(HNM) - Nguyên nhân chính khiến ao hồ bị ô nhiễm là tốc độ đô thị hóa quá nhanh gây sức ép nặng nề lên cơ sở hạ tầng trong khi khả năng quản lý chưa theo kịp. Sự phức tạp, chồng chéo trong quản lý, khai thác hồ nội thành kéo theo vô vàn hệ lụy, hồ không phát huy được các chức năng vốn có như thoát nước, điều hòa vi khí hậu, tạo cảnh quan đô thị. Ngược lại còn là nguồn trung chuyển và trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.
Hồ Tây: Bài học đắt giá về quản lý
Hồ Tây đã có cơ quan trực tiếp quản lý nhưng vẫn tiếp tục ô nhiễm. Ảnh: Đàm Duy
Lấy hồ Tây làm ví dụ. Hồ Tây là hồ lớn nhất Thủ đô với diện tích hơn 500ha. Không chỉ ẩn chứa những huyền tích, hồ Tây còn được xem là lá phổi xanh và có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người Hà Nội. Trước đây, có tới 9 sở, ngành, và 10 DN tham gia quản lý, khai thác, kinh doanh tại đây: UBND quận Tây Hồ quản địa giới hành chính; Sở Tài nguyên - Môi trường quản về diện tích và quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường; Sở Khoa học - Công nghệ lập các dự án nghiên cứu giải pháp duy trì môi trường bền vững; Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định các dự án quy hoạch, cải tạo hồ về không gian kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật; Sở Kế hoạch và Đầu tư quản nguồn vốn, cấp vốn cho dự án liên quan... trong khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, khai thác việc nuôi trồng thủy sản trong hồ thì Sở Công thương lại quản lý dịch vụ kinh doanh trên mặt nước như nhà thuyền, dịch vụ ăn uống. Dù nhiều sở, ngành, địa phương quản lý, song tình trạng lấn chiếm hồ vẫn diễn ra với quy mô và mức độ nghiêm trọng. Vấn nạn này chỉ chấm dứt khi hoàn thành dự án kè hồ. Trong khi nước hồ ngày càng ô nhiễm. Và đã có lúc người ta phải nghĩ đến một dự án đưa nước sông Hồng vào cải tạo hồ.
Trước khi hồ Tây được phân cấp về quận Tây Hồ để thống nhất quản lý về một đầu mối, UBND TP Hà Nội đã phải tiến hành rất nhiều cuộc họp kéo dài tới mấy năm trời mới thống nhất được quy chế quản lý. Đến tháng 8-2009, UBND TP ban hành Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND quy định về quản lý hồ Tây. Theo đó, quản lý hồ phải bảo đảm phát triển bền vững phục vụ cho lợi ích cộng đồng; mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý phải tuân theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định hiện hành, gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm điều hòa hệ thống thoát nước thành phố.
Chuyện đưa hồ Tây về với quận Tây Hồ cũng không hề đơn giản. Ngày đó, khi UBND TP Hà Nội có chủ trương phân cấp hồ Tây về địa phương, một lãnh đạo của quận Tây Hồ đã kể ra rất nhiều khó khăn. Sau khi nghe xong, ông Đỗ Hoàng Ân, khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã hỏi, quận Tây Hồ mà không quản hồ Tây thì còn gì để mà quản? Giờ Hồ Tây đã thuộc quyền quản lý của UBND quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND quận kiêm giữ chức Trưởng ban quản lý hồ Tây.
Phân cấp nhưng chưa hiệu quả
Một góc hồ Linh Quang. Ảnh: Phương An
Sự phức tạp, chồng chéo trong công tác quản lý, dẫn đến tình trạng không thống nhất, ao hồ không phát huy hết chức năng vốn có. Việc có nhiều cơ quan, tổ chức xã hội cùng tham gia quản lý, khai thác dẫn đến tình trạng các chủ quản lý chạy theo mục đích khác nhau, thậm chí bỏ bê trách nhiệm dẫn đến tình trạng hồ bị lấn chiếm, trở thành nơi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Quản lý chồng chéo cũng làm một số hồ đã có dự án đầu tư cải tạo nhưng tiến độ triển khai chậm vì vướng khâu giải phóng mặt bằng như hồ Ba Mẫu, Cầu Tình, Tai Trâu.
Chủ trương phân cấp quản lý ao hồ của UBND TP Hà Nội được thể hiện trong Quyết định số 51/2008/QĐ-UBND (ngày 16-12-2008). Theo đó, quận, huyện quản lý các hồ theo địa giới hành chính. Từ tháng 8-2008, thực hiện Nghị định số 13 của Chính phủ chuyển chức năng quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị về Sở Xây dựng, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm trước UBND TP về quản lý toàn diện một số hồ trong các công viên: Thủ Lệ, Thống Nhất, Bách Thảo, Yên Sở 1, 2, 3, 4, 5. Sở giao cho Ban QLDA hạ tầng đô thị và Công ty TNHH NN MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước) có trách nhiệm quản lý mực nước của 55 hồ điều hòa trong nội thành.
Đến nay, việc quản lý hồ đã được cải thiện một bước. UBND quận, huyện quản lý hồ toàn diện theo phân cấp gồm quản lý các chủ khai thác và việc vệ sinh mặt hồ. Đối với hồ có chức năng điều hòa nước góp phần chống úng ngập, thành phố quy định rõ đã được cải tạo trong dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I; các hồ đang và sẽ được cải tạo trong giai đoạn II và các dự án khác giao cho Công ty Thoát nước chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, duy tu, duy trì. Việc điều tiết mực nước cần sự thỏa thuận giữa cơ quan chủ quản khai thác dịch vụ trên mặt hồ với công ty để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến khả năng điều hòa thoát nước và không gây ô nhiễm môi trường. Việc quan trắc, đánh giá chất lượng nước hồ do công ty chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện.
Tuy nhiên, thời gian phân cấp chưa đủ lâu để có thể đánh giá liệu UBND quận, huyện, vốn chưa quen với việc quản lý toàn diện ao hồ, có đủ khả năng quản lý, đầu tư hiệu quả. Hơn nữa, chúng ta vẫn phải chứng kiến một thực tế đau lòng là, ao hồ vẫn bị ô nhiễm, bị lấn chiếm. Do đó đã đến lúc cần có những hành động quyết liệt, từ lãnh đạo thành phố đến từng người dân.