(HNMO) - Trong khi việc cấp nước được cải thiện đáng kể nhờ chủ trương xã hội hóa đầu tư, thì giá bán nước sạch vẫn được thành phố Hà Nội giữ nguyên 10 năm nay.
10 năm, giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất nước sạch đều đã tăng, do đó, việc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch khiến việc thu hút nhà đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước gặp nhiều khó khăn. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2025, nếu tiến độ đầu tư các dự án nguồn cấp nước không bảo đảm theo kế hoạch, thành phố có thể lại đối mặt với thiếu nước sinh hoạt.
Khi giá nước không được điều chỉnh...
Hiện, giá bán nước sạch tại Hà Nội đang được áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Theo đó, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) là 5.973 đồng/m3; từ trên 10 đến 20m3 là 7.052 đồng/m3; từ trên 20 đến 30m3 là 8.669 đồng/m3; từ trên 30m3 là 15.929 đồng/m3.
Tuy nhiên, theo Sở Tài chính Hà Nội, 10 năm qua, giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất nước sạch đã tăng nên giá bán nước sạch đến thời điểm này cơ bản không đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, chi phí cấu thành giá bán nước sinh hoạt gồm: Nguyên, vật liệu (hóa chất xử lý, điện); nhân công (tiền lương, bảo hiểm xã hội, ăn ca); chi phí sản xuất chung (khấu hao tài sản cố định, chi phí xét nghiệm nước); chi phí quản lý doanh nghiệp (tiền cấp quyền khai thác nước, thuế tài nguyên, chi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp); chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí an toàn cấp nước...
“10 năm qua, tiền lương tối thiểu vùng tăng từ 2.350.000 đồng/tháng (năm 2013) lên 4.680.000 đồng/tháng, bằng 199,4%; lương cơ sở tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng (bằng 129,56%) và từ tháng 7-2023 lên 1.800.000 đồng/tháng. Giá điện bình quân từ 1.437 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh (tăng 129,7%). Thuế tài nguyên khai thác nước ngầm tăng từ 3% (năm 2013) lên 5% (năm 2016) và từ năm 2017, Chính phủ bổ sung thuế khai thác tài nguyên nước”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng cho biết.
Với các nhà máy nước mặt đang vận hành, do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, lãi vay còn cao nên việc áp giá bán nước thấp khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong vận hành, cũng như đàm phán vay vốn để mở rộng, nâng công suất. Đối với các nhà máy nước theo quy hoạch nhưng chưa đầu tư, nhà đầu tư gặp khó khăn khi huy động vốn.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã kêu gọi, thu hút được 23 nhà đầu tư tham gia triển khai 39 dự án cấp nước. Các doanh nghiệp triển khai dự án trong giai đoạn này đang chịu nhiều áp lực về chi phí vốn, lãi vay... Với giá bán nước hiện hành, chỉ đáp ứng được chi phí thiết yếu để vận hành nhà máy, chưa thu hồi được vốn đầu tư. Nếu giá bán nước không được điều chỉnh kịp thời, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản do không có khả năng trả lãi vay và nợ gốc cho ngân hàng.
Nhà đầu tư không còn động lực
Giá bán nước sạch thấp cũng đang gây khó khăn lớn đến đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước khu vực nông thôn. Thực tế, sau vài năm có sự tăng trưởng mạnh, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đang nhích từng chút một (từ 78% năm 2020 lên 85%, tính đến quý I-2023). Động lực của các nhà đầu tư đã giảm nhiều khi chi phí đầu tư cho dự án cấp nước nông thôn lớn, phạm vi trải dài, mật độ dân cư lại thưa; có nhiều xã, suất đầu tư lên hơn 35 triệu đồng/hộ, nhưng tỷ lệ đấu nối, sử dụng lại thấp.
Ông Phạm Đình Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội - đơn vị triển khai dự án hệ thống cấp nước sạch cho 14 xã, 1 thị trấn của huyện Hoài Đức cho hay, công ty đang chịu lỗ do chi phí đầu tư dự án lớn, tỷ lệ người dân sử dụng nước chưa nhiều. Sản lượng nước tiêu thụ thấp dẫn tới chi phí phân bổ cho 1m3 nước sạch rất lớn, trung bình khoảng 13.780 đồng/m3, trong khi giá bán nước sạch của thành phố còn thấp.
Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du, trong số các dự án đã được kêu gọi đầu tư, nhiều dự án đang chậm tiến độ, như: Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2, Nhà máy nước mặt sông Hồng; dự án cấp nước cho 8 xã của huyện Đan Phượng, 4 xã của huyện Ba Vì, 4 xã của huyện Chương Mỹ. Ngoài ra, khu vực 105 xã trên địa bàn các huyện: Phúc Thọ, Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai đến nay đã quá thời gian hoàn thành nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện dự án.
Đáng chú ý, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, tại thời điểm năm 2022, nguồn cấp nước cho thành phố đã ổn định, bảo đảm chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Dự kiến, số lượng khách hàng tại khu vực đô thị tăng 6-10%/năm (khoảng hơn 60.000 hộ). Từ năm 2025, nếu tiến độ đầu tư các dự án cấp nguồn không đúng theo kế hoạch, thành phố khó có thể bảo đảm nguồn cung về nước sinh hoạt cho người dân.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.