Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những dòng sông “chết”

Khánh Khoa| 16/07/2014 07:27

(HNM) - Cùng với rác thải, nước thải phát sinh từ sinh hoạt, cơ sở y tế, đặc biệt là các làng nghề chưa qua xử lý chiếm tỷ lệ lớn là nguồn gây ô nhiễm môi trường chủ yếu, bức tử các con sông, mương, ao hồ từ nội thành ra ngoại thành Hà Nội.

Thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực đáng kể trong việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện thuộc thành phố quản lý trước khi nguồn này xả ra hệ thống chung. Đến nay 37/41 bệnh viện của Hà Nội đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, 4 bệnh viện còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, qua thống kê vẫn còn 10/21 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 7/14 bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành và 7/29 bệnh viện tư nhân chưa có hệ thống xử lý nước thải. Đó là chưa kể hàng trăm trạm y tế, phòng khám, cơ sở dịch vụ y tế đang sử dụng phương pháp xử lý hóa chất khử trùng bằng cloramin B trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Các cơ sở này chiếm lượng nước thải không nhỏ trong tổng số khoảng 4.300m3 nước thải phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn mỗi ngày. Trong đó, nhiều cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Mắt trung ương, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện Da liễu trung ương, Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Quân đội 354, Viện Bỏng quốc gia, Bệnh viện Quân y 103…

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội thu gom rác thải, nạo vét bùn đất khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Ảnh: Thanh Hải



Cùng với nguồn nước thải bệnh viện tiềm ẩn nhiều ẩn họa khôn lường, theo thống kê, Hà Nội có 1.350 làng nghề, phát sinh nguồn nước thải cực lớn, lên tới 156.000m3/ngày đêm. Thế nhưng số ít các làng nghề trong đó được triển khai thí điểm mô hình xử lý nước thải riêng, nếu có cũng chỉ là dự án thí điểm nên công suất xử lý cũng rất nhỏ, chẳng hạn dự án xử lý nước thải làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) công suất chỉ khoảng 200-300m3/ngày đêm. Tại các huyện Thạch Thất, Đan Phượng, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây, nơi có nhiều làng nghề, đặc biệt là các trang trại, cơ sở chăn nuôi lớn, hầu như nước thải phát sinh chưa qua xử lý hoặc xử lý qua loa, không bảo đảm tiêu chuẩn đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, ao hồ trên địa bàn.

Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội ngoài tình trạng quá tải gây ngập úng, hệ thống thoát nước của thành phố, còn bị ô nhiễm nặng nề do phải hứng chịu trực tiếp nước thải chưa qua xử lý. Gần chục năm nay, thành phố vẫn chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải Trúc Bạch và Kim Liên. Nhà máy thứ ba, đảm nhiệm việc xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu (Công viên Thống nhất) và khu vực lân cận đang trong quá trình thi công.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại các cụm công nghiệp. Cụ thể là trong số 42 cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và đi vào hoạt động ổn định, chỉ có 7 cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung đang vận hành, chiếm tỷ lệ 16%, thấp hơn rất nhiều chỉ tiêu 50% cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải khi đi vào hoạt động. Đối với 41 cụm công nghiệp đang xây dựng và thu hút đầu tư, mới có 9 địa điểm đang triển khai đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm tỷ lệ 22%, trong khi yêu cầu của HĐND thành phố phải là 100%. Điều đó đồng nghĩa với việc khoảng 80% các cụm công nghiệp đang hoạt động đã "vô tư" xả thải ra môi trường.

Ngoài ra, theo thống kê của UBND thành phố cho thấy, tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị khoảng 900.000m3/ngày đêm, trong đó lượng nước thải được xử lý chỉ vào khoảng 213.000m3/ngày đêm, chiếm tỷ lệ 23%. Tuy nhiên, trên thực tế trạm Bắc Thăng Long - Vân Trì công suất 42.000m3/ngày đêm được xây dựng phục vụ cho Khu đô thị Bắc Thăng Long nhưng hiện khu đô thị này chưa được đầu tư. Do phải "hứng" trực tiếp nước thải chưa qua xử lý nên hệ thống kênh, mương liên tục bị bồi lắng bởi bùn, rác; gây ô nhiễm môi trường khu dân cư dọc kênh, mương; là nơi sinh sống của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như muỗi, ruồi. Bình quân mỗi năm, thành phố phải chi hàng trăm tỷ đồng cho việc nạo vét, thu gom rác trên hệ thống thoát nước. Các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, những sông chính dẫn nước thải, dù đã được cải tạo kè bờ, nạo vét theo khuôn khổ Dự án Thoát nước Hà Nội, dù hai bên bờ được giải tỏa mở đường khá đẹp thì vẫn là sông "chết".

Báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết, nguồn chính gây ô nhiễm nước mặt các con sông là nước thải sinh hoạt từ đô thị, khu công nghiệp, làng nghề và hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa qua xử lý. Sông Hồng và sông Cầu, hai sông lớn của miền Bắc đều có thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn đoạn qua các khu công nghiệp, làng nghề. Trong đó sông Ngũ Huyện Khê và lưu vực sông Nhuệ - Đáy là điển hình của tình trạng ô nhiễm do nước thải. Đặc biệt sông Nhuệ, đoạn chảy qua Hà Nội có nhiều điểm bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy và ô nhiễm càng nặng nề sau khi tiếp nước từ sông Tô Lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những dòng sông “chết”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.