(HNM) - Nghịch lý các kênh dẫn vốn rất nhiều nhưng nông dân khó tiếp cận vốn vay cho thấy cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách của Nhà nước, cũng như sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngân hàng.
Tăng nguồn vốn đầu tư trực tiếp
Hiện nay, đối với Quỹ Hỗ trợ nông dân và Quỹ Khuyến nông, việc tiếp cận nguồn vốn có dễ dàng hơn, tuy nhiên mức vay còn thấp và cũng vấp phải những khó khăn trong việc định giá tài sản thế chấp. Theo bà Vũ Thị Hương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, với nguồn vốn 124 tỷ đồng, Quỹ Khuyến nông đang tập trung cho nông dân tham gia các mô hình khuyến nông vay vốn duy trì sản xuất với mức vay tối đa là 500 triệu đồng. Mặc dù, đối với các hộ sản xuất lớn thì 500 triệu đồng như "muối bỏ bể" nhưng số hộ được vay ở mức này không nhiều bởi vướng các quy định về giá đất để định giá tài sản thế chấp. Còn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân thành phố, con số 15.443 hội viên được vay vốn với mức dư nợ từ đầu năm đến nay 185 tỷ đồng cho thấy, mức vay nhỏ khó có thể giúp nông dân đầu tư lớn và mở rộng sản xuất.
Gia đình chị Xuân Thị Nhàn (xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội) vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, sản xuất nấm sò cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt |
Tại hội thảo Tín dụng ngân hàng và Quỹ hỗ trợ nông dân góp phần thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững mới đây, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN&PTNT) Việt Nam đã kiến nghị: Các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội cần xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất tập trung lúa chất lượng cao, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi tập trung; công bố quỹ đất có thể giao hoặc cho thuê, đất còn hoang hóa... có thể sử dụng để phát triển nông, lâm, ngư nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi giúp ngân hàng có điều kiện mở rộng đầu tư vào các vùng chuyển đổi.
Bên cạnh đó, bản thân các chủ doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh để điều hành doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp. Ông Phạm Xuân Hòe, Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý về tích tụ ruộng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, hợp đồng kinh tế dân sự và có chế tài xử lý vi phạm hợp đồng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng: Trong sản xuất nông nghiệp, các chương trình, dự án liên quan đến chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; phòng chống dịch bệnh, nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật rất cần thiết. Vì vậy, Nhà nước cần ưu tiên vốn cho các chương trình dự án có khả năng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, đặc biệt là các chương trình dự án thuộc chính sách khuyến khích đầu tư của thành phố, trong đó quan tâm đến việc đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp.
Thực tế hiện nay, nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, nông thôn còn rất thấp, vì vậy, thành phố cần ưu tiên vốn phục vụ lĩnh vực này từ Quỹ Đầu tư thành phố, đồng thời tăng vốn đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, nông thôn thông qua các quỹ khuyến nông, Quỹ Hội nông dân thành phố, Liên minh HTX, đặc biệt là NHCSXH. Các ngân hàng cần tăng hạn mức và kéo dài kỳ hạn cho vay vốn tín dụng để phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng loại cây, con; ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư khép kín được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và kỳ hạn trả nợ phù hợp.
Gỡ khó về cơ chế
Để tháo gỡ rào cản về thiếu tài sản thế chấp thì chính sách về đất đai cần được cởi trói, trong đó thành phố cần tạo điều kiện cho nông dân thuê đất trang trại từ 10 đến 20 năm thay vì thời hạn 5 năm như hiện nay, giúp các chủ trang trại có đủ thời gian xây dựng và phát triển, từ đó tăng giá trị tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại, ông Trần Đình Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì (tổ chức Hội đứng ra tín chấp cho nông dân vay vốn qua các tổ nhóm) đề nghị: NHNN&PTNT cần tăng cường cho vay thông qua các tổ nhóm liên kết, nâng mức cho vay và đơn giản các thủ tục để nông dân dễ tiếp cận. Đặc biệt, việc định giá tài sản đối với các trang trại cũng cần được thực hiện sát với thực tế để không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của các hộ dân.
Về phía ngân hàng, Phó Giám đốc NHNN&PTNT Chi nhánh Hà Tây Đỗ Đức Dục phân tích: “Ngân hàng cần giữ sổ đỏ làm tài sản thế chấp để nâng cao trách nhiệm của người vay vốn phải sử dụng vốn hiệu quả. Việc giữ sổ đỏ cũng là để ngăn ngừa tình trạng vay vốn chồng chéo nhiều ngân hàng để tránh rủi ro”. Vì vậy, để giải quyết khó khăn trong khâu định giá tài sản gắn liền trên đất của các trang trại và chứng minh quyền sở hữu tài sản, các bộ, ngành cần có hướng dẫn cụ thể giúp chủ trang trại sớm có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận trang trại, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho nông dân vay vốn.
Thực tế cho thấy, giải quyết vốn vay cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn còn cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Ở đâu cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại thì ở đó nông dân được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn.
Chuyển hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sẽ được tiếp cận nhiều nguồn vốn Chiều 18-12, phát biểu tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dành gói tín dụng khoảng 50-60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách cho nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng cũng cho rằng phải tổ chức lại sản xuất của các hợp tác xã, hộ cá thể, trên cơ sở đó sớm hình thành những mô hình phát triển các khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, cùng với tín dụng, cần thành lập phát triển một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp. Như vậy, nếu chuyển hướng đầu tư phát triển công nghệ cao - các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn vốn và được hưởng cơ chế ưu đãi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.