Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nhiệm vụ khó đòi hỏi quyết tâm cao

Đình Hiệp| 29/12/2021 06:33

(HNM) - Việc thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 (Nghị quyết 653) là chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn tại Hà Nội. Dù đã đạt những kết quả bước đầu, song công tác sắp xếp gặp không ít khó khăn khi nhiều cán bộ, công chức, người lao động thuộc diện dôi dư phải bố trí việc làm và giải quyết các chế độ, chính sách sau khi sắp xếp. Đây là nhiệm vụ khó đòi hỏi sự quyết tâm rất cao.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính giúp xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp.

Khó nhất là sắp xếp lao động dôi dư

Tại huyện Phúc Thọ, tổng số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp là 313 người. Sau khi sắp xếp tại 4 xã thì 26 người không có vị trí việc làm, phải nghỉ việc. Là cơ quan tham mưu UBND huyện về vấn đề quan trọng này, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phúc Thọ Vương Tá Hùng chia sẻ, việc sắp xếp khiến 64 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phải luân chuyển, bố trí việc khác. Sau khi sắp xếp việc làm cho 64 lao động này, rồi giải quyết chế độ cho 26 người không sắp xếp được vị trí việc làm nêu trên, đến nay tại 2 xã Sen Phương và Xuân Đình vẫn còn dư 9 công chức cần sắp xếp trong năm 2022.

“Đây là nhiệm vụ khó, bởi việc sắp xếp đúng vào thời điểm Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố có hiệu lực từ ngày 25-6-2019 khi quy định mỗi xã phải giảm 2 chỉ tiêu biên chế. Trong khi việc sắp xếp dôi dư nhiều cán bộ, công chức thì phải tiếp nhận Công an chính quy về các xã làm việc. Thời điểm năm 2019, toàn huyện dôi dư khoảng 100 cán bộ, công chức, nên việc sắp xếp quả là bài toán khó”, đồng chí Vương Tá Hùng thông tin thêm.

Tại huyện Phú Xuyên, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính của xã Nam Tiến thì còn dôi dư 14 người. Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên chia sẻ: “Các trưởng đoàn thể là cán bộ, nhưng khi sắp xếp thì chỉ còn một chức danh nên một đồng chí làm trưởng còn đồng chí kia phải xuống phó. Chúng tôi phải tổ chức nhiều cuộc họp, làm công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong mỗi cán bộ, đảng viên cũng như nhân dân”.

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) Dương Minh Đức thông tin, khi sắp xếp đơn vị hành chính phường đã có 18 người phải chuyển công tác; 2 người nghỉ chế độ và 11 người hoạt động không chuyên trách nghỉ việc. Việc bố trí, sắp xếp vị trí công tác và giải quyết chế độ đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp được cân nhắc rất kỹ, tính toán cẩn trọng để tránh gây bức xúc với những lao động này.

Cán bộ, công chức quá tải do kiêm nhiệm

Ghi nhận thực tế của phóng viên cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trong đợt giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết 653 vừa qua cho thấy, sau sắp xếp thì đơn vị hành chính cấp xã mới được hình thành có địa bàn quản lý rộng hơn và dân cư đông hơn so với trước. Vì thế, thời gian đầu đi vào hoạt động, các cán bộ, công chức phải làm việc nhiều hơn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chị Nguyễn Thị Thanh Loan, công chức văn phòng - thống kê phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, trước đây khi làm việc tại phường Bùi Thị Xuân (cũ) lượng người dân đến giải quyết thủ tục hành chính ít hơn, trong khi đó còn có sự hỗ trợ của các lao động hợp đồng. “Việc sắp xếp diễn ra vào thời điểm thành phố thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, mỗi phường chỉ còn 15 cán bộ, công chức nên hầu hết mọi người đều phải kiêm nhiệm nhiều việc khác”.

Là công chức văn phòng - thống kê của xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên), anh Phùng Minh Cường cho biết, trước đây ở xã Thụy Phú (cũ) chỉ có 2.900 nhân khẩu nên việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” hằng ngày không nhiều. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập với xã Văn Nhân để thành lập xã Nam Tiến thì số dân tăng lên hơn 8.000 nhân khẩu nên công việc cũng nhiều hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy cho biết, thời gian đầu sắp xếp, lượng người dân và doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính nhiều cũng gây áp lực cho cán bộ, công chức. Để giải quyết khó khăn này, huyện chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu lệ phí do chuyển đổi địa giới hành chính. Các trường hợp chưa chuyển đổi được giấy tờ, nếu chưa hết thời hạn theo quy định, vẫn được sử dụng.

Khối lượng công việc, thủ tục hành chính tăng tại các địa phương thực hiện sắp xếp, song số lượng cán bộ, công chức lại phải giảm theo quy định. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức tại các địa phương sắp xếp phải tự nâng cao năng lực thực thi công vụ phù hợp với vị trí mới để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Ngày 7-7-2020, HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND về việc hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo Nghị quyết, cán bộ, công chức cấp xã và viên chức nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng/người (gồm: Tiền lương theo hệ số, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có)).

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nhiệm vụ khó đòi hỏi quyết tâm cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.