Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nhanh, thực chất, quyết liệt và hiệu quả

Võ Lâm| 06/12/2016 06:50

(HNM) - Với những kết quả ấn tượng ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã khẳng định một phong cách lãnh đạo, chỉ đạo mới.

Cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá được Hà Nội tập trung thực hiện và đang có những chuyển biến rõ nét. Ảnh: Trung Kiên


Lắng nghe ý kiến nhân dân

“Làm cán bộ rất dễ quan liêu, đôi khi do công việc kéo đi cũng thành quan liêu. Lãnh đạo thành phố mong muốn tăng cường gặp gỡ các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức nhiều hơn để lắng nghe ý kiến của các bác, các anh, các chị. Bất kỳ khi nào, các bác, các anh chị có ý kiến, xin hãy gửi cho chúng tôi, chúng tôi trân trọng tiếp thu” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chia sẻ như vậy tại cuộc gặp mặt với đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô. Đây cũng là lần đầu tiên ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, lãnh đạo thành phố đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp thu ý kiến của các ngành, các giới và các tầng lớp nhân dân. Đánh giá cao đổi mới này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Bí thư, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi được thành phố mời dự hội nghị để nêu ý kiến đề xuất, thực sự là đúng như mong muốn của chúng tôi”.

Với tác phong làm việc sâu sát, cởi mở, thực chất, lãnh đạo thành phố đã thiết lập thêm các kênh để có thể tiếp thu nhanh nhất, rộng nhất tình hình thực tế.

Từ tháng 9-2016, Thành ủy Hà Nội đã công bố đường dây nóng với số điện thoại 04.32818818 cùng địa chỉ thư điện tử vanphongthanhuy@hanoi.gov.vn để tiếp nhận ý kiến nhân dân. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đã công khai số điện thoại cá nhân 0903407319 với đề nghị các doanh nghiệp trực tiếp phản ánh những khó khăn về thủ tục hành chính tại các khu công nghiệp: "Bất cứ nội dung gì các bạn nhắn tin qua số điện thoại này, tôi sẽ chỉ đạo giải quyết".

Lãnh đạo thành phố đã dẫn đầu các đoàn công tác làm việc trực tiếp với các cấp ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị để giải quyết các kiến nghị, nhất là những nơi còn biểu hiện hạn chế, yếu kém hoặc có nhiều vấn đề kiến nghị. Đồng chí Bí thư Thành ủy đã làm việc với cấp ủy các quận, huyện, chỉ ra những vướng mắc, bất cập, điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương, chỉ đạo hướng khắc phục. Các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy dẫn đầu 16 đoàn kiểm tra, giám sát về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, tổ chức bầu cử; 10 đoàn giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính và việc nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác kiểm tra, giám sát đã được triển khai đồng bộ gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trọng điểm của thành phố.

Cùng với cấp thành phố, lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng mở nhiều kênh tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi, tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân. Bí thư, Chủ tịch của nhiều quận, huyện, thị xã như Sơn Tây, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên… đã đối thoại với người dân, trực tiếp giải đáp những ý kiến, kiến nghị, những vấn đề mới nảy sinh.

Các cấp ủy đảng cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Quang Cảnh nhận xét: “Các cấp ủy đảng từ thành phố xuống cơ sở đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát. Nhờ đó, mặc dù Đảng bộ Hà Nội có số lượng đảng viên trên 40 vạn, gần 3.000 tổ chức cơ sở Đảng, nhưng tình hình vi phạm của cá nhân, tổ chức luôn được kiểm soát, những dấu hiệu vi phạm đều được kiểm tra”.

Chọn đúng trọng tâm, trọng điểm

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là yêu cầu hàng đầu của thành phố ngay từ đầu nhiệm kỳ. Hà Nội đã gương mẫu đi đầu trong quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Thành ủy Hà Nội là một trong những địa phương ban hành sớm nhất Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đặc biệt, tiếp thu tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chương trình hành động đã điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố theo hướng phải bằng hoặc cao hơn các chỉ tiêu mà Trung ương đề ra.

Hà Nội đã điều chỉnh 4 chỉ tiêu: Chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân từ 23 lên 26,5; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh tăng lên 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới điều chỉnh từ 70 đến 75% lên 80%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn điều chỉnh từ 40 đến 45 triệu đồng/người/năm lên 49 triệu đồng/người/năm. 8 chương trình công tác toàn khóa cũng đã được Thành ủy Hà Nội khóa XVI ban hành sớm hơn những nhiệm kỳ trước, đồng thời đổi mới cả về nội dung và hình thức. Ban Thường vụ Thành ủy cũng lựa chọn, ban hành 2 nghị quyết chuyên đề nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và nhằm khắc phục những bất cập trong giải phóng mặt bằng. Đây là những lựa chọn được đánh giá rất cao khi trúng vào những vấn đề lớn thành phố cần quan tâm giải quyết.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy Hà Nội đã thể hiện nhãn quan lãnh đạo nhạy bén, sâu sát và thực chất với việc ban hành một số chỉ thị có ý nghĩa quan trọng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào những nhiệm vụ cấp thiết. Trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 08-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô” với chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý kỷ luật cán bộ để xảy ra vi phạm. Tiếp theo là Chỉ thị 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: “Địa phương, đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận được cấp có thẩm quyền giao thì cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên”.

Đi liền với đổi mới phong cách và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Hà Nội đã đi đầu cả nước về thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thái độ quyết liệt, tinh thần nghiêm túc đã được thể hiện từ lời nói đến hành động. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: “Thành phố kiên quyết xử lý những cán bộ "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", làm đủ 8 tiếng nhưng không ra sản phẩm gì. Cấp ủy, chính quyền không hoàn thành được nhiệm vụ, lãnh đạo phải chịu kiểm điểm”.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” và thực hiện “một việc - một đầu mối xuyên suốt”. Đến nay, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, toàn thành phố đã giảm 59 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 39 trưởng phòng, ban, 143 phó phòng, ban. Thành phố cũng đã tinh giản 159 cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đều hoạt động hiệu quả; chất lượng, khối lượng công việc được cải thiện.

Chứng kiến những chuyển biến của Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Vấn đề quan trọng trong công tác quản trị nhà nước cũng như quản trị thành phố là phải xây dựng năng lực hệ thống, và Hà Nội đang làm theo hướng này với tinh thần quyết tâm cao, bài bản nhưng thận trọng. Đó là điều rất đáng mừng”. Đây cũng là cảm nhận chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô sau một năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố - một khởi đầu ấn tượng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nhanh, thực chất, quyết liệt và hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.