Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Tính cấp bách và ý nghĩa lâu dài

Thái Sơn| 15/05/2015 06:30

(HNM) - Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị xác định, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về chất trong toàn Đảng, toàn dân từ nhận thức tới hành động để làm theo Bác...

LTS: Ngày 7-11-2006, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TƯ về tổ chức Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương của Người. Tiếp đó, ngày 14-5-2011, Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được ban hành. Đến nay, dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2015) cũng là thời điểm gần tròn 10 năm Thủ đô và cả nước thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Điều đó đã tạo nên những chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành động trong mọi lĩnh vực của đời sống, thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài 1: Tính cấp bách và ý nghĩa lâu dài

Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị xác định, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về chất trong toàn Đảng, toàn dân từ nhận thức tới hành động để làm theo Bác, hình thành những chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt đẹp trong xã hội với tinh thần "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực". Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người phải trở thành nhu cầu văn hóa, yếu tố tự giác, hướng tới sự thiết thực, thúc đẩy nội tâm bên trong của mỗi con người, từ đó lan tỏa trong các tập thể, đơn vị, tổ chức và rộng ra toàn xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là một cuộc vận động hành chính.

Từ khi thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (CVĐ), với sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của các cấp ủy và tổ chức Đảng; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về những giá trị của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nâng lên, niềm tin được củng cố; xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Việc thực hiện CVĐ được gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kết hợp chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước.

Ngày 14-5-2011, Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được ban hành. Trên cơ sở tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TƯ về thực hiện CVĐ, Chỉ thị số 03-CT/TƯ đã thể hiện những định hướng quan trọng của Bộ Chính trị trong giai đoạn tiếp theo, nhằm "đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng".

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực chất là một quá trình vận động và chuyển hóa từ nhận thức tới hành động trong bản thân mỗi con người, trong Đảng và trong toàn xã hội. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và nhân loại. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương về ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt mục đích cách mạng. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm lòng của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu, hết mực vì con người. Đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Như vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hà Nội, gần 10 năm triển khai thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có thể nói công việc này đã thực sự trở thành hoạt động sinh hoạt chính trị quan trọng, nổi bật và sâu rộng đối với toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, quy mô không ngừng mở rộng, những nội dung được triển khai cũng hết sức cụ thể trong từng giai đoạn, từng năm; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã có những tác động sâu sắc đến từng đảng viên, quần chúng, từng tổ chức cơ sở Đảng, từng ngành và từng lĩnh vực, tạo nên những chuyển biến tích cực trong mọi mặt của đời sống xã hội, thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Cụ thể, ngay sau khi có Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã chủ động xây dựng Kế hoạch 20-KH/TU, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, sát thực, chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai tổ chức thực hiện, khẩn trương đưa chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là "thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thành hiện thực. Trong đó chú trọng gắn việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020.

Đặc biệt, việc triển khai Chỉ thị số 03-CT/TƯ tại Hà Nội còn được gắn với thực hiện các nội dung trong 9 chương trình công tác của Thành ủy giai đoạn 2011-2015 với "xương sống" là Chương trình 01-CTr/TU "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân các cấp", cùng những chủ đề trọng tâm thành phố tập trung thực hiện trong từng năm như Năm kỷ cương hành chính 2013, Năm trật tự và văn minh đô thị 2014, 2015.

Cùng với những chuyên đề tập trung thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ trong hàng năm theo sự hướng dẫn và chỉ đạo của Trung ương, việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn Hà Nội đã được thành phố và các địa phương, đơn vị cụ thể hóa bằng các nội dung thiết thực, phù hợp với thực tế tình hình. Ví dụ điển hình là tháng 10-2012 Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tập trung trước hết vào đối tượng cán bộ, đảng viên. Thực tế chỉ thị này đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, đạt hiệu ứng tốt. Các đơn vị cơ sở cũng đã lựa chọn những việc từng tồn tại nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận để chỉ đạo tập trung thực hiện gắn liền với các nội dung trong học tập và làm theo tấm gương của Bác. Ví dụ như các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ… các huyện Sóc Sơn, Quốc Oai… chủ động xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể để xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm… tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị. Các huyện Mỹ Đức, Thường Tín, thị xã Sơn Tây tập trung xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường…

Xuất phát từ yêu cầu chuyển trọng tâm từ "học tập" sang "làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cũng như các địa phương, đơn vị đã tổ chức có hiệu quả nhiều phong trào, CVĐ ở cơ sở với những mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế. Từ đó, việc "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác ngày càng trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực trong các lĩnh vực đời sống xã hội của từng cá nhân, tập thể, tránh căn bệnh phong trào, hình thức, chạy theo thành tích.

Đặc biệt, từ sự đôn đốc, hướng dẫn của thành phố, đến thời điểm này hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng được chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc thù, chức năng, nhiệm vụ theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Những tiêu chí, chuẩn mực cụ thể đó đã có tác động tích cực đến tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phong cách làm việc và chất lượng công việc của cán bộ, đảng viên và người lao động…

Tóm lại, có thể thấy, từ năm 2007 đến nay, từ việc thực hiện CVĐ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tới triển khai, thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Hà Nội đã có những cách thức triển khai sáng tạo và hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của tình hình. Do đó, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố ngày càng nâng cao về cấp độ, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, tạo ra bước đột phá, tác động sâu sắc tới nhận thức và hành động trong mọi mặt của đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Tính cấp bách và ý nghĩa lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.