Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bà bầu phù chân phải đi khám ngay

Lan Hương| 29/12/2010 10:37

Phù chân là dấu hiệu của tiền sản giật, thường xuất hiện vào những tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị sớm, mẹ và thai nhi có thể gặp nguy hiểm.


Theo tiến sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, rất nhiều người chỉ quan niệm phù chân là hiện tượng bình thường khi có thai mà không biết phù chân ở thai phụ cũng là bệnh lý.

Dấu hiệu của bệnh tật


Theo bác sĩ Cường, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng phù chân ở phụ nữ mang thai. Nếu thai phụ có sẵn có tiền sử bệnh tim, bệnh thận thì đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng phù chân. Hoặc nếu thai phụ ở nông thôn, ăn uống không đủ chất cũng có thể gây ra tình trạng này. Ngoài những nguyên nhân bệnh lý vừa kể trên, phụ nữ mang thai bị phù chân còn có nguyên nhân phù do tiền sản giật và phù do chèn ép.

Bác sĩ Lưu Thị Kim Dung, Phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm Y tế Lao động, cho biết tử cung của người phụ nữ từ lúc chưa mang thai đến có thai tăng đến 50 lần về khối lượng, khối lượng này chèn ép lên các tĩnh mạch ở chân, gây ra hiện tượng phù chân. Ngoài ra có thể do tư thế khi làm việc phải ngồi hoặc đứng quá nhiều. Với nguyên nhân này, chỉ cần thai phụ thay đổi tư thế như nằm nghiêng sang bên trái, gác chân lên cao để tử cung đỡ đè vào tuần hoàn, gây ứ đọng máu ở tĩnh mạch thì hiện tượng này sẽ dừng ngay. Tuy nhiên, nếu đã thay đổi tư thế mà hiện tượng không hết, thì đó có thể là do tiền sản giật.

Nên đi khám nếu chân bị phù nhiều. Ảnh: Trung Kiên.


Nên đi khám ngay


Bác sĩ Cường khuyến cáo, khi thai phụ có cảm giác người nặng nề, mí mắt nặng, chân nặng, da bóng, mất hết các nếp nhăn ở cổ tay, cổ chân, mặt tròn trịa thì nên đến bác sĩ sản khoa để xác định nguyên nhân. Ngoài ra, thai phụ cũng nên lưu ý quá trình tăng cân. Ở những tháng cuối chỉ nên tăng không quá 0,5 kg mỗi tuần, nếu vượt thì cũng là dấu hiệu thai phụ đã bị phù do tiền sản giật. Ngoài ra, đa số hiện tượng phù chân do tiền sản giật gây ra xuất hiện trong quý thứ ba của thai kỳ. Vì vậy, nếu thai phụ không có tiền sử các bệnh về tim, thận, khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng lại xuất hiện phù, nhất là trong ba tháng cuối thì có thể do tiền sản giật.

Bác sĩ cũng khuyến cáo tiền sản giật là ca cấp cứu trong sản khoa, biến chứng rất nhiều, rất nhanh và rất nặng cho cả mẹ và con. Đối với mẹ thì có thể gây tử vong, đối với thai nhi thì chậm phát triển trong tử cung và nguy cơ chết lưu. Vì vậy, chẩn đoán sớm để phát hiện là rất quan trọng. Nếu như được phát hiện sớm ở giai đoạn nhẹ thì sẽ giảm bớt được rất nhiều nguy cơ, phù sẽ mất đi, tình trạng thai nghén sẽ dần trở lại bình thường.

Để giảm bớt hiện tượng phù chân, thai phụ nên nằm nghiêng sang trái để tử cung không chèn vào động mạch chủ và các tĩnh mạch ở khung chậu, khi nghỉ ngơi nên gác chân lên cao. Về chế độ dinh dưỡng, bà bầu nên ăn nhạt, tránh các thức ăn nhiều muối, thức ăn cay. Thai phụ cũng nên tập thể dục nhẹ nhàng, trước khi đi ngủ ngâm chân trong nước nóng cũng có thể làm giảm phù chân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bà bầu phù chân phải đi khám ngay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.