Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 21: Tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Hồng Sơn| 18/10/2015 06:34

(HNM) - Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm kinh tế hàng đầu của đất nước, trực tiếp lan tỏa và dẫn dắt các hoạt động kinh tế của khu vực phía Bắc.



Nhiều năm qua, Hà Nội thường xuyên đạt mức tăng trưởng GDP cao gấp 1,5-1,6 lần so với mức chung của cả nước. Động lực quan trọng, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là việc thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng mức vốn đầu tư cho phát triển của Hà Nội trong 5 năm gần đây (2010-2015) cao gấp đôi giai đoạn trước, được đánh giá là "điểm trũng" của dòng chảy nguồn lực trên phạm vi toàn quốc.

Khu công nghiệp Sài Đồng B thu hút khá mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Huy Hùng


Hà Nội là một trong số ít địa phương đi đầu cả nước trong việc mở cửa, chủ động đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Những dự án xuất hiện sớm, từ khoảng năm 1988-1990, đã chứng minh cho vị thế của một đô thị giàu tiềm năng về lao động, trong đó có lực lượng lao động trí tuệ, chất lượng cao. Thêm nữa, Hà Nội có chính sách cởi mở và năng lực quản lý tốt lại ở vị trí trung tâm Đồng bằng Bắc bộ , có sự đồng bộ về hệ thống kết cấu hạ tầng, đa dạng về các loại hình giao thông. Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố về kết quả thu hút ĐTNN, thông qua 24 tỷ USD vốn đăng ký với sự góp mặt của dự án thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng, như bất động sản, khách sạn, văn phòng; điện tử - bán dẫn, logistic, thiết bị quang học, cơ khí chế tạo… Riêng 9 tháng đầu năm nay, Hà Nội thu hút thêm 618 triệu USD vốn ĐTNN. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng là địa phương thuộc nhóm dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp (DN) dân doanh đang hoạt động, với hơn 100 nghìn DN, chiếm khoảng 20% tổng số DN đã đăng ký trên toàn quốc. Đây có thể nhìn nhận là một đặc điểm nổi bật, thể hiện tầm vóc, sức mạnh nguồn nội lực trên địa bàn. Nguồn lực to lớn này có thể huy động, phát huy nhằm đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH Thủ đô.

Tuy nhiên, sẽ là bất cập nếu sẵn có các nguồn đầu tư nhưng vốn không được "thổi" vào các dự án cụ thể để từ đó làm ra của cải, vật chất cho xã hội. Hiểu và xác định điều đó như một nhu cầu tự thân trong công cuộc phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, nhiều năm qua chính quyền thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng DN trên những chặng đường hội nhập đầy thách thức. Cụ thể, lãnh đạo TP Hà Nội thường xuyên gặp gỡ, đối thoại cùng DN (với tần suất ngày càng cao) thể hiện tinh thần chủ động, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Vướng mắc về cơ chế, quy định và nhiều tồn tại đã được nhận diện, tháo gỡ được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Thành phố đặt quyết tâm nâng cao sức cạnh tranh và coi việc tạo điều kiện, hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và không có điểm dừng. Trong đó, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh, cải cách hành chính được xác định là mục tiêu và ưu tiên.

Đặc biệt, việc Hà Nội đã chủ động thực hiện rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày trước 6 tháng theo quy định của Luật Doanh nghiệp đã được cộng đồng DN đánh giá cao. Số DN đăng ký thành lập mới trong 9 tháng qua tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 14.142 DN được cấp mới... là minh chứng cho môi trường kinh doanh của Hà Nội, từ đó tạo ra niềm tin kinh doanh cho DN.

Những kết quả nêu trên được nhân lên trong bối cảnh Hà Nội được đánh giá, công nhận đã tăng 2 bậc về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2014 so với năm 2013 (đạt 58 điểm). Từ đó, Hà Nội vươn lên đứng trong số 3 địa phương có chỉ số CCHC cao nhất toàn quốc. Lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, công tác quản lý nói chung và hỗ trợ DN nói riêng cần được lồng ghép vào từng nhiệm vụ cụ thể, từ các cấp, ngành, cơ quan đến mỗi cá nhân cán bộ để cộng hưởng thành sức mạnh tổng hợp. Trên cơ sở đó khơi thông các nguồn lực, phối hợp giữa nội lực và ngoại lực để làm tốt nhiệm vụ thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 21: Tạo nguồn lực phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.