(HNM) - Có thể nói, thách thức Thủ đô Hà Nội phải đối mặt ngay sau điều chỉnh địa giới hành chính là công tác cán bộ...
Tuy nhiên, với phương châm: "Đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm", TP Hà Nội đã sắp xếp bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, bảo đảm cho sự vận hành thông suốt, quyết định đến hiệu quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.
Đặc biệt chú trọng công tác tư tưởng
Khó khăn đầu tiên mà Hà Nội gặp phải là trước khi hợp nhất, các địa phương vừa hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc quận, huyện, thị xã, thành phố theo Nghị định số 13 và 14 của Chính phủ. Trong khi đó, sau hợp nhất, số lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể và bộ máy hành chính các cấp lên tới hơn 100 nghìn người, chất lượng không đồng đều. Chưa kể, trụ sở làm việc của các cơ quan phân tán, ảnh hưởng đến việc đi lại, giải quyết công việc của CBCCVC. Tâm lý chung của nhiều người thời điểm này là băn khoăn, lo lắng nên Đảng bộ TP Hà Nội xác định phải làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể thành phố đã ban hành chỉ thị, hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống thực hiện các nhiệm vụ để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII.
Việc bố trí cán bộ ở bộ phận “một cửa” được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cán bộ. Ảnh: Huyền Linh |
Cụ thể, UBND TP đã ban hành Chỉ thị 01/CT-UBND chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Hướng dẫn sắp xếp lại tổ chức cán bộ, tiếp nhận và quản lý tài sản, tài chính các cơ quan chuyên môn, sự nghiệp của thành phố và tỉnh Hà Tây. Trên nguyên tắc hợp nhất nguyên trạng, thành phố quyết định hợp nhất, xác định lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Vấn đề đặt ra khi hợp nhất nguyên trạng là đội ngũ cán bộ tăng, nhất là cấp phó, rất khó bố trí công việc. Trước thực tế đó, thành phố xác định nguyên tắc không tăng biên chế cho các sở, ngành, nhưng giao bổ sung biên chế cho cấp huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý trong tình hình mới. Điều đó đúng với quan điểm chỉ đạo của TƯ về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy yêu cầu công việc, lợi ích của người dân và chất lượng cán bộ là thước đo khi bố trí cán bộ, tránh tư tưởng cục bộ địa phương khi bố trí sắp xếp cán bộ.
Chủ trương là vậy nhưng sẽ khó thành công nếu mỗi CBCCVC chưa thông về tư tưởng. Hơn lúc nào hết, giai đoạn này công tác quán triệt, phổ biến và tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết số 15 được đặc biệt coi trọng, tổ chức nghiêm túc. Bên cạnh đó, TP quan tâm tới các vấn đề thiết thực đối với CBCCVC. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ đạo: "Xe cộ, phương tiện, trụ sở vẫn sử dụng những gì đang có. Về bố trí nơi làm việc, căn cứ tình hình cụ thể, với hướng là sử dụng cả hai nơi chứ không để nơi ngồi chật, nơi bỏ trống". Do thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo này nên đã không gây ra xáo trộn, lãng phí. Ngay trong tháng 8-2008, toàn bộ các cơ quan đã được bố trí sắp xếp trụ sở. CBCCVC của các sở, ban, ngành và đơn vị được thành phố bố trí xe buýt đi làm. Nhờ đó, những ngày đầu hợp nhất đã tạo được không khí phấn khởi, đồng thuận cao, đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý
Tạo được sự đồng thuận là thành công quan trọng, Hà Nội lại đối mặt với khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, đa dạng, phức tạp; tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn nhìn chung còn cồng kềnh; năng lực quản lý bộ máy hành chính của các đơn vị và chất lượng đội ngũ CBCCVC không đồng đều, nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Nhận diện những bất cập này, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch rất công phu, dân chủ, công khai về công tác luân chuyển cán bộ, để làm tốt hơn việc đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực, phẩm chất và yêu cầu nhiệm vụ. Cụ thể là thành phố thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ từ khối các cơ quan Đảng, đoàn thể sang chính quyền và ngược lại; từ các sở, ban, ngành về công tác tại các quận, huyện, thị xã và ngược lại. Cùng đó, UBND TP ban hành quyết định hỗ trợ cán bộ thuộc diện luân chuyển, kèm theo một số chế độ khác như bố trí phòng công vụ, chi phí đi lại về thăm nhà 4 lần/tháng đối với cán bộ ở địa bàn xa. Từ sau hợp nhất đến nay, thành phố đã luân chuyển 229 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Đa số cán bộ được luân chuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí được đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp giai đoạn 2012-2016, TP Hà Nội đề ra nhiệm vụ và giải pháp rõ ràng, phấn đấu đến năm 2015, 100% thành viên UBND cấp huyện có trình độ đại học; 100% công chức cơ quan chuyên môn thành phố có trình độ đại học trở lên; 100% CBCCVC đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí chức danh, có năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội sẽ tuyển 1.000 công chức nguồn cho các cơ quan hành chính của TP nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Việc làm này đã thể hiện rõ quyết tâm của TP tạo đột phá về công tác cán bộ, được TƯ đánh giá cao, dư luận ủng hộ.
Kết quả 5 năm Hà Nội điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính không chỉ khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô mà còn cho thấy sự sáng tạo, chủ động của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô trong thực hiện công tác cán bộ. Chính sự vận hành trơn tru, hiệu quả của bộ máy là minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.