(HNM) - Nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm tăng chóng mặt cũng là lúc hoạt động buôn lậu tại các tỉnh biên giới phía Bắc và Tây nam nóng lên từng ngày.
Việc ngăn chặn hàng lậu thật sự là một "cuộc chiến" đầy cam go, thách thức. Nếu lực lượng chức năng không tỉnh táo, không có "cái đầu lạnh" sẽ gặp vô vàn khó khăn bởi thủ đoạn của dân buôn lậu ngày càng tinh vi, thậm chí họ theo dõi "nhất cử nhất động" của những người thực thi pháp luật.
Bài 1: Đêm trên núi Khơ Đa
Khi những tia nắng của buổi chiều tà mùa đông rọi yếu ớt xuống mặt đất cũng là lúc những người lính biên phòng Đồn Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) chuẩn bị cho một đêm tuần tra đầy gian nan. PV Hànộimới đã theo chân những chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh trong một đêm tuần tra chống buôn lậu trên rừng núi biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Chiến sĩ Đồn biên phòng Tân Thanh bắt giữ một đối tượng mang vác hàng lậu trong đêm. |
Băng rừng vào điểm nóng
Đại úy Lê Văn Chiến đợi chúng tôi ở điểm đầu một lối mòn thuộc thôn Khơ Đa, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn nối với quốc lộ 4A. Đi tuần tra chống buôn lậu suốt đêm nên trang phục đồ dùng cá nhân thiết yếu phải đầy đủ với chúng tôi, anh Chiến không quên dặn: "Mọi người cần đi giày ba ta, mặc nhiều áo ấm, đêm trên núi nhiệt độ sẽ giảm rất sâu". Chuyến hành trình của chúng tôi và các chiến sĩ biên phòng bắt đầu từ 17h35, lúc này trời đã chuyển tối và giá lạnh.
Men theo lối mòn chỉ đủ hai người tránh nhau trong khoảng 15 phút, chúng tôi đến lán đầu tiên, nằm ở vị trí thấp nhất, trên một bãi đất trống, bên cạnh là nương trồng sắn của người dân xã Tân Mỹ. Theo một chiến sĩ thì anh em làm nhiệm vụ trông coi việc vận chuyển hàng lậu tại các đường mòn trong khu vực và đây cũng là nơi tập kết lương thực, thực phẩm để tiếp tục vận chuyển lên những điểm chốt trên cao. Lán được dựng bằng vải bạt chuyên dụng, bên ngoài có một bàn uống nước dựng tạm bằng tre nứa, bên trong là nơi ngả lưng cho chiến sĩ, được kê bằng gỗ, chặt từ cây rừng. Uống vội chén trà nóng, chúng tôi tiếp tục lên đường, lúc này có thêm Thiếu tá Lều Minh Tiến là Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh cùng một chiến sĩ dẫn đường.
Chúng tôi tiến vào lũng Khơ Đa được bao bọc bởi dãy núi Khơ Đa cao lừng lững. Đại úy Lê Văn Chiến nhắc nhở mọi người: "Từ đây đường dốc khó đi, các anh chú ý vì có nhiều đoạn đá hộc lởm chởm, cây rừng mọc um tùm". Trong đêm tối lạnh buốt, đoàn người lần từng bước theo "lối mòn buôn lậu" để lên các điểm chốt cao hơn. Đến lán thứ 3, Đại úy Chiến cho biết, "ở đây đã cách điểm khởi đầu khoảng 3km". "Trực chiến" ở lán có 3 chiến sĩ, trong đó có Trung úy Lành Văn Phóng, sinh năm 1990, được tăng cường thực thi nhiệm vụ cách đây một tháng từ Đồn Biên phòng Bình Nghi (huyện Tràng Định). Phóng nói: "Những hôm thời tiết khô ráo thì còn có cơm ăn, hôm mưa gió thì phải ăn mì tôm đổ nước sôi qua bữa". Ngồi trong lán trò chuyện nhưng mọi người không nhìn rõ mặt nhau vì trời tối đen như mực. Phóng nói, có một đèn tích điện nhưng chỉ khi nào xảy ra tình huống ngoài thực địa mới được sử dụng. Thứ ánh sáng duy nhất ở lán là đống lửa nhỏ các chiến sĩ nhóm lên.
Bữa cơm của chiến sĩ Đồn biên phòng Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn trên đỉnh núi Khơ Đa. |
Vượt thêm khoảng 4km đường rừng, đến được lán trung tâm, lúc này là 19h30. Lán trung tâm là nơi đặt căn cứ chỉ huy, nằm cao nhất, sát cột mốc số 1098, bên kia là ranh giới nước bạn. Tại lán, tổ hậu cần đang lúi húi nấu bữa ăn tối cho các chiến sĩ. Chàng thanh niên Trần Quyết, quê ở Hải Dương hóm hỉnh: "Ở đây ai cũng là anh nuôi, cứ đến ca trực là chúng tôi đều trở thành đầu bếp. Ăn vội bữa tối là lại lên đường thực hiện nhiệm vụ tuần tra". "Bữa cơm hôm nay chỉ huy nói có nhà báo Hà Nội lên, anh em mổ thêm con gà do đơn vị tăng gia mang theo từ đồn lên để đãi khách". Để có những bữa ăn ở trên đỉnh núi cao, người lính biên phòng phải cõng lương thực, thực phẩm, nước uống đóng bình lên mỗi ngày. "Những thứ như mì tôm, trứng, đồ khô thì chuyên chở dễ hơn, bảo quản cũng được lâu. Nước uống, rau xanh, thịt tươi thì khó khăn hơn nhiều vì vận chuyển nặng nhọc, bảo quản khó nên phải sử dụng rất tiết kiệm"- Quyết chia sẻ. Chiến sĩ Nguyễn Văn Cảnh nói thêm: "Ở trên núi, "nước quý như vàng" nên chúng tôi hạn chế ngay cả việc đánh răng, rửa mặt buổi sáng, hoặc phải sử dụng quay vòng, khi nào hết "giá trị" mới dám đổ đi". Việc nấu ăn ở trên núi cũng rất đơn giản với phương châm nhanh, tiết kiệm, vì thế những món quen thuộc như thịt rang, rau luộc liên tục quay vòng trong mỗi bữa ăn.
Tuần tra "đánh lậu"
Ăn bữa cơm tối dã chiến vội vàng, các chiến sĩ biên phòng lại khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ. Lần đầu tiên tham gia vào ca tuần tra chống buôn lậu trong đêm, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn khi có 2 chỉ huy biên phòng Lều Minh Tiến và Phùng Mạnh Hùng. Với thâm niên chống buôn lậu nhiều năm, ở nhiều địa điểm khác nhau nên Thiếu tá Lều Minh Tiến rất có kinh nghiệm trong phán đoán về quy luật hoạt động của các nhóm buôn lậu qua biên giới: "Quy luật của người mang vác hàng lậu thường "ém quân" vào ban ngày và hoạt động mạnh khi màn đêm buông xuống. Vì thế, nhiệm vụ của lực lượng tập trung vào ban đêm là chủ yếu".
Trong đêm tối, người mang vác hàng lậu vượt qua biên giới vào Việt Nam ở trên núi Ma Mèo, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. |
Hơn 22h20, màn đêm đen kịt mịt mùng, nhiệt kế lúc này chỉ 3 độ C, lạnh đến "cắt da cắt thịt", nhưng theo lời Thiếu tá Phùng Mạnh Hùng thì đến giữa đêm chắc chắn giảm xuống 1 độ. Trên đường tuần tra, Thiếu tá Hùng đã chỉ cho chúng tôi hàng trăm "lối mòn buôn lậu" chằng chịt mà những người gùi hàng lậu đã "xé" rừng để vận chuyển hoặc chui lủi vào bụi rậm lẩn trốn mỗi khi gặp lực lượng biên phòng. Chúng tôi đến chốt cuối cùng trong hệ thống lán dã chiến của Đồn Biên phòng Tân Thanh, Thượng úy Lương Văn Tuấn cho biết: "Ở trên này thời tiết khắc nghiệt vô cùng, những đêm có sương muối lạnh buốt đến xương tủy nhưng anh em vẫn cắt lượt thay nhau đi tuần tra vì người mang vác hàng lậu thường lợi dụng đêm về để tuồn hàng qua biên giới".
Vượt qua điểm chốt cuối cùng khoảng 1km, lực lượng tuần tra phát hiện một người mang vác hàng lậu men theo con đường mòn đi về phía khu vực biên giới Ma Mèo. Giữa màn đêm, một tiếng hô vang đanh, gọn: "Ai đó, yêu cầu dừng lại ngay!". Và ngay lập tức, đối tượng đã bị 2 chiến sĩ biên phòng khống chế. Theo lời khai ban đầu, đối tượng cho biết tên là Nguyễn Thanh T, người huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), 53 tuổi, vác bao tải hàng là quần áo nặng gần 70kg từ phía bên kia biên giới sang cho đầu nậu nhận hàng ở khu vực Ma Mèo, trên quốc lộ 4A, thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Đối tượng T cho biết thêm, nếu trót lọt sẽ được trả "phí vận chuyển" là 15.000 đồng/kg hàng hóa. "Hôm nào may mắn thì có hàng vận chuyển, không gặp may thì vừa mất công mà vẫn phải trả "phí đường" mua đường đi bên nước bạn do một số cư dân đặt ra trên tuyến vận chuyển".
Theo chân các chiến sĩ biên phòng trên đường tuần tra vào giữa đêm khuya, chúng tôi tiếp tục bắt gặp nhiều tốp người vượt qua dãy núi Khơ Đa trở về tay không từ phía bên kia biên giới. "Những người phải về không hôm nay là do không có hàng hoặc hàng quá nặng, đều trên 50kg không vác nổi ...". Thiếu tá, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh Lều Minh Tiến yêu cầu bà con không được vận chuyển hàng lậu tiếp tay cho gian thương vừa nguy hiểm vừa vất vả không có thu nhập ổn định.
Bất chấp giá rét cắt thịt, cuộc chiến với các đối tượng buôn lậu vẫn dai dẳng. Vì mưu sinh, vì lợi nhuận, cuộc đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp và nguy hiểm, các lực lượng đang gồng mình, gắng sức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.