Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba Vì tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

Kim Nhuệ| 15/05/2023 07:09

(HNM) - Khai thác lợi thế địa hình, đất đai, huyện Ba Vì đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Ba Vì tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học, phát triển bền vững.

Chăm sóc đàn đà điểu tại một hộ gia đình ở thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì).

Là một trong 40 hộ chăn nuôi đà điểu của xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), bà Bùi Thị Xuyến ở thôn Hát Giang chia sẻ, gia đình bà nuôi 200 con đà điểu non. Sau 8-9 tháng nuôi, mỗi con đà điểu đạt trọng lượng 90-100kg. Với giá thị trường hiện nay là 90.000 đồng/kg, mỗi con đà điểu thương phẩm cho lãi ít nhất 1,5 triệu đồng và cao nhất là 2 triệu đồng. Theo bà Bùi Thị Xuyến, khó khăn lớn nhất trong phát triển số lượng đà điểu chủ yếu là diện tích, bởi mỗi con cần ít nhất 18m2 để chăn thả. “Nếu đủ diện tích thì một mình tôi cũng có thể nuôi được 400-500 con mỗi lứa. Tuy nhiên, việc thuê đất hiện nay không dễ, vì gia đình nào cũng dùng để trồng cỏ, chăn nuôi...”, bà Xuyến nói.

Trong khi đó, với 1ha đất vườn đồi, gia đình ông Nguyễn Gia Chung (thôn Hát Giang) quy hoạch ô trồng cỏ và chuồng nuôi 9 con bò sữa, phần còn lại trồng hơn 300 cây mộc hương và mít, nhãn. “Mỗi tháng, vợ chồng tôi có thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng từ bán sữa bò. Cây mộc hương trong vườn (giá rẻ nhất là 5 triệu đồng, cao nhất khoảng 40-50 triệu đồng/cây) là tài sản để dành...”, ông Chung chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng, ngoài chăn nuôi bò sữa, đà điểu, lợn, gà, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã phát triển các loại cây cảnh có giá trị cao, như: Mai trắng và đào bon sai, mộc hương... “Đến thời điểm này, thu nhập bình quân của nông dân trên địa bàn xã đạt 63 triệu đồng/người/năm. Tản Lĩnh đang dần thoát khỏi xã miền núi khó khăn, tiến đến nhóm địa phương có thu nhập ổn định ở mức khá của huyện Ba Vì”, ông Phạm Đình Hùng phấn khởi thông tin.

Tương tự, nhiều xã miền núi, ven các sông Hồng, Đà, như: Ba Vì, Khánh Thượng, Ba Trại, Vật Lại, Sơn Đà, Chu Minh, Đông Quang... đã khai thác tối đa lợi thế đất đai để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường hoặc kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông thông tin, đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao từ khâu làm đất đến thu hoạch; hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, giá trị ổn định... Cụ thể, tại các xã đồng bằng như: Sơn Đà, Tản Hồng, Phú Cường, Chu Minh, Tiên Phong... đã hình thành hơn 2.000ha vùng trồng lúa chất lượng cao, với các giống: TBR225, J02, QR15, Bắc thơm, Hương thơm, Đài thơm, nếp và 168ha rau an toàn. Vùng đồi gò, miền núi, gồm các xã: Ba Vì, Tản Lĩnh, Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại... phát triển mạnh về chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đà điểu, lợn, gà và trồng hoa, cây cảnh, trồng và chế biến cây thuốc nam... Vùng ven sông, như các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Phong Vân, Phú Đông, Phú Cường phát triển mạnh về nuôi trồng thủy sản...

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Ba Vì hỗ trợ nông dân xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) về nhãn mác, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, giới thiệu quảng bá sản phẩm... Đến nay, Ba Vì đã có 138 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 75 sản phẩm đạt 4 sao, 63 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu là sữa tươi, sản phẩm chế biến từ sữa, giò đà điểu, rau quả an toàn... Với những giải pháp nêu trên, năm 2022, giá trị canh tác nông nghiệp của huyện Ba Vì đạt 198 triệu đồng/ha, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đạt 55,6 triệu đồng/người/năm, tăng 33,9 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,57%, giảm 13,53% so với năm 2010.

Được quy hoạch là vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, huyện Ba Vì phấn đấu đến năm 2025 giá trị canh tác đạt 220 triệu đồng/ha, thu nhập của người dân nông thôn đạt 72 triệu đồng/người/năm... Để hoàn thành mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ để nông dân tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm thế mạnh; đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả bền vững theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.