Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Sẽ không lỡ hẹn ngày Đại lễ

Nhóm PV Kinh tế| 09/06/2010 07:13

(HNM) - Cùng với các dự án xây dựng cầu, đường tạo sức bật cho Thủ đô ngày càng phát triển, hàng loạt công trình như Bảo tàng Hà Nội, Công viên Hòa Bình, cải tạo hồ Bảy Mẫu, cải tạo các rạp hát, chiếu phim… cũng đang được tập trung thi công...

Bài 2: Chạy nước rút đón Đại lễ

Công viên Hòa Bình đang dần hoàn thiện. Ảnh: Đàm Duy


Công viên Hòa Bình: Biểu tượng của Thành phố vì hòa bình
Nhằm xây dựng và tôn vinh giá trị hòa bình là biểu tượng của Hà Nội, góp phần làm đẹp Thủ đô hướng tới Đại lễ ngàn năm, TP đang gấp rút triển khai dự án xây dựng Công viên Hòa Bình tại xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm). Trong tương lai không xa, khu đất rộng 20ha này sẽ trở thành công viên văn hóa với hệ thống tượng đài hoàn chỉnh, đồng bộ về cảnh quan môi trường, tạo thành điểm vui chơi, giải trí và tham quan hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Công trình được khởi công từ cuối tháng 2-2009. Cho đến thời điểm này gói thầu số 3 đã hoàn thành việc san nền, kè hồ, trồng cây xanh tạo bóng mát, gói thầu số 5 đang xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, giao thông như: thảm tuyến đường số 1, hệ thống thoát nước… Những gói thầu khác gồm các công trình kiến trúc trong công viên, thiết bị trò chơi 4D và hệ thống nhạc nước đang làm thủ tục đấu thầu.

Trong một lần kiểm tra thực địa dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đặc biệt lưu ý, nơi đây phải là một công viên "mở". Các hạng mục, công trình trong công viên phải được thiết kế, quy hoạch sao cho nêu bật được ý nghĩa biểu tượng Hòa Bình như tên gọi của công viên. Dự án phải bảo đảm tính thống nhất, hài hòa trên nguyên tắc giảm bớt bê tông hóa và tăng độ đậm đặc cây xanh. Không gian trọng tâm của công viên là quảng trường và tượng đài với các công trình kiến trúc xung quanh đa dạng, phong phú. Khu vực sân khấu ngoài trời được quy hoạch, thiết kế phù hợp trong tổng thể dự án và đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị, lễ hội lớn.

Bảo tàng Hà Nội: Nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm"

Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình văn hóa trọng điểm chào mừng Đại lễ. Ngay từ ban đầu, UBND TP đã đặt mục tiêu xây dựng một bảo tàng hiện đại là nơi lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể phản ánh quá trình tồn tại và phát triển của Thủ đô; là trung tâm khoa học văn hóa giáo dục của Thủ đô, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, lòng tự tôn dân tộc.

Bảo tàng Hà Nội đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Đàm Duy


Đại diện Ban QLDA Bảo tàng Hà Nội cho biết: Dự án vẫn đang bám sát yêu cầu tiến độ đề ra và quan trọng hơn là đáp ứng được mục tiêu xây dựng nói trên. Sau hơn 23 tháng triển khai thi công, đến nay, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã hoàn thành các hạng mục hoàn thiện như ốp lát đá, hệ thống mặt dựng nhôm kính, lớp mái, nội thất… và phần thi công sân vườn, cảnh quan (cây xanh, đường dạo, quảng trường, bãi đỗ xe, hồ nước…) của dự án.

Để công tác quản lý, vận hành, khai thác Bảo tàng Hà Nội được khoa học, văn minh, chu đáo, UBND TP đã giao Sở Xây dựng khẩn trương triển khai thực hiện gói thầu Trưng bày hiện vật, cổ vật phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại tầng 1 và tầng 2; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng, trưng bày tại tầng 3 và tầng 4… Sau khi nghe đơn vị tư vấn là Công ty Story Inc (New Zealand) đề xuất ý tưởng thiết kế tổng thể nội dung trưng bày, TP cơ bản thống nhất với phương án bảo tàng được trưng bày theo hình vòng xoáy; ở vị trí trung tâm là hình tượng con rồng, xoay quanh đó là các chủ đề về con người, địa danh, vật thể và sự kiện…

Đến nay, có thể khẳng định, đây là một trong những công trình đáp ứng tốt nhất về mặt tiến độ, dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 5-10, đúng dịp diễn ra các hoạt động chính của Đại lễ.

Dự án cải tạo hồ Bảy Mẫu vào chặng "nước rút"

Toàn bộ diện tích hơn 22,3ha lòng hồ trở thành một đại công trường với các loại máy móc, công nhân đang tích cực làm việc. Dự án không chỉ phục vụ cải thiện môi trường, thoát nước của TP mà còn có ý nghĩa quan trọng, là công trình chào mừng Đại lễ. Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), đơn vị thi công dự án cho biết: UDIC đã hoàn thành 3,1km kè đường xung quanh hồ và 2 đảo. Việc đào, vận chuyển bùn đất ra khỏi công trình đang thực hiện rất khẩn trương; vận chuyển được 360.000m3 (đạt 90% khối lượng), còn lại khoảng 40.000m3 bùn đất nạo vét hồ và bốc khoảng 40.000m3 đất đường công vụ. Nhà thầu cam kết bàn giao công trình trước ngày 15-8.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Sẽ không lỡ hẹn ngày Đại lễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.