Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Dấu hiệu thiếu nỗ lực

Thành Vinh - Hiền Lương| 11/08/2014 05:52

(HNM) - Thành ủy Hà Nội luôn xác định việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước là nhiệm vụ khó khăn.



Hơn 2 năm qua, các DN có quy mô khá, sản xuất ổn định, chủ DN quan tâm đến đời sống người lao động đều đã được vận động thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể. Những DN chưa có tổ chức Đảng đều có những khó khăn nhất định do vậy, nhiều cấp ủy đã không còn lấy các DN là đối tượng chính để vận động…

Trên địa bàn huyện Hoài Đức có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng công tác phát triển Đảng tại khu vực này chưa được như mong muốn. Ảnh: Đức Nghiêm


Giải pháp đủ chỉ tiêu

Hai huyện Chương Mỹ và Hoài Đức có số lượng DN hoạt động trên địa bàn khá lớn (Chương Mỹ có 898 DN, Hoài Đức có 1.337 DN). Huyện Hoài Đức hiện có hơn 400 DN sản xuất kinh doanh hiệu quả và có chiều hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, qua kết quả công tác vận động phát triển đảng, đoàn thể trong các DN ngoài nhà nước của hai địa phương này đã bộc lộ những hạn chế, đặc biệt là trong phát triển tổ chức Đảng. Tại huyện Hoài Đức, tính đến hết tháng 6-2014, toàn huyện có 7 chi bộ DN ngoài nhà nước trực thuộc Huyện ủy, 10 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã, thị trấn; 5 tổ chức Đoàn thanh niên, 2 hội LHTN, 63 tổ chức công đoàn trong DN ngoài khu vực nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm, huyện chưa phát triển mới được tổ chức Đảng nào. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đỗ Đức Trung cho biết, huyện đã rà soát đang hoàn thiện thủ tục để thành lập 4 tổ chức Đảng nhưng đều là tổ chức Đảng tại các quỹ tín dụng nhân dân, hợp tác xã dịch vụ. Với Huyện ủy Chương Mỹ, một trong những huyện được Thành ủy Hà Nội đánh giá đã thu được nhiều kết quả trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, nhưng trong 6 tháng đầu năm, huyện thành lập được 4 chi bộ thì cũng đều là các chi bộ HTX dịch vụ nông nghiệp, nâng tổng số tổ chức Đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước lên 26.

Như vậy, có thể thấy trong 6 tháng đầu năm cả hai huyện trên chỉ khảo sát và phát triển Đảng trong các HTX, quỹ tín dụng mà chưa phát triển được trong các doanh nghiệp. Tuy đây cũng là những đối tượng được Nghị quyết 09-NQ/TU đưa vào định hướng phát triển, nhưng phát triển các tổ chức Đảng này được đánh giá dễ hơn so với các DN do việc hoạt động của các đơn vị này gắn liền với địa phương cơ sở, các đảng viên cũng chủ yếu là người đang sống, sinh hoạt Đảng tại địa phương. Vậy vấn đề đặt ra là tại sao số lượng tổ chức Đảng được phát triển đang chiếm tỷ lệ rất thấp so với số lượng DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn mà hai địa phương trên lại không phát triển thêm được?

Thiếu nỗ lực?

Qua tìm hiểu được biết, trong việc phát triển Đảng tại các DN ngoài khu vực nhà nước hiện nay, không chỉ hai huyện nêu trên gặp khó khăn. Qua hơn hai năm vận động, ở hầu hết các Đảng bộ, các DN có quy mô khá, làm ăn hiệu quả, chủ sử dụng lao động tích cực hưởng ứng các phong trào địa phương thì đều đã được vận động và thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể. Những DN còn lại có quy mô nhỏ, chủ DN không mặn mà với phong trào. Bên cạnh đó, tại không ít tổ chức Đảng mới được thành lập trong các DN khi đi vào hoạt động có nhiều hạn chế. Chủ sử dụng lao động tạo điều kiện thành lập nhưng chưa tạo điều kiện cho tổ chức Đảng hoạt động, chưa kể đội ngũ cấp ủy thiếu kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng. Do vậy, vai trò tổ chức Đảng chưa thực sự rõ nét. Chất lượng hoạt động của không ít chi bộ không cao. Kết quả phân loại tổ chức Đảng của Huyện ủy Hoài Đức cho thấy trong 7 chi bộ (trực thuộc Huyện ủy) có vốn ngoài khu vực nhà nước trong năm 2012 và 2013 có 4 chi bộ được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo Huyện ủy cho biết, các chi bộ xếp loại hoàn thành nhiệm vụ nhưng phần lớn thuộc loại "vớt" để động viên các chi bộ. Cũng vì ở một số tổ chức Đảng trong các DN hoạt động chưa hiệu quả nên sức lan tỏa chưa rộng. Một vấn đề quan trọng nữa ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng là tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều DN vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, nhất là đối với những DN vừa và nhỏ. Hoạt động không ổn định ảnh hưởng đến đời sống người lao động dẫn đến tình trạng nhiều người lao động ngại tham gia các hoạt động chính trị - xã hội.

Tuy nhiên, về phía chủ quan, có thể thấy một số đơn vị có biểu hiện ngại khó, phải chăng vì vậy nên các huyện tập trung phát triển tổ chức Đảng trong các hợp tác xã dịch vụ, quỹ tín dụng tại địa phương để bảo đảm đạt chỉ tiêu thành phố giao? Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của hai huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước thành phố cho rằng: Dù có nhiều cố gắng nhưng việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy vẫn còn hạn chế như đến ngày 19-6-2014, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Hoài Đức mới có kế hoạch thực hiện năm 2014 là quá muộn, huyện cũng không phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban chỉ đạo; huyện Chương Mỹ không xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm… Như vậy cho thấy, hai huyện vẫn chưa thực sự chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU bài bản, khoa học. Và chắc chắn nếu có sự đổi mới, chú trọng thực hiện thì kết quả thu được sẽ cao hơn.

Tính đến nay, trong các DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố đã thành lập được trên 1.000 tổ chức Đảng với tổng số hơn 2,1 vạn đảng viên. Tổng số chi bộ trong DN ngoài khu vực nhà nước thuộc Đảng bộ TP Hà Nội là trên 2.200 chi bộ. Trong đó có trên 1.260 chi bộ trong DN có vốn nhà nước dưới 50%, trên 750 chi bộ trong các loại hình DN tư nhân; 66 chi bộ trong các DN liên danh nước ngoài; 21 chi bộ trong DN 100% vốn nước ngoài, trên 90 chi bộ trong các hợp tác xã.

Trong khi đó, hiện nay toàn thành phố đang có khoảng 100.000 DN tư nhân đăng ký kinh doanh; khoảng 2.000 DN liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài và khoảng 600 DN hợp tác xã phi nông nghiệp...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Dấu hiệu thiếu nỗ lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.