(HNM) - Ngày 20-11 tới đây, sự kiện công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn hoàn thành, chính thức đi vào hoạt động sẽ đánh thức bờ Đông của thành phố, để vùng đất này vươn mình mạnh mẽ sau một thời gian dài ngủ quên...
Nhịp cầu nối bờ vui
Đã 3 năm rồi nhưng ông Nguyễn Minh Văn (quận 2) vẫn còn xúc động khi nhớ lại lần đầu tiên đặt chân lên cây cầu Thủ Thiêm để “qua Sài Gòn" (cách gọi quận 1 của người dân Thủ Thiêm) bằng con đường gần nhất mà không phải "lụy đò". Đã 3 đời sống ở đất Thủ Thiêm, chứng kiến bao cảnh đò giang cách trở, nên "thú thật, khi được vận động di dời, tôi cũng không tin lắm vùng bưng biền này có thể thành khu đô thị hiện đại, nhưng khi cầu Thủ Thiêm hoàn thành, tôi biết điều đó sẽ đến rất gần" - ông Văn bồi hồi nói.
Mô hình khu đô thị Thủ Thiêm tương lai. |
Niềm vui của ông Văn cũng là tâm trạng của rất nhiều người dân quận 2, dù bây giờ kẻ đi, người ở… Ngày 9-1-2008, khi cầu Thủ Thiêm được khánh thành, hàng nghìn người dân ở hai bên bờ sông Sài Gòn đã hân hoan chào đón "cây cầu mơ ước". Tất cả đều náo nức bởi tình trạng giao thông cách trở đã trở thành dĩ vãng, quãng đường từ quận vùng ven đến trung tâm thành phố vốn rất gian nan giờ chỉ còn vài phút đi xe máy. Cây cầu đẹp như một dải lụa vắt ngang sông Sài Gòn này không chỉ là phương tiện qua sông mà còn chở đầy mơ ước của người dân về một khu đô thị mới hiện đại sẽ hình thành.
Cầu Thủ Thiêm chỉ là một trong loạt công trình mà thành phố đầu tư xây dựng cho quận 2 khi xác định hướng Đông là một trong những trọng tâm phát triển của TP Hồ Chí Minh. Đại lộ Đông Tây chạy suốt từ huyện Bình Chánh đến quận 2, mà hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là hạng mục cuối cùng, cũng khánh thành vào ngày 20-11, sẽ kết nối hoàn hảo quận 2 với tất cả các quận trong thành phố. Hầm dìm dài khoảng 1,49km, rộng 33m với 6 làn xe còn là niềm tự hào của người dân bởi Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á xây dựng hầm vượt sông, mà TP Hồ Chí Minh được tin giao sứ mạng lịch sử.
Dự án Đại lộ Đông Tây, đặc biệt trong đó là hầm vượt sông Sài Gòn, tạo rõ dáng hình cho khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai, bởi kết nối hạ tầng khu đô thị này với trung tâm hiện hữu đã tương đối hoàn chỉnh. Theo quy hoạch, giao thông của Thủ Thiêm sẽ được kết nối với trung tâm quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 4, quận 9, và vươn ra ngoài với hệ thống đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Trong phạm vi thành phố, ngoài cầu Thủ Thiêm và hầm vượt sông Sài Gòn đã xây dựng xong, theo thiết kế sẽ có thêm 3 cây cầu nữa nối từ Bình Thạnh, quận 1, 4, 7 qua khu đô thị mới này. Không chỉ là những cây cầu, hiện quận 2 đang có rất nhiều dự án đã và đang thi công xây dựng, trong đó có nhiều công trình trọng điểm như cầu Phú Mỹ, đường Vành đai phía Đông, liên tỉnh lộ 25B giai đoạn 2, xa lộ Hà Nội giai đoạn 2, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên… Hơn thế, hệ thống giao thông còn được kết nối hoàn hảo với khu vực xung quanh khi Đại lộ Đông - Tây sẽ kết nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, gắn kết 3 trung tâm kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, góp phần hoàn thiện hệ thống đường giao thông khu kinh tế trọng điểm phía Nam và các đô thị vệ tinh của thành phố sau này.
Đô thị của tương lai
Không lâu nữa, trên vùng đất đầm lầy Thủ Thiêm ngày nay sẽ là một khu đô thị mới hiện đại. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, quy mô khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là 737ha, trong đó khu đô thị phát triển mới rộng 657ha, khu đô thị chỉnh trang 80ha. Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xem là sự mở rộng của trung tâm thành phố ra phía Đông, sẽ có 130 nghìn cư dân mới, là nơi làm việc của 350 nghìn người, lượng khách tới tham quan, nghỉ ngơi lên tới 1 triệu người/ngày. Đây không chỉ là khu đô thị đơn thuần mà là trung tâm mới hiện đại của TP Hồ Chí Minh trong thế kỷ XXI với chức năng là trung tâm tài chính, thương mại và các dịch vụ đẳng cấp khu vực và quốc tế (như các trung tâm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ đầu tư, vận tải, khoa học công nghệ…), là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố còn thiếu và hạn chế phát triển, là động lực phát triển mới cho TP Hồ Chí Minh trong tương lai.
Thiết kế khu đô thị mới Thủ Thiêm được chọn từ cuộc thi quốc tế do TP Hồ Chí Minh tổ chức và Công ty Sasaki Associates (Mỹ) đã vượt qua các đối thủ khác nhờ tận dụng hoàn hảo lợi thế của Thủ Thiêm là vùng đất sinh thái tự nhiên được ôm trọn vào lòng bởi con sông Sài Gòn xinh đẹp. Theo thiết kế này, toàn bộ khu đô thị được chia thành 5 khu chức năng và mỗi khu đều có điểm nhấn riêng: khu lõi trung tâm với chức năng chủ yếu là khu tài chính, thương mại, dịch vụ; khu đa chức năng dọc theo Đại lộ Đông Tây; khu dân cư phía Bắc; khu dân cư phía Đông; khu ngập nước phía Nam phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí và bảo vệ môi trường. Đặc điểm ngập nước của bán đảo Thủ Thiêm cũng được tận dụng làm "điểm mạnh": toàn bộ địa hình tự nhiên do sông Sài Gòn tạo ra đối với bán đảo này đều gần như được giữ nguyên hiện trạng. Các con rạch, ao hồ, vùng trũng hiện tại không bị san lấp để lấy mặt bằng mà được dùng làm không gian "trang trí" cho khu đô thị hiện đại. Ở đó sẽ là hồ, là những công viên xanh, đẹp, tô điểm cho những cao ốc, công trình xây dựng. Toàn bộ bờ sông Sài Gòn đều được xây dựng công viên, khu du lịch, vui chơi giải trí... để tạo độ thoáng tối đa cho bờ sông và toàn bán đảo Thủ Thiêm. Thiết kế cũng dành 140ha vùng ngập nước tự nhiên làm khu lâm viên sinh thái khôi phục hình ảnh Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là hồ chống ngập… Khi khu đô thị Thủ Thiêm hoàn thành, phía bờ Tây hiện hữu cũng sẽ được quy hoạch chỉnh trang lại. Con sông Sài Gòn, tài sản quý của thành phố lâu nay dường như bị bỏ quên cũng sẽ được đánh thức cùng với khu đô thị mới.
Những ngày này, khi hầm Thủ Thiêm sắp thông xe thì người dân càng náo nức chờ đợi ngày khu đô thị mới có hình hài. Ông Nguyễn Lê Dũng, Phó ban Quản lý dự án Thủ Thiêm cho biết, việc xây dựng hạ tầng của khu đô thị mới sẽ bắt đầu từ năm 2012, vì hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang ở giai đoạn cuối. Dù xây dựng chậm chạp và thu hút đầu tư đang gặp khó khăn (mới có 3 nhà đầu tư được cấp giấy phép đầu tư vào đây) nhưng ông Dũng vẫn tin tưởng sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn khi khu đô thị này lộ rõ hình hài, bởi thời gian qua là thời điểm kinh tế thế giới khó khăn, phải cắt giảm đầu tư. Khi kinh tế thế giới phục hồi, những lợi thế của vùng đất Thủ Thiêm và các dịch vụ đa dạng sẽ đủ sức hấp dẫn khiến các nhà đầu tư khó có thể bỏ qua.
Điều đó đang dần thành hiện thực, bởi những khó khăn đang dần qua đi. Và theo như kế hoạch lạc quan của BQL dự án Thủ Thiêm, năm 2015, cơ sở hạ tầng khu đô thị mới sẽ hình thành và năm 2020 việc xây dựng sẽ tiến hành đồng bộ, hoàn tất nối hai bờ sông Sài Gòn thành một chỉnh thể. Khi ấy, vùng đất phía Đông của thành phố với những đầm lầy, sú vẹt, dừa nước, lau lách… sẽ vươn mình thức dậy sau một thời gian dài ngủ quên, để mở ra cơ hội tăng tốc phát triển mọi mặt và nâng cấp TP Hồ Chí Minh ngang tầm các đô thị hiện đại của khu vực và quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.