Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bà trùm” hoa lan trên đất Thép

Hồ Văn| 27/03/2010 07:49

(HNM) -

Chị Bảy trong vườn lan của mình.


Nhọc nhằn mưu sinh

Vừa cắt xong mấy cành lan tặng cho người hàng xóm, chị Bảy liền khoe: "Mới dịp 8-3 vừa rồi mình được UBND TP tặng bằng khen, sáng nay Chủ tịch Hội Nông dân xã lại đưa thư mời đi dự hội nghị nông dân điển hình tiên tiến huyện Củ Chi 5 năm (2005-2010), rồi ít ngày nữa lại đến cấp thành phố".

Chúng tôi không nghĩ mình đang đứng trong khu vườn lan rộng trên 5.000m2 (ở ấp 3, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) với trên 20 nghìn gốc lan Mokara khoe sắc với đủ màu: xanh, tím, vàng… của chị Bảy từng là những thửa ruộng phèn. "Ngày đó, từ việc móc đất nâng nền, đến "thổi cát" đều do bàn tay tôi làm cả. Giữa lúc đó chồng bị bệnh hiểm nghèo, vừa phải lo chăm sóc chồng, vừa phải lo quán xuyến mọi công việc trong gia đình, tôi gần như bị kiệt sức" - chị Bảy nhớ lại. Như bao người con gái sinh ra trên "đất thép" Củ Chi, chị Bảy luôn cần mẫn, đảm đang mọi công việc trong gia đình, để nuôi con, giúp chồng an tâm công việc xã hội.

Nhưng ngặt nỗi vùng đất này lại bị nhiễm phèn nặng, trồng lúa vụ nào chị cũng phải đầu tư rất nhiều tiền mua phân lân để hạ phèn; nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Vì thế, để đắp đổi qua ngày, chị phải lặn lội đến các chợ ở Sài Gòn mua vải về đem bán dạo khắp xóm. Chị cho biết: Những năm đầu 1990, TP có chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tôi lao vào chăn nuôi, nào là trăn, cá sấu, bò sữa… Thời đó mọi thứ đều làm thủ công, nhất là nuôi bò sữa. Nói thật, lúc đó vắt sữa bò cả đôi bàn tay của tôi các móng gần như bị thối hết nhưng vẫn cố chịu đựng. Tuy nhiên, việc mưa gió thất thường, chỉ cần vài cơn mưa là rơm rạ vứt hết, trong khi đàn bò lại đông mà tôi thì không đủ sức để cắt cỏ nên đành phải dẹp nghề.

… Và bén duyên với hoa lan

Nhìn cách đến với nghề trồng lan của chị Bảy chúng tôi mới cảm nhận được sự tinh tế, am hiểu về nghề của chị như thế nào, mặc dù trước đó chưa hề trồng loại lan nào. Đối với chị, tiêu chí để trồng lan chính là phương châm: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Đó là lý do, tại sao chị quyết định trồng lan chỉ chọn duy nhất giống Monkara. Bởi theo chị, lan Monkara không chỉ "siêng" bông mà còn được thị trường ưa chuộng hơn. Tuy giá lan giống Mokara cao hơn một số loại lan khác nhưng hiệu quả kinh tế của loại lan này rất cao, vừa bán bông, vừa bán giống và vừa có thể cắt cả ngọn để bán. Khâu chọn giống là quan trọng nhất, nếu không chọn đúng bị phá sản ngay.

Cũng chính cách làm này, chị chỉ mua con giống ban đầu, còn lại là tự nhân giống để phát triển diện tích. "Tự nhân giống bằng cách cắt đọt, khi đó cây giống không bị thoái hóa; còn lai tạo theo kiểu cấy mô dễ bị thoái hóa, do sự phối hợp nhiều loại nên không đúng giống" - chị giải thích. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh lan chị Bảy luôn có quan điểm, công việc phải do mình trực tiếp làm hoặc phải theo dõi hướng dẫn, phải làm chủ được mình, chứ không giao phó cho bất cứ người nào. Đó cũng chính là bí quyết giúp chị thành công với nghề trồng lan này. Chị khẳng định: Trồng lan không khó, chỉ cần mình chịu khó chăm sóc, mỗi sáng phải rửa hoa để làm sạch sương mù, hạn chế bị sâu bệnh.

Giờ đây, mỗi tháng chị xuất bán ra thị trường gần 10 nghìn cây và hoa, với thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng. Theo như lời ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thạnh Tây thì, cả xã có khoảng 10 hộ trồng lan nhưng không ai làm được như chị Bảy. Bởi ngoài thiếu vốn, đất đai, còn thiếu kinh nghiệm nên lan của họ đi chào bán khắp nơi, còn chị thì đã có một công ty xuất khẩu lan đến tận nơi nhận bao tiêu sản phẩm. Nhiều trường đại học, người trồng lan ở các tỉnh, thành bạn và TP Hồ Chí Minh cũng đến đây để tham quan, tìm hiểu mô hình, kỹ thuật, cách thức sản xuất. Có thể nói, chị Nguyễn Thị Bảy đã thực sự trở thành "bà trùm" hoa lan ở vùng đất này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Bà trùm” hoa lan trên đất Thép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.