Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Nhận diện những thách thức

Nhóm phóng viên| 21/11/2021 06:20

(HNM) - Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa con người, vừa tiếp thu các giá trị tiến bộ, tinh hoa của nhân loại, vừa bảo vệ, giữ gìn được bản sắc dân tộc. Nhận diện rõ những thách thức là yêu cầu căn bản, giúp xây dựng các giải pháp thích hợp để tận dụng thời cơ, hóa giải mâu thuẫn, thúc đẩy văn hóa phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình) cần tiếp tục được đầu tư để phát huy hơn nữa giá trị di sản. Ảnh: Trọng Hiếu

Đầu tư cho văn hóa chưa nhiều…

Thực tế chứng minh, sự kết hợp những giá trị truyền thống với tinh hoa văn hóa nhân loại đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống văn hóa. Những hạn chế như đã nêu trong kỳ trước bên cạnh do những tác động khách quan, thì cũng có phần lớn nguyên nhân chủ quan.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Bính, chúng ta chưa dự tính và dự báo được tính chất phức tạp của đời sống tinh thần xã hội khi bước vào toàn cầu hóa, những nguy cơ xâm nhập văn hóa xấu đến đời sống tinh thần, thậm chí là nguy cơ xâm lăng về văn hóa. “Bởi vậy, khi triển khai những tư tưởng mới, thiếu những biện pháp cụ thể, những chế tài, quy định pháp luật, để làm cho tư tưởng mới về văn hóa được triển khai sâu rộng trong đời sống”, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Bính nói.

Mặt khác, có thể thấy rõ, những tư tưởng lớn về văn hóa đã được Đảng ta đưa thành nghị quyết trong các kỳ đại hội rất đầy đủ, song để triển khai sâu rộng những tư tưởng đó vào đời sống vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Nhiều cán bộ, đảng viên chưa thật sự hiểu về tầm quan trọng của việc xây dựng “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đặc biệt là xây dựng “Văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”... Nhận thức về xây dựng, phát triển văn hóa có xu hướng bị hiểu sai, coi đây là trách nhiệm của riêng ngành Văn hóa, hoặc coi hoạt động văn hóa là “thứ yếu” so với kinh tế…, vì thế không chú ý lãnh đạo một cách tương xứng, nên thực hiện thiếu hiệu quả.

Còn theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Việt Nam được xem là một cường quốc về di sản văn hóa ở Đông Nam Á, song nguồn đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn hạn chế, nhất là hạng mục di tích...

Được xác định là một trong những chiến lược phát triển của đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân, khẳng định bản sắc văn hóa, sức hấp dẫn của quốc gia, song lĩnh vực công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều rào cản và các mô hình đầu tư chưa thực sự phù hợp. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, các cơ chế thích hợp cho sự thành công của công nghiệp văn hóa chưa được vận hành; thiếu sự hợp tác hiệu quả trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực văn hóa...

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Phan Đình Tân thông tin, nhiều đề án, nhiệm vụ triển khai thực hiện nghị quyết về văn hóa, văn học, nghệ thuật không được thực hiện, hoặc xin rút, do thiếu các điều kiện triển khai... 

“Sức đề kháng” về văn hóa chưa đủ mạnh

“Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách” là tư tưởng xuyên suốt trong chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Qua nhiều kỳ Đại hội, Đảng ta vẫn nhất quán quan điểm, coi văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển xã hội, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, đôi lúc, ở một số nơi, vẫn còn hiện tượng các cấp chính quyền chưa thấm nhuần sâu sắc, chưa xem trọng việc phát triển văn hóa, chưa quan tâm đến công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức quần chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ; lực lượng cán bộ văn hóa, nhất là ở cơ sở còn thiếu và yếu, phải kiêm nhiệm nhiều mảng việc... Điều này dẫn đến “sức đề kháng” về văn hóa chưa đủ mạnh; các giá trị truyền thống đang phải chịu sự va đập rất mạnh của các yếu tố ngoại lai, của mặt trái kinh tế thị trường…

Theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Nguyễn Viết Chức, từ lâu chúng ta chưa đặt đúng tầm mức việc xây dựng một hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam, đáp ứng tình hình mới. 

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chỉ ra những trở ngại, thách thức trong nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Việc giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại có mặt còn hạn chế.

Từ đánh giá này, chúng ta thấy, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa, đời sống văn hóa cần được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành nghiêm túc phân tích với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ những hạn chế, khuyết điểm; xác định cho được các giải pháp trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nhận diện những thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.