Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Không để nông dân “tự bơi”

Ngọc Quỳnh - Bạch Thanh| 10/05/2016 07:54

(HNM) - Những khó khăn trong sản xuất rau an toàn (RAT) hiện nay đều bắt nguồn từ đầu ra không ổn định. RAT vào được các siêu thị, bếp ăn tập thể chỉ chiếm một lượng nhỏ, còn lại đều bán tại chợ đầu mối. Mặt khác, ý thức của người kinh doanh chưa cao, rau bẩn, rau sạch không biết đâu mà lần khiến người tiêu dùng hoang mang. Rõ ràng phải có giải pháp mới, không để người nông dân

Sản xuất rau an toàn tại xã Hạ Hồi, huyện Thường Tín. Ảnh: Thái Hiền


Tỷ lệ tiêu thụ RAT quá thấp

Mỗi năm, Hà Nội sản xuất được 600.000 tấn RAT, nhưng tiêu thụ vào các siêu thị chiếm khoảng 1,5% sản lượng; cửa hàng phân phối bán lẻ 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn tập thể,...) 1,8%. Thương lái thu gom đem đi tiêu thụ 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ dân sinh 26,8% và bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm 55,8% sản lượng RAT.

Ông Cao Thế Kiên - Trưởng phòng kinh doanh Trung tâm chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho biết: Trung bình mỗi ngày chợ này bán khoảng 80 tấn rau củ quả, nhưng hầu như không kiểm soát được chất lượng vì thương lái thu mua từ nhiều vùng khác nhau.

Người tiêu dùng thiếu lòng tin với RAT vì không thể phân biệt với rau không an toàn bằng cảm quan, chỉ phân biệt được khi có tem nhãn nhận diện của các DN. Tuy nhiên, có rất ít DN tham gia xây dựng và dán tem nhãn nhận diện do lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Trong khi giá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá đều cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Rau là sản phẩm dễ hư hao, sản phẩm RAT lại không phong phú về chủng loại, giá bán cao, số lượng tiêu thụ ít khiến HTX, DN dễ thua lỗ, phá sản. Bà Tạ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng kinh doanh của Công ty cổ phần VietRap đầu tư thương mại (Hà Nội) cho biết: Thời gian tới công ty đang có ý định mở rộng chuỗi bán RAT tại 8 điểm trên địa bàn Hà Nội. Song với giá thuê cửa hàng khá cao, nên DN vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu thị trường.

Thực tế, việc liên kết giữa DN, HTX, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ RAT còn thiếu chặt chẽ, chưa hài hòa lợi ích giữa các bên nên hợp đồng thường bị phá vỡ. Vai trò của HTX rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng một số dịch vụ đầu vào. Chủ nhiệm HTX RAT Thụy Hương (Chương Mỹ) Nguyễn Duy Nam cho biết: HTX không tìm được các đơn hàng với DN để ký kết bán cho nông dân, nên hầu như nông dân vẫn "tự bơi" về đầu ra cho sản phẩm. Còn theo chị Trịnh Thị Nga, hộ dân sản xuất RAT ở xã Thụy Hương, gia đình có 4 sào trồng RAT, nhưng hầu như sản phẩm đều bán như rau thường, thương lái tới ruộng và thu mua nên rất nản.

Phải tìm đầu ra cho sản phẩm

Hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ RAT vẫn trong vòng luẩn quẩn, trong khi đó người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua sản phẩm rau không rõ nguồn gốc. Theo ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV, Nhà nước đã có cơ chế chính sách cho sản xuất và tiêu thụ RAT nhưng mới tập trung cho phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà chưa có chính sách đầu tư hỗ trợ về thị trường. Chưa có chợ đầu mối kinh doanh RAT nên thật giả lẫn lộn. Còn theo bà Tạ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng kinh doanh của Công ty cổ phần VietRap đầu tư thương mại (Hà Nội), sở dĩ các vùng RAT đều bế tắc về đầu ra do chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn khi lập dự án chỉ chú trọng đến việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật sản xuất nhưng lại bỏ qua công đoạn quan trọng nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Do đó, Nhà nước nên hỗ trợ tiền thuê cửa hàng cho các DN tham gia cung ứng chuỗi tiêu thụ RAT thời gian đầu và tham gia hội chợ trong, ngoài nước để quảng bá sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Văn Dư - Phó cục trưởng Cục trồng trọt, để lấy lại lòng tin cho người tiêu dùng về RAT, các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị làm ăn gian dối có thể tịch thu giấy phép kinh doanh và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm những đơn vị trộn rau không rõ nguồn gốc vào RAT để trục lợi. Các tỉnh, thành phố nên quy hoạch chợ đầu mối bán RAT để kiểm soát được nguồn gốc… Đồng thời đẩy mạnh chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ nhằm quản lý được chất lượng RAT và xây dựng mối liên kết giữa DN, HTX, nông dân nhằm tăng lượng RAT tiêu thụ tại siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể.

Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội:
Hiện nay lực lượng quản lý chuyên ngành của cấp huyện quá mỏng, một người phải kiêm nhiều việc nên chưa có sự quan tâm sâu sát. Do đó, ngoài hỗ trợ của cấp trên, các địa phương cần bố trí kinh phí tập huấn, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ có liên quan và thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu, phân tích chất lượng ở các vùng sản xuất an toàn và cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Không để nông dân “tự bơi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.