã Khánh Thượng, cá lăng ở xã Đồng Thái cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Đây thực sự là bước ngoặt lớn của Ba Vì trong việc tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từng bước cải thiện đời sống người dân.
Ba Vì là vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm của thành phố, mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Thái Hiền |
Phát triển theo quy hoạch
Thành phố đã có quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, định hướng 2030. Đây được coi là "chìa khóa" để các huyện tiếp tục hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, nhằm mang lại sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần phải tập trung vào phát triển những loại cây, con có lợi thế của các địa phương, đồng thời thực hiện theo quy hoạch, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, cung vượt cầu, ảnh hưởng tới giá trị sản phẩm. Theo đó, các địa phương cần chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, từ lúa sang rau, hoa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn 2010-2020 dự kiến chuyển đổi khoảng 4.000-5.000ha đất lúa vùng thấp trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung; chuyển 650ha trồng lúa khó khăn về nước tưới sang trồng cây lâu năm; chuyển 1.010ha đất lúa sang đất trồng cây hằng năm như rau màu, cỏ chăn nuôi; chuyển đổi khoảng 1.000ha hiện đang trồng sắn và đất trồng màu khu vực vùng bãi sang trồng cây ăn quả...
Để giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm, Hà Nội sẽ phải đầu tư nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, ưu tiên đầu tư vào việc dự báo thị trường, tổ chức và khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác. Đồng thời, tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối với đơn vị sản xuất, chế biến trong tiêu thụ nông sản; tổ chức các hội chợ hàng nông sản cấp vùng và cấp miền; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá nông sản Hà Nội trên các phương tiện truyền thông để nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.