Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Mỏi mắt tìm hàng nội

Thế Dũng| 13/07/2010 07:24

(HNM) - Bảy năm chính thức có mặt tại Việt Nam cũng là chừng ấy thời gian thị trường Game online (GO) phụ thuộc vào đối tác nước ngoài về mặt nội dung. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng Việt Nam không tự mình sản xuất được GO có nội dung phù hợp với lịch sử văn hóa, truyền thống của dân tộc?


Vì sao GO thuần Việt chưa phát triển?

Game thủ Nguyễn Đức Minh (đường Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) cho rằng, tìm được GO thuần Việt giống như “hái sao trên trời”. Thống kê cho thấy, trong 58 GO đang lưu hành có tới 90% được mua bản quyền từ nước ngoài. Đặc biệt, trên thị trường GO, thể loại game nhập vai trực tuyến luôn giữ vị thế số một về doanh thu nhưng tới thời điểm này, Thuận Thiên kiếm của Công ty VinaGame ra mắt tháng 3-2010 gần như là GO nội duy nhất có thể thu hút cộng đồng game thủ, cạnh tranh với những game mang nội dung, bối cảnh, âm nhạc, trang phục... của nước ngoài.

Theo các DN kinh doanh GO ở Việt Nam, sở dĩ game thuần Việt chưa phát triển được có nhiều lý do. Cụ thể là để sản xuất ra một sản phẩm game nhập vai, DN sẽ phải chi phí từ 1,5 đến 3 triệu USD trong 2 đến 3 năm. Trong khi đó, nếu nhập game ngoại, nhà phát hành trong nước gần như nắm chắc phần thắng do game nhập đã được thử thách và nhận được sự ủng hộ của game thủ nước ngoài. Mặt khác, chi phí bản quyền cho nhập một GO từ Trung Quốc, Hàn Quốc thường chỉ vào khoảng 10-20% so với chi phí sản xuất một game nội mà tỉ lệ ăn chia lợi nhuận lại cao, đến 7:3, trong đó các nhà phát hành Việt Nam hưởng 7 phần.

Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT cho rằng, nguồn nhân lực phát triển game hiện là thách thức với các DN. Việt Nam thiếu chuyên gia viết kịch bản. Đội ngũ kỹ thuật, lập trình viên làm công nghệ 2D-3D có kĩ năng chuyên nghiệp không nhiều. “Tuy nhiên, thị trường GO đang có những bước tiến nhanh và đóng góp một phần cho sự phát triển công nghiệp nội dung số tại Việt Nam. Theo báo cáo của Yahoo! và TNS Việt Nam, 49% người dùng internet là để chơi GO và đây vẫn là thị trường mới so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hiện nay, các công ty game hàng đầu thế giới cũng đã đến Việt Nam, cho thấy thị trường GO trong nước rất tiềm năng và sẽ phát triển mạnh trong nhiều năm tới” - ông Nguyễn Đắc Việt Dũng khẳng định.

“Quả trứng vàng” và những bài toán
Cuộc khảo sát của Hiệp hội DN phần mềm Việt Nam gần đây cho thấy, một người chơi game trung bình mỗi năm có thể bỏ ra 50 USD và một GO có thể thu hút được 2 vạn người chơi. Rõ ràng, con số đó cho thấy tiềm năng phát triển của ngành GO, được coi như ngành công nghiệp “quả trứng vàng” là rất lớn. Ngoài ra, dựa vào các cốt truyện lịch sử có sẵn như: Loạn 12 sứ quân, Ba lần chống giặc Nguyên Mông, An Dương Vương xây Loa thành, Quang Trung đại phá quân Thanh, Sơn Tinh - Thủy Tinh... các chuyên gia cho rằng rất hợp với thể loại game nhập vai đang phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, để đạt tầm như Con đường tơ lụa, Võ lâm truyền kỳ, Thiên long bát bộ..., các game thuần Việt cần phải có thời gian và đầu tư tài chính lớn.

Sản xuất game online thuần Việt sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp số Việt Nam. Ảnh: Đàm Duy

Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết: Sắp tới, Nhà nước sẽ dành nhiều ưu đãi cho các DN xây dựng GO thuần Việt nhằm quảng bá lịch sử, văn hóa và mang ý nghĩa giáo dục. Theo đó, DN sản xuất, phát hành GO thuần Việt được xếp vào danh mục DN công nghệ cao để hưởng ưu đãi về sử dụng đất đai, thuế và cơ chế tài chính theo Luật Công nghệ cao.

Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, lợi ích của GO là giúp người chơi nâng cao kiến thức văn hóa, lịch sử; nâng cao khả năng phản xạ, sử dụng trí óc; giải trí và giảm thời gian chơi không lành mạnh. Tuy nhiên, những tác hại của GO đang làm xã hội lo lắng, đó là kích động hoang tưởng, nhập vai nhân vật, có hành vi bạo lực; lôi cuốn người chơi vào những trò đỏ đen, buôn bán trên mạng; gây lãng phí thời gian. Ở mức độ nào đó, theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nghiện GO cũng giống như nghiện ma túy và những vấn đề mà xã hội đang lo lắng về GO là không thể xem nhẹ.

Chính do tác động “hai mặt” của GO nên trong xã hội hiện có nhiều ý kiến cho rằng không nên phát triển GO. Nhưng có thực tế khác là nếu dùng các giải pháp hành chính để chặn sự phát triển của GO cũng không cản được game thủ tham gia vào các GO phát hành ở nước ngoài. Lợi nhuận và khoản thuế lớn khi đó sẽ rơi vào DN nước ngoài. Mặt khác, một bộ phận game thủ sẽ mất đi một thú giải trí lành mạnh và đây không đơn thuần là vấn đề của riêng GO mà là sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam. Rõ ràng, vừa phải quản lý nghiêm, vừa tạo điều kiện cho GO có nội dung thuần Việt phát triển là bài toán đang đặt ra cho các cơ quan quản lý. Đây cũng chính là vấn đề sẽ được đề cập trên số báo tới.
- Năm 2009, doanh thu của ngành công nghiệp game toàn cầu đạt 90 tỷ USD, vượt qua hai ngành giải trí khổng lồ là điện ảnh (khoảng 50 tỷ USD) và âm nhạc (khoảng 40 tỷ USD).
- Tại Việt Nam, sau 4 năm (2006-2010) phát triển, nhờ sự đóng góp một phần không nhỏ của GO, tốc độ gia tăng thuê bao dịch vụ và số người dùng thường xuyên đã tăng 300% (khoảng 25 triệu người dùng) đưa Việt Nam vào tốp 20 nước có dân số sử dụng internet cao nhất thế giới.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Mỏi mắt tìm hàng nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.