Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nhộn nhịp cảng cá Thạch Kim

Nhóm PV HNM| 09/05/2016 07:26

LTS: Một tháng đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên phát hiện cá chết hàng loạt tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) rồi sau đó lan dần vào Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Trong khi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học đang khẩn trương điều tra, xác định rõ nguyên nhân, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất, đánh bắt hải sản, ổn định cuộc sống. Các bãi biển vẫn đông du khách.

Do ảnh hưởng của thông tin liên quan tới vụ cá chết hàng loạt khiến người tiêu dùng e ngại, nên lượng cá bán ra tại các chợ ở Hà Tĩnh giảm, giá cũng giảm khoảng 30%. Họ có phần chịu "vạ gió" vì cá chết chỉ xuất hiện trong một phạm vi nhất định và chưa xác định rõ nguyên nhân, trong khi nguồn cá đánh bắt ở nhiều khu vực an toàn, đặc biệt là hải sản đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại cảng cá Thạch Kim vào sáng 6-5, hoạt động đánh bắt, kinh doanh hải sản vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Điều đó cho thấy, người tiêu dùng vẫn tin tưởng và quay trở lại sử dụng hải sản.

Bạn chài từ tàu cá HT90093T đang bốc cá nục suôn cho người thu mua tại cảng cá Thạch Kim - Hà Tĩnh.


Buổi sáng trên cảng cá Thạch Kim

Dù lượng khách và lượng tiêu thụ hải sản có giảm nhưng cảng cá Thạch Kim, cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh vẫn đông tàu thuyền và người mua, kẻ bán. Hơn 4h sáng 6-5, tròn một tháng kể từ ngày "hung tin" cá chết loan đi, mấy chục chiếc tàu cùng hàng trăm người thu mua hải sản vẫn tụ về cảng. Tiếng mặc cả, tiếng gọi nhau, tiếng còi xe cùng ánh đèn khiến chúng tôi cảm nhận rõ không khí sôi động tại đây. Ngồi trên boong tàu, ông Trần Trọng Dương, Thuyền trưởng tàu cá HT 90093TS đang giám sát các bạn chài chuyển những khay cá, khay mực vừa đánh bắt đêm qua cho những người thu mua.

"Bữa ni nỏ lỗ", ông Dương vui vẻ nói. Ông Dương cho biết, 6 ngày đi biển gần nhất thì 2 ngày lỗ, 2 ngày hòa vốn, 2 ngày có lãi chút đỉnh. Nguyên nhân khiến tàu của ông bị lỗ là đánh được ít cá nổi và mực. Những chuyến đánh bắt được nhiều thì đủ bù phí tổn và có lãi. Mặc dù giá bán cá nục suôn và mực có giảm so với trước nhưng tàu của ông vẫn ra khơi đánh bắt vì vẫn đủ trả lương cho bạn chài và bảo đảm chi phí mua dầu. Ngày lãi bù ngày lỗ nên ông Dương vẫn ra biển hằng ngày như mấy chục năm nay. Trong sự ồn ào của chợ cảng, sau khi chọn mua được mớ cá và mực ưng ý, bà Lê Thị Tính, người Đông Hải (Thạch Kim) khẳng định chắc nịch: "Hồi chừ tôi vẫn ăn cá mà có sao mô". Như bao người dân ở Thạch Kim, bà Tính vẫn đi chợ mua hải sản mỗi sáng rồi đưa đi bán ở các chợ nhỏ sâu trong đất liền. Bà cho biết, lẽ dĩ nhiên, hải sản vẫn là một món ăn quen thuộc trên mâm cơm gia đình.

Đến hơn 6h, cảng cá Thạch Kim đã đón gần 40 tàu cập bến, trong đó có 15 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên. Anh Hồ Ngọc Diễn, cán bộ của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nhẩm tính: "Từ sáng tới giờ đã có 2,5 tấn cá, mực, tôm và hơn 165 tấn sò lông về cảng và được tiêu thụ gần hết".

Mặc dù lượng tàu về và số người thu mua không nhiều so với trước, nhưng mọi hoạt động đang dần trở lại bình thường. Trong buổi sáng, sẽ còn gần một chục tàu nữa cập bến. Và đến chiều, những tàu cá như tàu của ông Trần Trọng Dương sẽ lại ra khơi...

Đẩy mạnh hỗ trợ ngư dân

Tại chợ Hà Tĩnh, những người buôn bán hải sản như chị Trần Thị Yến vẫn nhập hàng dù lượng bán giảm ít nhiều vì không ít bạn hàng vẫn đặt mua bình thường. Còn những người buôn bán nhỏ như chị Nguyễn Thị Hoàng Lan thì chuyển sang bán cá nước ngọt như cá chép, rô phi đơn tính, cá quả. Lúc gian khó mới hiểu được lòng nhau. Chia sẻ với những khó khăn của những hộ kinh doanh hải sản, nhiều hộ kinh doanh mặt hàng khác trong chợ đã rủ nhau mua hải sản về dùng. Nhưng đó vẫn chưa phải là giải pháp lâu dài để ngư dân vượt khó.

Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện một loạt giải pháp để giúp bà con ngư dân duy trì công việc, ổn định cuộc sống. Ông Trần Nhật Tân, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, cho biết: Trước hết, Hà Tĩnh hỗ trợ tiền điện cho các điểm thu mua lớn ở Thạch Kim và Cẩm Nhượng để chạy các kho cấp đông những mẻ cá đạt chất lượng mà bà con ngư dân đánh bắt được. Tiếp đó, tỉnh thành lập các điểm bán cá có giấy chứng nhận đánh bắt ở những vùng biển an toàn. Đồng thời, lập ra đường dây nóng để ghi nhận và giải đáp những thắc mắc của bà con ngư dân, hướng dẫn bà con điểm đánh bắt và thủ tục giấy tờ chứng nhận điểm đánh bắt an toàn.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã thành lập hai tổ công tác túc trực thường xuyên tại hai cảng cá lớn nhất tỉnh là Thạch Kim và Cẩm Nhượng. Riêng ngày 5-5, Hà Tĩnh đã hỗ trợ các điểm thu mua có kho đông lạnh mua lại 180 tấn cá của ngư dân. Còn trong một tháng qua, các doanh nghiệp Hà Tĩnh đã thu mua và cấp đông khoảng 1.500 tấn. "Hải sản đánh bắt ở những vùng biển an toàn được thu mua đã giúp bà con dần ổn định cuộc sống, duy trì sản xuất. Các kho đông lạnh còn có thể dự trữ 3.000 tấn hải sản bảo đảm chất lượng. Toàn tỉnh có thể chứa được hơn 8.000 tấn hải sản trong ngắn hạn và dài hạn", ông Tân khẳng định.

Trong khi thị trường nội địa gặp đôi chút khó khăn do tâm lý e ngại của người tiêu dùng thì thị trường xuất khẩu hải sản vẫn hoạt động bình thường. "Tháng 4 vừa qua, chúng tôi vẫn xuất được 3 container hàng đi Nhật Bản và thu về 500.000 USD", ông Trần Đình Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh phấn khởi cho chúng tôi biết. Dây chuyền sản xuất hải sản của công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, với sản phẩm chủ lực là mực ống ăn liền (sushi) được người tiêu dùng Nhật Bản ưa thích. Trong nhà máy, hơn 300 công nhân làm việc liên tục trên dây chuyền chế biến mực ống ăn liền.

Ngoài sân, xe ô tô vẫn nối đuôi nhau chở hải sản về kho cấp đông. Chỉ trong ngày 5-5, công ty thu mua 7 tấn hải sản các loại. Ngày 6-5, là 6 tấn. "Hai cán bộ quản lý kỹ thuật của công ty vừa được bên Nhật Bản mời sang để trao đổi kỹ thuật và tham khảo, mở rộng thị trường", ông Nam vui vẻ cho biết. Mặc dù nằm ở ngay Kỳ Anh, nơi đầu tiên xuất hiện hiện tượng cá biển chết, nhưng hoạt động của công ty vẫn ổn định. Gắn bó với ngư dân nơi đây hơn 20 năm, công ty được ngư dân tin cậy và nay ngư dân gặp khó thì công ty trở thành chỗ dựa cho bà con. Cùng với sự chia sẻ của các doanh nghiệp như Công ty CP XNK thủy sản Nam Hà Tĩnh, những giải pháp của Hà Tĩnh đã góp phần giúp những con tàu như tàu của ông Trần Trọng Dương vẫn kiên trì bám biển, duy trì sản xuất và giúp bà con ngư dân, người buôn bán cá dần dần vượt khó cho đến khi thị trường hải sản trở lại bình thường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nhộn nhịp cảng cá Thạch Kim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.