(HNM) - Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày phát động phong trào
Những người gái đảm hôm nay
Về Đan Phượng, chúng tôi được nghe nhiều về chị Nguyễn Thị Hạnh - Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng & dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh, Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp nữ huyện Đan Phượng - người đã hai lần được thành phố vinh danh "Bông hồng vàng Thủ đô", được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen "Phụ nữ xuất sắc 5 năm tiêu biểu toàn quốc 2006-2011" và nhiều thành tích khác. Giữa những bộn bề công việc của chị, chúng tôi có một chút thời gian trò chuyện cởi mở. Chị kể mình sinh ra ở xã Liên Hà, lấy chồng về ở xã Liên Trung, vất vả lắm mới xây dựng được cơ ngơi như hôm nay nhưng có đóng góp gì chị cũng muốn "chia đều" cho hai vùng quê. Công ty của chị chủ yếu kinh doanh vật liệu xây dựng, thi công hạ tầng phục vụ các dự án... Công nhân thời vụ khá đông, chủ yếu là con em trong xóm, ngoài làng và các thôn, xã lân cận. Thu nhập của người lao động ký hợp đồng với Công ty CP Xây dựng & dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh trung bình từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, chưa kể cơm trưa, tối; mọi quyền lợi khác đều được bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. |
Chị Hạnh không muốn nói nhiều về mình nhưng chị Hoàng Thị Oanh - Chủ tịch Hội LHPN Đan Phượng thì hào hứng cho biết, chị Hạnh là người phụ nữ có trái tim nhân ái. Mỗi năm, doanh nghiệp Tuấn Quỳnh đóng góp xây dựng quê hương Đan Phượng, qua công tác từ thiện nhân đạo khoảng 300 - 400 triệu đồng. Với những công trình thiết yếu của huyện như làm đường, xây dựng Đài tưởng niệm và bia liệt sĩ xã Liên Trung, chị Hạnh và gia đình đóng góp cả trăm triệu đồng. Chỉ tính riêng hai năm 2012 và 2013, gia đình chị đã đóng góp 260 triệu đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo..., rồi ứng hàng chục tỷ đồng xây dựng trường học, làn đường... Ai cũng bảo chị Hạnh dù thiếu thốn tình cảm của người cha từ nhỏ (cha chị là liệt sĩ) nhưng lại luôn san sẻ, quan tâm đến những người kém may mắn; không có việc nghĩa nào của làng, của xã mà chị Hạnh không tham gia, không có hoàn cảnh khó khăn nào chị biết mà không giang tay giúp đỡ. Hai con chị cũng theo gương cha mẹ, học hành thành đạt, một người hiện đang là Giám đốc Công ty Thiên Ân.
Những vị khách nơi xa về thôn Đoài Khê xã Đan Phượng đều tấm tắc trước quang cảnh đường ngõ trải bê tông khang trang, hệ thống thoát nước có nắp đậy, đêm đêm điện chiếu sáng trưng như các tuyến phố nội thành. Nhiều người Đoài Khê nói, có được ngày hôm nay là công sức đóng góp rất lớn của bà trưởng thôn Nguyễn Thị Thám - một gương mặt Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2013 - người đã liên tục nhiều năm được Thành ủy Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Là trưởng thôn kiêm Phó Bí thư chi bộ thôn Đoài Khê, bà Thám đã vận dụng linh hoạt những nội dung của cuộc vận động "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", tích cực tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền bạc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng giao thông. Không kể ngày đêm, bà đến từng gia đình vận động bà con tổ chức thu gom rác thải chở về nơi quy định, hàng tuần bơm nước giếng khoan thau rửa cống rãnh để bảo đảm vệ sinh chung... Bà còn tuyên truyền, vận động được hàng chục gia đình trong thôn tổ chức đám cưới, đám tang theo nếp sống văn minh, từng bước gỡ bỏ được những hủ tục lạc hậu ở vùng quê thuần nông này. "Coi việc thôn xóm như việc của chính gia đình mình", bà Nguyễn Thị Thám không chỉ khiến người dân tin Đảng, làm theo Đảng mà còn giúp nhân dân thôn Đoài Khê nâng cao chất lượng cuộc sống từ chính những việc làm cụ thể, thiết thực của mình.
Vẫn còn rất nhiều những người phụ nữ Đan Phượng khác đang từng ngày tham gia lao động sản xuất, đóng góp công sức vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động và vươn lên làm giàu hiệu quả như mô hình trang trại trồng hoa ly của gia đình chị Thỏa ở xã Song Phượng hay doanh nghiệp sản xuất hương thắp gia truyền của gia đình chị Huyền ở thị trấn Phùng thu hút hơn 50 lao động chủ yếu là nữ.
Mái ấm nghĩa tình từ những chú lợn nhựa
Trong phòng làm việc gọn gàng, xinh xắn của chị Hoàng Thị Oanh có một chú lợn nhựa màu đỏ, tôi cầm lên thấy khá đằm tay. Chị cười: Đó là những chú lợn các chị nuôi đã nhiều năm nay, phụ nữ Đan Phượng nào cũng nuôi một chú, cho ăn hằng ngày bằng tiền tiết kiệm chi tiêu. Mỗi ngày, mỗi chị chỉ tiết kiệm được một khoản nhỏ nhưng lâu dần, đông người, những chú lợn nhỏ này đã giúp các chị có một khoản tiền đủ để làm nhiều việc có ý nghĩa. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, các chị đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây, sửa 18 nhà tình nghĩa và mái ấm tình thương cho các gia đình chính sách, hội viên nghèo trị giá 260 triệu đồng; tặng 1.796 suất quà và 134 sổ tiết kiệm cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, phụ nữ và trẻ em nghèo, tặng đồ dùng học tập cho các cháu trường mầm non và trang thiết bị cho các trạm y tế trị giá 727 triệu đồng. Quả là những con số ấn tượng từ những chú lợn nhựa nhỏ bé nhưng chứa đựng cả tấm lòng của mỗi người phụ nữ Đan Phượng hướng về cộng đồng.
"Nuôi lợn nhựa tiết kiệm" dù nổi bật, thu được kết quả tốt nhưng cũng mới chỉ là một trong số hàng chục phong trào mà phụ nữ Đan Phượng đang thực hiện để nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em và gia đình. Nếu cách đây gần nửa thế kỷ, trong phong trào "Ba đảm đang" đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả của phụ nữ Đan Phượng thì hôm nay con số này tăng gấp nhiều lần; mô hình hoạt động cũng đa dạng, phong phú hơn rất nhiều. Đó là mô hình trồng lúa năng suất cao ở xã Song Phượng, mô hình trang trại trồng đu đủ, bưởi Diễn ở xã Thượng Mỗ; mô hình trồng hoa ở xã Hạ Mỗ, Đồng Tháp, Đan Phượng; mô hình chăn nuôi bò sữa xã Phương Đình; nuôi lợn siêu nạc xã Trung Châu; trồng rau an toàn ở xã Phương Đình, Thượng Mỗ... Hoạt động của các chị mở rộng trên mọi mặt của đời sống, thực hiện tốt các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước và các cấp hội phát động. Đó là các phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; "Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc"; "Phong trào phòng, chống ma túy từ gia đình"; thực hiện đề án "Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước" gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt"; cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch"; vận động hiến đất làm đường... Các phong trào thi đua của Hội LHPN huyện Đan Phượng đã kế thừa truyền thống vẻ vang của phong trào "Ba đảm đang" ngót nửa thế kỷ qua, góp phần vào thành tích Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đáng tự hào của Đan Phượng hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.