(HNM) - Bên cạnh những thành tựu ấn tượng sau hai năm hợp nhất, Hà Nội phải đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức. Đây là lúc đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, cùng khơi dậy tiềm năng đưa Hà Nội lên tầm cao mới, xứng đáng với vị thế là Thủ đô của một quốc gia đang bứt phá mạnh mẽ trên đà phát triển.
Hà Nội ngày càng phát triển với một diện mạo mới và hiện đại. Ảnh: Viết Thành |
Thử thách cũ, khó khăn mới
Có thể nói, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã thành công trên ba lĩnh vực cơ bản: Giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Trước hết là về dân số trên 6 triệu người trải trên quy mô gấp ba lần diện tích cũ với đa dạng các loại địa hình, có cả miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ chỗ đô thị là chủ yếu, thành phố hiện nay có trên 60% diện tích là nông nghiệp, nông thôn với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đều rất hạn chế, có sự chênh lệch cao với khu vực đô thị. Bên cạnh đó là tốc độ đô thị hóa tăng "chóng mặt" ở các vùng mới hợp nhất về Thủ đô khiến cho việc quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc vốn đã bộn bề ngày càng thêm bề bộn. Trong khi đó, bộ máy quản lý tuy đã vận hành tốt bảo đảm những nhiệm vụ cơ bản, nhưng nhìn chung vẫn cồng kềnh, năng lực quản lý của bộ máy hành chính các quận, huyện, thị xã và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều.
Dù đến nay, sự khác biệt về cơ chế, chính sách giữa các địa phương cơ bản đã được giải quyết, nhưng vẫn còn đó những vấn đề không đơn giản như về đất dịch vụ trong GPMB. Nhiều vấn đề đô thị như tổ chức nơi xử lý rác, xây dựng nghĩa trang vẫn tiếp tục là những vấn đề phức tạp đòi hỏi sự đồng thuận của đông đảo người dân. Trong khi đó, việc quản lý đất đai, xây dựng quy hoạch đặt ra cho bộ máy quản lý nhà nước thành phố những yêu cầu mới. Hà Nội cần một quy hoạch chung thống nhất trên toàn địa bàn để khắc phục tình trạng chồng chéo, thậm chí "trống" quy hoạch ở khu vực mới hợp nhất. Vấn đề đô thị cũ không những vẫn còn "nóng" mà còn mở rộng về quy mô đòi hỏi nguồn lực lớn hơn, năng lực cao hơn để giải quyết như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tóm lại, Hà Nội mới đang phải đối diện với những thử thách cũ, khó khăn mới trên quy mô rộng lớn hơn, phức tạp hơn.
Trên một tầm cao
Không ít khó khăn, thử thách nhưng Hà Nội mở rộng cũng có rất nhiều thuận lợi.
Quỹ đất mở rộng gấp hơn ba lần là điều kiện vô cùng thuận lợi cho xây dựng và phát triển đô thị lên tầm cao mới: Đạt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại về trước 5 năm so với cả nước và là Thủ đô của đất nước 100 triệu dân. Mà trước hết, thành phố có điều kiện để khắc phục những "căn bệnh" đô thị cố hữu bấy lâu nay nảy sinh vì sự mất cân đối giữa quy mô, tốc độ phát triển dân số và diện tích đất đai, nhà ở, đường giao thông… Những thuận lợi trên tạo điều kiện bảo tồn và phát triển những cấu trúc văn hóa, kiến trúc mang tính truyền thống. Mặt khác, sự hợp nhất với Hà Tây, một tỉnh có nhiều tiềm lực, với huyện Mê Linh có kinh tế phát triển mạnh nhất của tỉnh Vĩnh Phúc đã nhân lên sức mạnh kinh tế của Thủ đô. Đây là điều kiện thuận lợi lớn để Hà Nội làm tốt hơn vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.
Có thể thấy, Hà Nội giờ đây có những thuận lợi nổi bật về điều kiện tự nhiên, đất đai, kinh tế, văn hóa, con người… để thi hành những chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển mà trước khi chưa mở rộng bị "bó buộc".
Cùng với những thử thách ngày càng lớn hơn, để khai thác tốt điều kiện, tiềm năng mà Hà Nội mở rộng mang lại đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền thành phố phải nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành lên một tầm cao mới. Đây cũng là đòi hỏi đặt ra đối với từng cán bộ, đảng viên, những người được nhân dân trao gửi niềm tin, phải không ngừng tự nâng cao năng lực, trình độ để theo kịp nhiệm vụ, tăng cường hiệu quả công tác.
Bên cạnh đó, cũng cần phải đề cập đến những cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để thành phố có điều kiện thuận lợi trong quản lý và phát triển. Mong muốn này được thể hiện tập trung ở dự án Luật Thủ đô với những cơ chế đặc thù đang được Quốc hội xem xét. Tiềm năng dồi dào, năng lực, trách nhiệm bộ máy quản lý được nâng cao, cơ chế thuận lợi sẽ là những cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn trong thiên niên kỷ thứ hai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.