(HNM) - Tình trạng “đụng đâu sai đó” tại các phòng khám, nhà thuốc tư nhân khiến dư luận lo ngại về chất lượng dịch vụ y tế và sự an toàn cho người bệnh. Thế nhưng, trước sự phát triển của hệ thống cơ sở y, dược tư nhân, công tác quản lý của cơ quan chức năng trong lĩnh vực này lại bộc lộ nhiều lỗ hổng, bất cập.
Đợi 10 năm mới đến lượt kiểm tra
Vấn đề đặt ra hiện nay là trong khi các cơ sở y, dược tư nhân ngày càng có nhiều mánh khóe để qua mặt cơ quan chức năng thì công tác kiểm tra, hậu kiểm lại đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể, nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động này từ thành phố đến quận, huyện, thị xã hiện rất thiếu và yếu.
Ông Bùi Văn Xuân, Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân chỉ có 6 người, trong khi Hà Nội hiện có hơn 3.600 cơ sở hành nghề y và hơn 7.000 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập. Có số lượng cơ sở lớn như vậy nhưng trong 6 tháng năm 2019, việc kiểm tra, hậu kiểm chỉ tổ chức được ở 68 cơ sở và Sở Y tế Hà Nội đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của 8 cơ sở; thu hồi giấy phép hoạt động của 12 cơ sở khám, chữa bệnh; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở khám, chữa bệnh.
"Lực lượng mỏng nên có cơ sở phải đợi đến 10 năm mới được kiểm tra một lần. Do đó, công tác hậu kiểm sau cấp phép khó có thể làm tốt được", ông Bùi Văn Xuân nhìn nhận.
Ở góc độ địa phương, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông nêu khó khăn hiện nay là Phòng Y tế quận có 4 cán bộ, trong đó 1 cán bộ có bằng thạc sĩ, còn lại 3 cán bộ chỉ có bằng trung cấp thì không thể đủ trình độ kiểm tra các phòng khám tư - nơi có cả bác sĩ chuyên môn cao ở bệnh viện công về làm việc. Thậm chí, khi đi kiểm tra các nhà thuốc, cán bộ quản lý cũng chỉ có thể kiểm tra trên sổ sách. Nếu trong kho của nhà thuốc có kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được Bộ Y tế kiểm định chất lượng… thì khó phát hiện được...
Thêm một khó khăn nữa, theo bà Cao Thị Hoa, Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ. Như vậy, nhiều cơ sở vì lợi nhuận, có thể đẩy giá dịch vụ lên cao, lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc tùy tiện… Mặt khác, thời gian cấp phép của cơ quan có thẩm quyền cho các cơ sở hành nghề y ngoài công lập còn dài (70 ngày) nên một số cơ sở do phải thuê mặt bằng với chi phí không nhỏ đã cố tình hoạt động trước khi được cấp phép…
Thực trạng nêu trên cho thấy, những lo lắng của người dân về chất lượng dịch vụ y, dược tư nhân là hoàn toàn có cơ sở. Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho rằng, vì lợi nhuận, nhiều chủ cơ sở đã cố tình lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi cung ứng dịch vụ trái quy định. Trong quá trình thẩm định cấp phép và hậu kiểm, Sở Y tế còn phát hiện các trường hợp sử dụng văn bằng chuyên môn, giấy xác nhận quá trình thực hành giả để được cấp chứng chỉ hành nghề; sử dụng chứng chỉ hành nghề giả để đề nghị cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động; sử dụng giấy phép hoạt động giả để khám bệnh, chữa bệnh...
Xử phạt chưa đủ sức răn đe
Một bất cập nữa được ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) nêu ra là hiện mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe. Chính quyền địa phương là nơi nắm rõ nhất hoạt động của các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn nhưng việc xử phạt hiện quá ít nên thiếu hiệu quả thực tế.
Ông Nguyễn Quang Trung dẫn thực tế, theo quy định, chỉ cần xử phạt 2 cơ sở hoạt động không phép (với số tiền 60 triệu đồng/cơ sở), số tiền phạt đã là 120 triệu đồng, trong khi hơn 3 năm qua, toàn huyện Thạch Thất mới xử lý được hơn 117 triệu đồng đối với các cơ sở vi phạm. Điều đáng nói là cùng thời gian này huyện Thạch Thất đã đình chỉ tới 65 cơ sở chưa có giấy phép hoạt động.
Về vấn đề này, theo ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, rất khó để quản lý những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép, nhất là việc xử lý sau vi phạm. Chẳng hạn, có phòng khám hoạt động không phép, nhân viên phụ trách là từ các cơ sở y tế công lập làm thêm ngoài giờ hành chính. Dù không treo biển hiệu nhưng khi có bệnh nhân, họ vẫn khám bệnh, bán thuốc tại nhà và việc kiểm tra không đơn giản. Dù bị đình chỉ nhưng chỉ 3 ngày sau khi không có lực lượng chức năng kiểm tra, cơ sở lại hoạt động…
Đề cập thêm những khó khăn trong công tác xử phạt các cơ sở vi phạm, bà Cao Thị Hoa, Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng cho rằng, theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có khung xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Đơn cử như hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng… đã gây khó khăn cho cơ sở khi xử lý.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.